Ngày 4/11 sẽ diễn ra Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020

(PLVN) -Ngày 04/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN trong nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thi hành các bản án, quyết định của tòa án”.

Thực hiện Danh mục các hoạt động do Việt Nam chủ trì do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, vào ngày 04/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan pháp luật/tư pháp các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các Bộ, ngành hữu quan tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN trong nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thi hành các bản án, quyết định của tòa án”.

Tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. Đại diện Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 - ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (Trưởng SOM ASEAN) Việt Nam, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 cũng sẽ có mặt và phát biểu chào mừng Diễn đàn.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, cơ chế Diễn đàn pháp luật ASEAN là một kênh quan trọng để các nước thành viên ASEAN chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về xây dựng, thực thi pháp luật, được Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM) và Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM) khuyến khích, tạo điều kiện tổ chức. Trong khi đó, năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, nên việc tổ chức Diễn đàn này càng có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến tổ chức từ 13-15/11/2020.

Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 hướng đến các mục đích: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN về tổ chức thi hành pháp luật và thi hành các bản án, quyết định dân sự của tòa án (sau đây gọi là thi hành án dân sự). Những thông tin, kinh nghiệm được các quốc gia ASEAN chia sẻ và trao đổi tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng đối với Bộ Tư pháp nói riêng, cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói chung trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, trong đó có thi hành án dân sự.; Thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN; thể hiện và khẳng định vai trò tham gia chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN; Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia ASEAN, để đảm bảo việc triển khai Diễn đàn theo đúng kế hoạch, góp phần thể hiện khả năng chủ động, thích ứng của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 01 điểm cầu tại Hà Nội và 09 điểm cầu tại 09 quốc gia ASEAN, 01 điểm cầu tại Ban Thư ký ASEAN.

Tính đến thời điểm hiện tại, về đại biểu tham dự phía Việt Nam, Bộ Tư pháp đã nhận được sự đăng ký tham dự Diễn đàn của trên 70 đại biểu đại diện các Bộ/Ban/Ngành (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…), đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp và Cục THADS các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Bắc Giang và thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo và công chức của 16 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Thông tấn xã Việt Nam... Về phía đại biểu quốc tế, Diễn đàn sẽ có sự tham gia của đại diện ASLOM (Trưởng ASLOM và quan chức/chuyên gia pháp luật cao cấp) của 10 quốc gia thành viên ASEAN; đại diện Ban Thư ký ASEAN; một số chuyên gia quốc tế của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp.

Hy vọng rằng, Diễn đàn này sẽ cung cấp nhiều thông tin có giá trị để các Bộ, ngành Việt Nam nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc trong quá trình hoàn thiện pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật; giới thiệu những thành tựu lập pháp của Việt Nam đến bạn bè ASEAN, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế./. 

Đọc thêm