Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2024: Việt Nam tích cực hành động chống suy thoái đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Suy thoái đất, sa mạc hóa là vấn đề có quy mô toàn cầu, cần sự chung tay của tất cả các quốc gia nhằm ngăn chặn, đảo ngược quá trình này. Nhận thức rõ tính khẩn cấp, Việt Nam đang là quốc gia tích cực trong nỗ lực hợp tác quốc tế, thể chế hóa các cam kết, xây dựng hành lang pháp lý vững chắc nhằm tăng cường quản lý sử dụng đất, phục hồi và nâng cao chất lượng đất.
Trồng cây bản địa là một trong những giải pháp chống lại tình trạng thoái hóa đất. (Ảnh: Viện Tài nguyên và Môi trường - IREN)
Trồng cây bản địa là một trong những giải pháp chống lại tình trạng thoái hóa đất. (Ảnh: Viện Tài nguyên và Môi trường - IREN)

Lời kêu gọi cấp bách từ quốc tế

Ngày Môi trường Thế giới 5/6 là ngày lễ quốc tế thường niên lớn nhất dành cho môi trường, được khởi xướng bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) từ năm 1973. Với mỗi chủ đề khác nhau hàng năm, UNEP phát động chủ đề năm nay là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”.

Giảm thiểu tác hại do suy thoái đất, sa mạc hóa là một trong những mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Mục tiêu số 15). Cụ thể, đến năm 2030, các quốc gia, bằng các cam kết và hành động của mình, phấn đấu để đạt được một thế giới không thoái hóa đất. Phục hồi đất cũng là một trong những mục tiêu chính trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái giai đoạn 2021 - 2030, nhằm thông qua các chính sách, sáng kiến và cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Sử dụng đất bền vững

Vấn nạn thoái hoá đất đai cũng ngày càng nhức nhối ở nước ta trong 2 thập kỷ qua. Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng 2020 (theo Quyết định số 204/2006/QĐ-TTg ngày 2/9/2006) từng nhận định 4 vùng có nguy cơ sa mạc hóa cao (phạm vi của Chương trình hành động) ở Việt Nam là: Tây Bắc, Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa tới Phú Yên), Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (Tứ giác Long Xuyên).

Vấn đề quản lý, sử dụng đất bền vững hiện đang được Đảng và Nhà nước đặt lên mối quan tâm hàng đầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ hơn cho việc phục hồi suy thoái đất mà ở đó, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng bền vững chính là giải pháp căn bản. Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030 (theo Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 24/08/2023), đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC).

Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 và Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Bộ TN&MT đã có công văn gửi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ TN&MT khuyến nghị các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.