Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Phòng Tư pháp thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đến nay đã có 59/63 Sở Tư pháp được ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở.
Trong đó, 50/63 Sở Tư pháp được cơ cấu gồm 08 phòng thực hiện chức năng quản lý (Văn phòng, Thanh tra và 06 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ). Cả nước có 709 Phòng Tư pháp, với tổng số 3.186 người (bình quân 4,5 người/một Phòng Tư pháp). Tổng số công chức tư pháp - hộ tịch giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ tư pháp là 17.675 người, trong đó 6.132/11.170 xã, phường, thị trấn đã bố trí từ 02 công chức tư pháp - hộ tịch trở lên (chiếm tỷ lệ 54,9% xã, phường, thị trấn trên cả nước).
Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận: một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trong công tác tư pháp là khối lượng công việc, nhiệm vụ mới bổ sung cho ngành tăng nhiều, mức độ phức tạp, yêu cầu chất lượng công việc ngày càng cao, trong khi đó tổ chức, biên chế, chất lượng nguồn nhân lực, kinh phí để triển khai chưa theo kịp yêu cầu công việc, đặc biệt là biên chế cho các cơ quan tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế.
Đơn cử như ở cấp huyện, hiện nay rất nhiều địa phương thiếu cán bộ tư pháp, trong khi ngoài các nhiệm vụ truyền thống, tư pháp huyện gần đây được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ mới, ví dụ như đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Đối với cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, số xã, phường bố trí được 2 cán bộ/xã chưa nhiều.
Ở Thái Bình, số lượng đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp thấp hơn trung bình của cả nước; còn ít xã phường có hai cán bộ tư pháp hộ tịch trở lên, Phòng pháp chế Sở, ngành chưa nơi nào thành lập…
Ở Hà Nam, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thị Liên cũng cho biết, hiện số xã phường, thị trấn có đủ 2 công chức tư pháp - hộ tịch còn rất ít (51/116). Trên thực tế, công chức tư pháp – hộ tịch thứ 2 phải kiêm nhiệm thêm nhiều công tác khác.
Tại Nam Định dù không phải là địa bàn quá khó khăn xong theo Sở Tư pháp, hiện cả tỉnh mới có 258 công chức tư pháp hộ tịch xã /229 phường, xã, thị trấn.
Ngay như ở Hà Nội, số lượng biên chế tuy nhiều hơn so với nhiều địa phương khác nhưng vẫn trong tình trạng quá tải, từ cấp Thành phố đến xã, phường.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết: “Việc bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ mới rất khó khăn. Mỗi cán bộ tư pháp cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn phải kiêm nhiệm rất nhiều việc”.
Để triển khai thực hiện Thông tư 23, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan quan tâm, bố trí, sắp xếp, tăng cường biên chế cho cơ quan Tư pháp trong đó có Phòng Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng đề nghị các Sở Tư pháp chủ động, tích cực hơn trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành ở địa phương báo cáo, đề xuất HĐND, UBND tỉnh rà soát trong tổng biên chế được giao để có biện pháp sắp xếp, chuyển đổi và bổ sung biên chế giao cho các cơ quan Tư pháp địa phương, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã, bảo đảm số lượng biên chế cần thiết cho các cơ quan Tư pháp bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ mới được giao theo quy định của pháp luật.
Đối với đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, Bộ Tư pháp cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đề xuất những giải pháp kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, trong đó có đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch đủ về số lượng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp 2015 - 2020 theo quy định của Luật Hộ tịch.