Ngành Thuế sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

(PLO) - Năm 2014 khép lại với gam màu sáng của bức tranh kinh tế - xã hội, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành tài chính nói chung, ngành Thuế nói riêng. 
Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Đặc biệt, 2014 là năm đánh dấu những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế, giảm số giờ nộp thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. 
Trước thềm năm mới, PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Xin chúc mừng ngành Thuế đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014. Trong thành tích vượt 9,1% dự toán thu năm 2014, khoản thu nào có đóng góp quan trọng nhất, thưa ông?
- Tính tới thời điểm hiện tại, tổng thu do ngành Thuế quản lý ước đạt 681.100 tỷ đồng, bằng 109,1% so với dự toán (tương ứng vượt 56.900 tỷ đồng), bằng 100,4% so với thực hiện năm 2013. Trong đó: Thu dầu thô ước đạt 102.000 tỷ đồng, bằng 119,7% so với dự toán (tương ứng vượt 16.800 tỷ đồng); thu nội địa ước đạt 579.100 tỷ đồng, bằng 107,4% so với dự toán, tăng 3,8% so với thực hiện năm 2013; số thu nội địa (không kể tiền sử dụng đất) ước đạt 533.400 tỷ đồng, bằng 106% so với dự toán, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Có 13/14 khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán pháp lệnh. 
Có thể nói, ngành Thuế triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng. Hoàn thành thắng lợi kết quả thu nêu trên là do trong năm 2014, Tổng cục Thuế (TCT) đã bám sát và thực hiện triệt để các giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị 03/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT). 
Đồng thời, cơ quan thuế (CQT) các cấp đã tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường việc kiểm soát và khai thác nguồn thu. Đặc biệt, việc tổ chức thu kịp thời cổ tức được chia của phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần và phần lợi nhuận còn lại của các Tập đoàn, Tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định 204/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đã góp phần tăng thu cho NSNN…
Theo dự báo, năm 2015, thu ngân sách sẽ gặp khó khăn do giá dầu giảm mạnh. Đâu sẽ là giải pháp trọng tâm của ngành trong năm 2015?
- Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XI, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN 5 năm 2011-2015. Nhiệm vụ thu Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Thuế là 731.600 tỷ đồng, trong đó: thu dầu thô 93.000 tỷ đồng; thu nội địa 638.600 tỷ đồng, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất (SDĐ) là 599.600 tỷ đồng.
Một trong những khó khăn mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã lường trước và có các phương án ứng phó, đó là giá dầu thô đang giảm mạnh. Về phía ngành Thuế, chúng tôi ý thức việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 do Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. 
Do vậy, ngành Thuế sẽ tiến hành triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách: Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho NNT và nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách thuế mới, đặc biệt tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra, kiểm tra. Tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về hoàn thuế, đưa vào kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đối với những DN có giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ. Tham mưu cho UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp chặt chẽ với CQT trong công tác ngăn chặn hành vi trốn thuế, lậu thuế.
Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, chỉ tiêu thu nợ thuế; phân loại tiền thuế nợ theo đúng quy định để tham mưu các biện pháp đôn đốc phù hợp để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN đối với từng NNT. Tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo cơ quan, ban ngành có liên quan phối hợp với CQT trong việc thu hồi tiền thuế nợ và thực hiện cưỡng chế đối với NNT. 
Thứ tư, rà soát, nắm chắc nguồn thu và số lượng NNT trên địa bàn. Phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo địa bàn, lĩnh vực thu để có giải pháp thích hợp. 
Thứ năm, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các quận, huyện trên địa bàn tích cực đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh việc quy hoạch đất đai, tổ chức đấu giá quyền SDĐ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, phí, lệ phí; phối hợp với cơ quan Tài nguyên - Môi trường trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... để kịp thời thu những khoản thu từ nhà, đất và phí, lệ phí vào NSNN.
Thứ sáu, tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Thực hiện tốt công tác quản lý kê khai thuế thông qua việc phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích, đảm bảo 100% số lượng NNT hoạt động phải kê khai thuế.
Thứ bảy, đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT một cách hiệu quả, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu của NNT bằng những hình thức phù hợp với đặc điểm vùng, miền, NNT. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm pháp luật thuế nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội về công tác thuế…
Năm 2014 là năm có dấu ấn đặc biệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, giảm số giờ nộp thuế; ngành Thuế đã có giải pháp đột phá nào? Trong năm 2015, những thủ tục nào sẽ tiếp tục được cải thiện, thưa ông?
- Thực hiện Nghị quyết 19/NQCP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với TCT về việc thực hiện các giải pháp giảm số giờ nộp thuế nhằm cải cách TTHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự  phát triển của doanh nghiệp; Ngày 06/08/2014, TCT đã ký Quyết định 1201/QĐ-TCT về Kế hoạch hành động của TCT tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho NNT. Ngay sau khi ban hành kế hoạch, các đơn vị và các Cục Thuế đã đồng loạt thực hiện, cụ thể hoá thành các công việc, nhiệm vụ và giao trực tiếp cho từng bộ phận, cán bộ triển khai. Nhiều Cục Thuế còn báo cáo UBND cấp tỉnh để lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, TP. 
Tổng cục trưởng TCT cũng ban hành Chỉ thị 01/CT-TCT ngày 19/8/2014 chỉ đạo CQT các cấp tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của cán bộ thuế với NNT và đẩy mạnh cải cách TTHC, giảm chi phí tuân thủ cho NNT. TCT đã nghiên cứu, đề xuất báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ một số giải pháp về chính sách thuế cũng như quản lý thuế nhằm đơn giản hoá TTHC như: xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa chính sách và thủ tục đối với thuế GTGT, TNDN, hoá đơn,…; và hạn chế những khác biệt giữa thuế và kế toán DN.
Triển khai các giải pháp về chính sách nêu trên đã đơn giản hoá TTHC, giảm số giờ kê khai nộp thuế của NNT là 290 giờ. Ngoài ra, TCT cũng đang đẩy nhanh tiến độ Dự án kê khai thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc, dự tính đến hết năm 2014 đạt 95% số DN đang hoạt động khai thuế điện tử. Thực hiện giải pháp này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí nộp tờ khai thuế của DN, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình kê khai thuế. Đồng thời số lần nộp thuế cũng sẽ giảm đi đáng kể vì theo phương pháp luận tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu quốc gia nào đạt tỷ lệ trên 90% NNT áp dụng phương pháp kê khai và nộp thuế điện tử thì sẽ được tính thành một lần nộp cho dù việc nộp có thể thường xuyên hơn.
Hiện TCT đang tham mưu, báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế vừa được Quốc hội thông qua.
Theo tính toán của TCT, triển  khai các giải pháp quy định trong Luật Sửa đổi này như: bỏ quy định DN phải gửi Bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ thuế GTGT mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế; bỏ quy định khống chế một số khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, giao dịch, khuyến mại, lễ tân, khánh tiết... thì dự kiến sẽ giảm thêm được khoảng 80 giờ nữa.
Như vậy, theo các giải pháp của TCT, Bộ Tài chính đã đề xuất để sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến đến năm 2015, tổng số giờ sẽ giảm được là khoảng 370 giờ và chúng ta sẽ chỉ còn 167 giờ kê khai, nộp thuế…
Xin trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm