Nhắc đến quê em miền trung du Phú Thọ, nhiều người lập tức nghĩ đến lời thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!/Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát…”. “Rừng cọ, đồi chè” như một QR-Code, một “mã nhận diện” làm nên thương hiệu của vùng đất Phú Thọ. |
Năm 2021, Cuộc thi ảnh quốc tế First Half of 2021 Smile World với hơn 10.000 tác phẩm tham gia đã dành giải bạc cho bức ảnh “Miền trung du thức giấc” của nhiếp ảnh gia Bùi Việt Đức. Vẻ đẹp của những đồi chè đảo lớn, đảo nhỏ nối tiếp, ẩn hiện trong màn sương sớm được bức ảnh ghi lại đã thôi thúc chúng tôi về Long Cốc (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) trong một sớm cuối thu. |
Cuối thu, đầu đông là thời điểm được nhiều nhiếp ảnh gia và du khách có kinh nghiệm “truyền tai”: đây là quãng thời gian đẹp nhất để săn sương sớm thành công và có những bức ảnh ưng ý nhất về những ốc đảo chè Long Cốc. |
Long Cốc nằm cách Hà Nội khoảng 100km, cách TP Việt Trì khoảng 55km, cách Phố Vàng (thị trấn Thanh Sơn) trên 20km, một khoảng cách “vừa xinh” cho những ngày nghỉ cuối tuần. |
Thêm vào đó, vùng chè Long Cốc gần như nằm lọt giữa một vùng đồi núi, cận kề với Vườn quốc gia Xuân Sơn nên không khí nơi đây không chỉ yên bình mà còn trong lành, rất thích hợp cho những ai muốn "trốn" khỏi thị thành tấp nập, xô bồ và khói bụi. |
Khởi hành từ 4h30 sáng, khi màn đêm vẫn còn bao phủ, chúng tôi có mặt ở đồi chè khu Măng 1 (Long Cốc) lúc hơn 5h. Từ dưới đường nhìn lên, đồi chè ở đây mới chỉ gây ấn tượng bởi có độ dốc khá cao so với những đồi chè nằm ven Quốc lộ 32 (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), hay đồi chè ở Thái Nguyên. Thế nhưng, khi leo bộ vượt dốc lên tới đỉnh một ngọn đồi, phóng tầm mắt ra tứ phía thì cảm giác thật là choáng ngợp. Quá đẹp! |
Những đồi chè tròn vành vạnh như những cái thúng đan bằng nan xanh úp ngược xếp chồng hết lớp này đến lớp khác. Trên đó được điểm xuyến bởi những cây muồng kim phượng hoặc cây thân gỗ lấy bóng mát cho chè làm cho bức ảnh thêm sinh động. Đứng chụp hoài chưa chán, anh bạn đi cùng phải giục chúng tôi sang đồi chè móng ngựa (tên dân du lịch tự đặt) kẻo nắng lên. |
Quả thực, leo qua hai đồi chè, vào sâu khu vực đồi móng ngựa không làm chúng tôi thất vọng. Điểm độc nhất vô nhị của đồi chè ở Long Cốc là ở điểm này. Đó không chỉ là những đồi chè chồng chồng lớp lớp trập trùng xen kẽ mà còn là những đỉnh núi, dãy núi mờ ảo nhấp nhô nơi cuối trời khiến cho khung cảnh sâu tới vô cùng. |
Bàn tay của người dân đã tạo nên những đồi chè Long Cốc nhưng chính Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây một khung cảnh khiến lữ khách say đắm bởi những làn sương mỏng mờ ảo thấp thoáng theo những triền đồi chẳng khác gì một bức tranh thủy mặc. Vẻ đẹp ấy, khung cảnh bao la giữa đất trời, mây gió ấy khó có máy ảnh nào có thể ghi lại được mà chỉ có thể cảm nhận bằng ánh mắt, tâm hồn… |
Muộn hơn một chút, khi mặt trời của ngày mới cao dần, du khách lại bị thôi miên bởi bình minh đồi chè Long Cốc. Khi mây còn dày, ánh nắng không tỏa rạng, mà chỉ lọt xuyên qua mây tạo thành những tia nắng lóe sáng làm cho bức ảnh thêm độc đáo. |
Cùng với một vùng văn hóa Mường giàu bản sắc, gần những địa điểm du lịch nổi tiếng của Phú Thọ như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khoáng nóng, vườn vua Thanh Thủy… và một chiến lược phát triển du lịch thành mũi nhọn của địa phương, tin chắc rằng, trong một tương lai gần, đồi chè Long Cốc (mà có người gọi là "Thung lũng của rồng" sẽ là điểm hẹn của du khách gần xa. |