Bất lợi về giá
Thừa nhận hiện nay giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn 20% so với giá thành một chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đang đứng trước áp lực giảm giá để cạnh tranh khi thời điểm thuế nhập khẩu 0% đang đến gần. Có điều, không đề cập đến chuyện giảm lãi mà họ lại muốn Nhà nước giảm các loại thuế, phí. Dù sao thì người tiêu dùng cũng sẽ có thể được hưởng lợi.
Theo đó, VAMA cho rằng, việc họ tồn tại và phát triển được sau thời điểm Việt Nam hội nhập toàn diện vào ASEAN năm 2018 phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách thuế và phí của Chính phủ Việt Nam, trong đó phải kể đến thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các ông chủ hãng xe thừa nhận giá thành sản xuất xe ô tô tại Việt Nam cao so với Thái Lan, song trần tình rằng, sự bất lợi về giá này chủ yếu đến từ yếu tố thuế, phí. Cụ thể, họ cho rằng căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt của xe sản xuất trong nước dạng CKD và xe nhập khẩu dạng CBU không thống nhất.
Thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe nhập khẩu nguyên chiếc tính trên giá nhập khẩu CIF cộng với thuế nhập khẩu, trong khi xe sản xuất trong nước được tính trên giá bán buôn. Nếu vẫn giữ quy định này thì khi thuế nhập khẩu được giảm về 0%, xe sản xuất trong nước sẽ bất lợi về giá.
Thứ hai, VAMA cho rằng, thuế nhập khẩu linh kiện và cụm linh kiện vẫn giữ ở mức cao trong khi tại các nước khác trong khu vực như Thái Lan, linh kiện nhập về từ khắp các nước trên thế giới để sản xuất xe ô tô tại khu công nghiệp, khu chế xuất để xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Và giải thích cho “bất lợi về giá”, cuối cùng luôn là lý do muôn thuở: do sản lượng quá nhỏ nên chi phí sản xuất tại Việt Nam rất cao.
“Giải pháp” của VAMA là: áp dụng thuế xuất xưởng để tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước (CKD) và trong giai đoạn “chuyển tiếp” - khi thị trường ô tô của Việt Nam vẫn còn chưa đủ lớn, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao nêu trên. Mức ưu đãi được VAMA đề xuất tương đương 10% giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt, nằm trong phạm vi cho phép của WTO.
Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 40% từ năm sau
Đặc biệt, với lý do nhằm mở rộng thị trường trong nước cho các dòng xe con, VAMA đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với một lộ trình có thể sẽ rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng nếu được áp dụng: năm 2015-2016 xuống còn 40%; năm 2017 xuống còn 35% và năm 2018 xuống còn 30%. Theo VAMA, hiện các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines chỉ áp dụng mức thuế suất tương tự là 20%.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô; xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe khách 16-24 chỗ vì đây là dòng xe thương mại và hỗ trợ rất nhiều cho việc đi lại của người dân Việt Nam, đặc biệt là những vùng ngoại ô, liên tỉnh...
Trả lời PLVN, không bình luận trực tiếp về tính khả thi trong đề xuất của VAMA, song một chuyên gia thuộc Bộ Tài chính tiết lộ, để thuyết phục cho đề xuất giảm thuế - giảm giá xe – tăng dung lượng thị trường của mình, chính VAMA cũng có những nghiên cứu đánh giá tác động của việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tại thời điểm thuế nhập khẩu từ ASEAN bị cắt giảm về 0%, cho thấy do dung lượng tăng, nhiều nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn tăng, nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lệ phí trước bạ tăng, dẫn đến nguồn thu ngân sách vẫn không bị ảnh hưởng.
Được biết, tuần trước Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu kiến nghị nói trên của VAMA, đề xuất trong chính sách chung phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.