Thành lập tổ chức yêu nước bí mật, cách mạng đầu tiên ngay trong trường Bưởi
Ông Vũ Oanh sinh ra trong một gia đình ở nông thôn thuộc thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và lớn lên trong thời kỳ đất nước bị đô hộ, áp bức, bóc lột. Gia đình bác sống trong cảnh nghèo khó, gặp nhiều tai họa, bố mất sớm.
Năm 1936, ông tròn 12 tuổi, cũng là năm anh ruột Vũ Duy Hiệu được ra tù. Thấy ông học khá, có trình độ nhận thức tốt nên bác Hiệu đã công phu giảng dạy cho ông những điều cơ bản về cách mạng. Nhờ vậy, ông may mắn sớm được giác ngộ cách mạng, tiếp thu lý luận cách mạng một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Được Đảng giao nhiều công việc, ông luôn tự giác sẵn sàng nhận trách nhiệm, nắm vững đường lối chính sách của Đảng, gắn bó với đảng viên, quần chúng mà phấn đấu. Và có thể nói thời kỳ hoạt động cách mạng ở Hà Nội đã ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông thời trai trẻ…
Ông Vũ Oanh (áo đen) cùng các đồng chí, đồng đội. |
Ông kể, giữa tháng 6/1939, sau khi đỗ sơ học bổ túc, ông nộp đơn thi vào học trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An - Hà Nội). Ông bắt đầu sống và học tập ở Hà Nội đúng vào thời điểm thoái trào của cách mạng.
Để chuẩn bị chiến tranh với Đức, Chính phủ Pháp ra sức đàn áp Đảng Cộng sản và các lực lượng cách mạng. Rất nhiều đảng viên và đoàn viên thanh niên dân chủ, thanh niên phản đế, cán bộ hội viên các hội ái hữu... hoạt động bí mật và công khai đã bị bắt. Cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội bị bắt đi bắt lại liên tiếp. Các đoàn thể quần chúng của Đảng, các báo công khai của Đảng cũng bị cấm hoạt động.
Năm 1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức, chính quyền thực dân ở Đông Dương đầu hàng Nhật. Quân Nhật vào chiếm Đông Dương dùng Pháp để cai trị, bóc lột tàn nhẫn nhân dân Đông Dương, nước ta lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”.
Năm 1941, Bác Hồ về nước chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941). Đảng ta đã nhận định rất sáng suốt là phe đồng minh Liên Xô - Anh - Mỹ - Pháp - Trung Hoa nhất định sẽ thắng phe phát xít Đức - Ý - Nhật. Thời cơ nghìn năm có một để nhân dân Việt Nam đứng dậy khởi nghĩa vũ trang giành độc lập tự do, nhất định sẽ đến. Phải gấp rút phát động phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Thời gian này, cách mạng Hà Nội đứng trước tình huống đặc biệt, lực lượng của địch rất mạnh, hoạt động đàn áp rất ác liệt; lực lượng cách mạng có tổ chức thì lại rất mỏng. Bài toán lớn của cách mạng Hà Nội những năm đó là làm thế nào xây dựng lại, phát triển và bảo vệ được lực lượng Đảng và quần chúng cách mạng, làm thế nào để khi tình thế thuận lợi, cách mạng có thể nổi dậy vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Ông Vũ Oanh. |
Do khi còn học ở trường tiểu học (1936-1939), ông được thầy giáo Lê Đức Linh và nhất là được anh ruột giác ngộ về tinh thần yêu nước, về cách mạng và Đảng Cộng sản, nên khi vào học ở trường Bưởi, ông đã đứng ra tập hợp những bạn học thân thiết, gắn bó với nhau và cùng chí hướng trong trường Bưởi khóa 1939-1943 và các khóa sau thành lập đội Ngô Quyền để noi gương các bậc danh nhân tiền bối, noi gương Ngô Quyền- người anh hùng dân tộc.
Đội được thành lập tháng 9/1940. Đây là tổ chức yêu nước bí mật, cách mạng có khuynh hướng mác xít đầu tiên hoạt động ngay trong trường Bưởi.
Lúc mới thành lập đội có 8 người do bác làm đội trưởng. Sau một thời gian hoạt động, số đội viên đã lên tới 40 người. Lúc này, để tránh sự dòm ngó của mật thám, đội Ngô Quyền xin gia nhập đoàn SET (Section d'excurision et de tourisme), tức đoàn Rồng, là tổ chức học sinh được nhà trường cho phép thành lập hoạt động công khai. Từ đây, đội Ngô Quyền đã tạo được điều kiện để công khai trong một số hoạt động cần thiết.
Trong quá trình hoạt động, ông và anh em đội Ngô Quyền đã tích cực tìm bắt liên lạc với tổ chức của Đảng. Đồng thời, chính nhờ các hoạt động của đội mà tổ chức của Đảng đã quan tâm tìm hiểu và các đội viên lần lượt được chính thức kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc (bác Oanh được cử làm Bí thư Ban chấp hành) thuộc Mặt trận Việt Minh Hà Nội do Đảng sáng lập.
Từ đây, những đội viên đội Ngô Quyền thực sự là hạt nhân của Đoàn thanh niên cứu quốc TP Hà Nội trong suốt quá trình chuẩn bị lực lượng, xây dựng cao trào cách mạng mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân để sẵn sàng và kịp thời nắm bắt khi thời cơ đến, tiến tới tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đội Ngô Quyền đã được Đảng công nhận là tổ chức yêu nước cách mạng.
Những ngày sôi nổi giành chính quyền 76 năm trước
Thời kỳ đen tối trước ngày Tổng khởi nghĩa, Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, thi hành chính sách bắt nông dân phá lúa trồng đay phục vụ cho chiến tranh. Tàn ác hơn, chúng vơ vét thóc lúa của nông dân, đưa nông dân đến cảnh thiếu lương thực chết đói hàng loạt. Hành động tàn ác, dã man của địch, cảnh khổ cùng cực của dân càng làm cho nhân dân Thủ đô, mọi người, mọi tầng lớp, nhất là lớp thanh niên động lòng trắc ẩn, thức tỉnh lòng thương nước, thương dân, sôi sục căm thù quân cướp nước. Mọi người hướng về cách mạng, về Mặt trận Việt Minh.
Trong bối cảnh ấy, ông Vũ Oanh và các anh em rất linh hoạt trong triển khai các hình thức mở rộng ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh ngày ấy. Thế và lực của cách mạng ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Ở Thịnh Liệt, các tổ chức Việt Minh hoạt động gần như công khai, trở thành hậu phương vững chắc của Thành ủy Hà Nội. Bác và các anh em Thành ủy thường xuyên qua lại hội họp ở đây được an toàn.
Ông Vũ Oanh (áo vàng) tiếp ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm. |
Tháng 5/1945 làng Sét thành lập Đội tự vệ cứu quốc. Anh em mua sắm được cả súng trường, súng ngắn và được trang bị 10 khẩu súng trường. Đội còn vào Đa Sĩ thuê thợ rèn làm vũ khí thô sơ đủ trang bị cho tự vệ.
Ngày 17/8/1945, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội chủ trương điều lực lượng tự vệ tham gia phá cuộc mít tinh của Trần Trọng Kim. Đội tự vệ Thịnh Liệt làng Sét tham gia cuộc mít tinh và tuần hành đến tận chiều tối.
Ngay tối hôm đó, Thịnh Liệt họp quyết định ngày hôm sau – 18/8 sẽ khởi nghĩa giành chính quyền trong vùng. Các chiến sĩ Việt Minh ở Thịnh Liệt cầm cờ tuần hành qua các thôn xóm, vừa đi vừa hát bài ca cách mạng. Quần chúng tham gia rất đông. Mọi người cùng kéo về trường học Giáp Tứ lúc 8 giờ sáng góp phần tạo áp lực cho thanh niên Giáp Tứ giành chính quyền. Hương lý đem sổ sách, triện đồng ra nộp cho chính quyền cách mạng.
Đoàn quân tiến về Giáp Lục, Giáp Nhị. Ở đây quần chúng cách mạng đã tập trung đầy đủ. Lễ thành lập chính quyền cách mạng bắt đầu. Quần chúng đứng nghiêm chào cờ đỏ sao vàng, hát vang bài Tiến quân ca. Cán bộ Việt Minh ra mắt đồng bào, dân làng vỗ tay nhiệt liệt chào đón. Lý trưởng và phó lý nộp sổ sách, triện đồng cho chính quyền cách mạng. Sau đó, Giáp Nhất, Pháp Vân, Hoàng Mai giành chính quyền.
Như vậy, trước ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, một phần đất nhỏ ở phía Nam Hà Nội chính quyền đã thuộc về tay nhân dân, đó là vùng Sét - Thịnh Liệt, một trong những nơi giành chính quyền sớm nhất ở Hà Nội. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, một số thanh niên cứu quốc Thịnh Liệt đã xung phong vào giải phóng quân tiếp tục nhiệm vụ mới bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 3/1945, dựa vào một số nòng cốt, ông Vũ Oanh đã thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc Bạch Mai và cử ông Tạ Hoàng Cơ làm Bí thư. Trong các ngày 17, 18, 19/8/1945, Đoàn thanh niên cứu quốc Bạch Mai đã tập trung đông đảo thanh niên cùng với công nhân, viên chức đi dự mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn.
Khi cuộc mít tinh chuyển sang tuần hành, một số đội viên tự vệ Bạch Mai có vũ khí đã hòa vào với số thanh niên khu phố khác đến trụ sở của hiến binh Nhật ở 39 Trần Hưng Đạo đấu tranh đòi Nhật thả những thanh niên Việt Nam bị bắt trước đây. Đoàn còn biến cuộc mít tinh của thanh niên chính quyền ngụy phủ Hoài Đức thành cuộc vũ trang tuyên truyền và thông qua đó cướp chính quyền tại xã Hạ Trì. Đây là cuộc cướp chính quyền trước nhất của tỉnh Hà Đông và các địa phương xung quanh Hà Nội…
Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội không chỉ hoạt động ở Thủ đô, mà các đoàn viên thanh niên cứu quốc Hà Nội được giác ngộ còn phát huy ở nhiều địa phương khác. Có thể nói, Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội xứng đáng là lực lượng xung kích của Mặt trận Việt Minh Hà Nội, tham gia và đi đầu hầu hết các cuộc đấu tranh, các hình thức đấu tranh, tác động tích cực đến sự phát triển của các tổ chức khác trong Mặt trận.
Đoàn đã tập hợp đông đảo đoàn viên và thanh niên làm nòng cốt trong cuộc biểu tình tuần hành ngày 17/8/1945 và là lực lượng xung kích nòng cốt của các khối quần chúng tuần hành vũ trang chiếm phủ Khâm sai, tòa Thị chính, trại Bảo an binh... góp phần đưa cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội đến thắng lợi hoàn toàn, góp phần quan trọng vào sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông Vũ Oanh (Vũ Duy Trương), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh năm 1924 tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ghi nhận đồng chí Vũ Oanh có nhiều công lao tham gia xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám. Ông dẫn đầu đoàn đại biểu Hà Nội tham dự Đại hội Quốc dân Tân Trào… Công lao của ông xứng đáng với Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.