Ngành Thuế quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa hoàn thành dự toán thu nhưng vẫn bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) và tăng trưởng kinh tế, năm 2024 ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Cán bộ thuế hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại di động. (Nguồn ảnh: baolaichau.vn).
Cán bộ thuế hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại di động. (Nguồn ảnh: baolaichau.vn).

Nhận diện đúng rủi ro, kịp thời có giải pháp

Trao đổi với báo chí, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, năm 2024, bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 của cơ quan thuế. Do vậy, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, bám sát và đánh giá đúng tình hình kinh tế trong nước, thế giới năm 2024; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp (DN) trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN. Ngành Thuế cũng sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách gia hạn thuế để hỗ trợ thêm cho DN, người dân có thêm dòng vốn ngắn hạn tập trung cho SXKD, góp phần tăng thu bền vững cho NSNN.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; nâng cấp ứng dụng nhằm vận hành ổn định hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc; cải cách toàn diện hệ thống thuế trên các lĩnh vực, đơn giản hóa TTHC, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế (NNT).

Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh NNT gian lận về hóa đơn. Triển khai mạnh mẽ xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc. Tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc triển khai các chương trình hỗ trợ NNT; nghiên cứu và thực hiện cung cấp thông tin tự động (AI, chatbot).

Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác QLNN đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới. Tiếp tục nâng cấp hệ thống Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Cải cách hệ thống thuế ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp

Giải pháp thứ ba mà ngành Thuế ưu tiên là tăng cường triển khai các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ hoàn thuế GTGT, bảo đảm hoàn thuế kịp thời đúng theo quy định của pháp luật.

Trong đó, khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ. Tập trung thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các DN có giao dịch liên kết; giao dịch liên quan đến TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, bất động sản... góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh.

Đồng thời tập trung chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, phấn đấu khai thác tăng thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà, thuế thu nhập cá nhân của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập;... để mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho NSNN.

Thứ tư, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho DN phát huy tối đa nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, SXKD, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu NSNN bền vững.

Cùng với đó là kịp thời triển khai các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách thu theo hướng mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn tiềm năng, dư địa, chống chuyển giá, trốn thuế, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động SXKD của NNT.

Thứ năm, mở rộng, tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá trong các lĩnh vực quản lý hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ “tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”, từ đó nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút đầu tư kinh doanh nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu NSNN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Đọc thêm