Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia: Sẽ tạo hành lang pháp lý khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 30/10/2017 giao Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện, có ba mục tiêu: Một là trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV); Hai là hỗ trợ cho HSSV có điều kiện khởi nghiệp; Ba là thúc đẩy tạo môi trường cho HSSV khởi nghiệp. Trong đề án này cũng đưa ra những giải pháp quan trọng, tạo điều kiện cho HSSV khởi nghiệp…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia 2020.

Không hẳn chỉ là nguồn vốn

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Đại học Giáo dục ĐHQGHN cho rằng, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh là trách nhiệm xã hội không chỉ của trường học mà còn của cả chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Hoạt động này chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Vì vậy cần phải có cơ chế phối kết hợp với qui định về chức năng nhiệm vụ của các bên trong giáo dục hướng nghiệp thì vấn đề này bớt khó khăn.

Do đó, cần có kế hoạch bồi dưỡng cho tất cả giáo viên về giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Đây không chỉ là nhiệm vụ của những nhà tư vấn hướng nghiệp. Lãnh đạo và các nhà quản lý của các nhà trường cần quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động đa dạng để HS khám phá bản thân, thế giới nghề nghiệp để có thể ra quyết định hợp lý nhất về nghề khi tốt nghiệp phổ thông.

Bộ GD-ĐT cho biết, qua 3 năm tổ chức Ngày hội, tỉ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp tăng từ 5% tính đến cuối năm 2018 lên 9% năm 2020, đặc biệt đối với nhóm ngành công nghệ, kinh tế. 50% đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có các cuộc thi về khởi nghiệp; 60% số trường THPT, THCS có học sinh tham gia các hoạt động khởi nghiệp.

Số lượng ý tưởng, dự án tham gia “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp-SV.STARTUP” tăng từ 200 (năm 2018) lên gần 400 (năm 2019) và hơn 600 (năm 2020).  Chất lượng, tính khả thi, tính sáng tạo của các dự án cũng được đánh giá cao. Một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ: Khi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh, các học sinh, sinh viên thường quan tâm đến nguồn lực tài chính, nguồn vốn ban đầu để triển khai. Vấn đề này đã và đang được được Bộ GD-ĐT, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách và hướng dẫn hỗ trợ người học. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, điều các bạn trẻ cần quan tâm nhất là chăm chút cho nguồn lực lớn nhất của mình - các ý tưởng sáng tạo.

“Nguồn lực lớn nhất của các bạn khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, là cái riêng có, cái độc quyền, là lợi thế to lớn nhất của các bạn. Cái các bạn cần chính là “cơ hội” để biến ước mơ thành hiện thực. Một khi ý tưởng của các bạn lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư, khi đó cơ hội thành công của các bạn lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ tập trung vào tìm nguồn vốn. Hãy chăm chút cho ý tưởng/dự án/ sản phẩm của mình và tích cực tìm hiểu, tham gia cuộc thi”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhắn nhủ.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư về khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đào tạo, để tạo hành lang pháp lý giúp hoạt động này của HSSV được đẩy mạnh, phát triển và đạt nhiều hiệu quả thiết thực…

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của người trẻ

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ những ngày đầu xuất hiện ở Việt Nam, đến nay phong trào khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đã được truyền cảm hứng, tiếp sức mạnh, tạo điều kiện và đã huy động được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Ngày hôm nay, chúng ta đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong các trường đại học học đã có hơn 70 không gian làm việc chung dành cho start-up, trên 3.000 doanh nghiệp start-up thành công. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện đất nước những năm đầu thực hiện đổi mới (năm 1986), Hà Nội có toà nhà lớn được chọn làm Đại sứ quán Mỹ, nay đã trở nên vô cùng nhỏ bé giữa lớp lớp cao ốc mới. Với những thay đổi dễ nhận thấy đó, Chính phủ khẳng định, Việt Nam đã có bước tiến rất dài, phát triển, lớn mạnh.

Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình liên tục cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế vẫn thua kém nhiều quốc gia do GDP bình quân trên đầu người trong nhiều năm vẫn ở mức trung bình là 130 thế giới, riêng năm nay với cách tính khác thì ở khoảng 100. Nhiều chỉ số như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, chính phủ điện tử… đứng khoảng vị trí thứ 70-80.

Trong khi đó, Báo cáo Việt Nam 2035 (công bố đầu năm 2016) nhận định, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, liên tục trong 20 năm tiếp theo thu nhập GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam phải tăng khoảng 7,5%/năm.

Phó Thủ tướng khẳng định dân tộc Việt Nam nhất định không chấp nhận nghèo mãi nhưng cũng không mong một xã hội có thể thu nhập rất cao, rất giàu nhưng không yên bình, không có tình yêu thương, không an toàn. Chúng ta phải tiếp tục phát triển nhanh hơn nhưng phải bền vững theo Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia.

“Thế giới ngày nay giống như trong một cuộc chạy việt dã về phát triển, cạnh tranh. Trên thế giới có khoảng 200 quốc gia/vùng lãnh thổ, Việt Nam chạy nhanh thứ hai nhưng do xuất phát chậm nên vị trí mới ở khoảng thứ 100. Nếu lơi lỏng một chút, bước sai một chút chúng ta không chỉ bị tụt lại mà có thể bị loại khỏi cuộc đua, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp nói chung, chúng ta sẽ tìm ra, khơi dậy, tạo điều kiện để những cộng đồng doanh nghiệp như cộng đồng start-up lớn mạnh thật nhanh, có sức bật lớn. Có như vậy đất nước mới có thể phát triển nhanh hơn nữa.

“Đây không phải là việc dễ dàng nếu không muốn nói là rất khó, bởi nhiều doanh nghiệp start-up đã thất bại không chỉ một lần trước khi thành công”, Phó Thủ tướng chỉ rõ và khẳng định “không có cách nào khác là phải tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới thật mạnh mẽ, để sao cho nguồn lực của đất nước được sử dụng một cách tốt nhất bởi các doanh nghiệp, cá nhân có giải pháp hiệu quả nhất”. Chúng ta phải tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Điều thứ 2 chúng ta phải chú trọng thực hiện là đổi mới giáo dục đào tạo. Tất cả các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, tôn trọng Việt Nam đều vì tôn trọng nguồn nhân lực của đất nước ta”, Phó Thủ tướng nói và dẫn chứng về các chỉ số của giáo dục tiểu học, THCS Việt Nam đều ở mức tiệm cận các nước OECD; giáo dục đại học năm qua cũng đạt nhiều thành tựu như 4 trường lọt top 1.000 cơ sở tốt nhất thế giới...

“Phải tiếp tục đổi mới giáo dục đào tạo, đưa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vào giáo dục phổ thông và trực tiếp nhất là giáo dục đại học… Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, trường đại học, nhưng qua đó chúng ta có thể khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển đất nước của người trẻ; giúp các em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích cho việc học, việc làm về sau”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các bạn học sinh, sinh viên nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong quá trình học tập, bên cạnh lĩnh hội kiến thức cần quan tâm đến những ý tưởng khởi nghiệp, cho công việc, sự nghiệp sau này. Thông qua các sản phẩm ý tưởng khởi nghiệp, Phó Thủ tướng mong các bạn HSSV chia sẻ và kết nối các ý tưởng để tạo nên sức mạnh, cùng niềm tin sẽ thành công trong quá trình lập nghiệp. 

Khi ước mơ thành hiện thực

Cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp Startup” được tổ chức thường niên chính là sân chơi, là cơ hội để các em thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực.

Lễ trao giải cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 diễn ra chiều 22/12. Trong đó, dự án khởi nghiệp của sinh viên giành giải Nhất được nhận tiền thưởng 60 triệu đồng; gói hỗ trợ đào tạo, triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

Đọc thêm