Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao
Ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PHPBGDPL tỉnh Bạc Liêu, phát biểu kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam và phổ biến một số văn bản pháp luật. |
Tại Hội nghị kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PHPBGDPL tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Trong 10 năm qua, hàng năm, căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu luôn tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả từ tỉnh cho đến cơ sở, không gián đoạn, ngay cả trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 phức tạp như năm 2021.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 đã trở thành sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc với cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Đặc biệt, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao, từng bước ngăn ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật; nhân dân tin tưởng vào đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, của chính quyền địa phương, qua đó góp phần ổn định tình an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.
Đại biểu tham dự kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam và phổ biến một số văn bản pháp luật. |
Theo ông Vưu Nghị Bình “Thời gian qua, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện với trọng tâm là thi hành Hiến pháp năm 2013, các văn bản pháp luật và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, đã thu được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần thiết thực vào thành tựu đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội của tỉnh.
Để thực hiện tốt công tác PBGDPL, căn cứ điều kiện, yêu cầu thực tiễn của từng các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án về PBGDPL bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn trong tiếp cận pháp luật, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… thực hiện hiệu quả Đề án về "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Ngày Pháp luật Việt Nam ban đầu là mô hình bắt nguồn từ sáng kiến của các tỉnh như: Tiền Giang, Long An, trong đó có tỉnh Bạc Liêu - đã tổ chức triển khai mô hình này hàng tháng, trước đây tỉnh Bạc Liêu chọn ngày 28 là Ngày sinh hoạt pháp luật (hiện nay đã đổi lại ngày 9 hàng tháng theo chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh).
Hiến pháp 2013, thể hiện đầy đủ ý chí, tinh hoa, nguyện vọng của đồng bào
Ông Phạm Mạnh Cường – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, triển khai Hiến pháp năm 2013. |
Tại Hội nghị, ông Phạm Mạnh Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, triển khai những nội dung cơ bản và điểm mới của Hiến pháp năm 2013: Đây là bản Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ tiếp tục đổi mới của đất nước. Hiến pháp 2013 đã thể hiện sự kế thừa các Hiến pháp trước, thể hiện đầy đủ ý chí, tinh hoa, nguyện vọng của đồng bào, cử tri của cả nước và phát triển ở một tầm vóc mới; đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam…
Đồng thời, cũng nghe báo cáo viên triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Sở Tư pháp tuyên truyền Ngày Pháp luật bằng phương pháp trực quan trên các tuyến đường phố trung tâm TP. Bạc Liêu. |
Ông Vưu Nghị Bình nhấn mạnh: “Với kết quả đã đạt được trong thời gian qua và sự đóng góp tích cực, sự hưởng ứng nhiệt tình, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, tôi tin tưởng sâu sắc rằng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 tiếp tục là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa sâu sắc và góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Vì vậy, để Ngày Pháp luật năm 2022 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả và phấn đấu 365 ngày trong một năm, mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và để thực hiện tốt mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới được Hội nghị Trung ương 6 vừa qua là “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức XHCN”.
Ngày Pháp luật Việt Nam là nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân và hướng tới mục đích, ý nghĩa sau: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với qui định của Hiến pháp và pháp luật; đề cao giá trị con người, nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật của kỷ cương, phép nước; Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý.