Ngày mai Hà Nội nắng nóng gay gắt hơn, người dân đề phòng sốc nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 20-21/6, Hà Nội nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 41 độ C...

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên từ ngày mai, 20/1, đến ngày 21/6, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-41 độ, có nơi trên 41 độ C.

Hà Nội ngày 20-21/6 cũng nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất khoảng 41 độ C.

Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-19h.

Cũng theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các tỉnh và thành phố Bắc Bộ ngày 20-21/6 có chỉ số UV cực đại trong ngày mức 9-10, mức có nguy cơ gây hại rất cao cho cơ thể người. Khu vực Trung Bộ chỉ số tia cực tím duy trì ở mức 9, mức có nguy cơ gây hại rất cao.

"Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ", Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo. "Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao".

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ ngày 22/6, nắng nóng suy giảm ở Bắc Bộ và có khả năng kết thúc từ ngày 23/6; ở Trung Bộ nắng nóng dịu dần nhưng còn duy trì trong những ngày sau đó.

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân nên hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Khi trời nắng nóng, đối tượng bị sốc nhiệt, đột quỵ có thể là bất cứ ai từ người trẻ cho đến người cao tuổi, đặc biệt là những người có các bệnh về huyết áp cao, tim mạch, béo phì và những người phải làm việc dưới trời nắng trong thời gian dài.

Khi thấy có những dấu hiệu say nắng, ngoài tìm cách hạ thân nhiệt bằng bất cứ biện pháp nào, thí dụ dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… cần phải theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C. Nếu cơ thể không đáp ứng, cần phải đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.