Ngày Quốc khánh trong tim những người con xa xứ

(PLVN) - Đối với những người con đất Việt đang sinh sống tại khắp mọi nơi trên thế giới, Tổ quốc luôn có trong trái tim của họ, là động lực để họ phấn đấu vươn lên, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Đặc biệt, vào ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm, tùy điều kiện, hoàn cảnh, họ đều có những hoạt động kỷ niệm đầy ý nghĩa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu, tháng 2/2018.

Ông Nguyễn Đình Chung – kiều bào đang sinh sống tại huyện Thabo, tỉnh Nongkhai, Thái Lan: “Ngày 2/9 là ngày kỷ niệm lớn lao và ý nghĩa nhất”

“Đối với kiều bào Thái Lan, trong số những ngày kỷ niệm lớn lao và ý nghĩa nhất có Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công 19/8 và Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9. Một ngày nữa cũng rất quan trọng là ngày Tết Nguyên Đán. Vào những ngày này, kiều bào Thái Lan luôn tổ chức những buổi lễ đặc biệt. 

Ở Thái Lan, chúng tôi có Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Vào các ngày 19/5 và 2/9, cộng đồng người Việt Nam ở huyện Thabo nơi tôi sinh sống thường tự tổ chức lễ tiệc. Trước khi lễ tiệc để ăn mừng ngày Quốc khánh hay ngày sinh nhật Bác, chúng tôi có những nén nhang thơm, những trái ngọt, hoa quý để dâng lên, tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Bác đã đưa dân tộc Việt Nam giành được độc lập, tự do. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ kiều bào trong chuyến thăm Thụy Điển, tháng 5/2019.

Kiều bào ở khu vực nơi tôi sinh sống luôn luôn hướng về Tổ quốc, luôn tự nhủ và cố gắng đi theo Đảng, Bác Hồ. Mỗi năm, đến ngày 2/9, dù sống xa quê hương nhưng với lòng tự hào là một người dân Việt Nam, chúng tôi rất mừng và phấn khởi khi cộng đồng người Việt tổ chức được những hoạt động chào mừng Quốc khánh rất quy củ và quy mô, nhiều khi có cả Tổng lãnh sự hoặc đại sứ quán đến dự. 

Đặc biệt, hiện nay, khi việc đi lại dễ dàng hơn, những buổi kỷ niệm Quốc khánh của chúng tôi cũng có các quan chức của địa phương đến và cùng chung vui với kiều bào người Việt Nam. Chúng tôi dù ở xa quê cha đất tổ nhưng luôn luôn hướng về cội nguồn, không để mất cội nguồn. 

Cũng chính vì điều này mà cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan rất được người dân ở đây quý mến. Họ rất khâm phục người Việt Nam và tin tưởng rằng là những người như vậy mới là yêu nước, rằng những người yêu nước như chúng tôi chắc chắn cũng sẽ yêu đất nước Thái, quê hương thứ 2 của chúng tôi.

Đối với chúng tôi, những giáo viên được về Việt Nam tập huấn về việc dạy và học tiếng Việt thì đây là một điều hết sức vinh dự để chúng tôi có thể tiếp tục truyền bá ngôn ngữ ngữ tiếng Việt, không để tiếng Việt mai một trong các thế hệ kiều bào thứ 3, thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Maroc, tháng 3/2019.

Những khóa tập huấn như vậy vì thế cũng là những hoạt động thiết thực để giúp chúng tôi có thể truyền lại cho thế hệ sau truyền thống yêu nước, luôn luôn hướng về cội nguồn của người dân Việt Nam. Qua đó, những ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước chắc chắn sẽ tổ chức cho linh đình, ý nghĩa hơn nữa trong cộng đồng”.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang – kiều bào Việt Nam ở Thụy Sỹ:  Hướng về quê hương với tấm lòng tha thiết

“Đối với tôi, dù đi đâu chăng nữa thì Việt Nam vẫn là hai tiếng rất đỗi thân thương, là quê cha đất tổ mà tôi luôn nhớ đến. Vào ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian để về Việt Nam. 

Có những năm vì điều kiện không cho phép nên tôi không về được, tôi và những bạn Việt Nam ở Thụy Sĩ thường hẹn nhau tụ tập để cùng nấu ăn, chuyện trò. Đó là thời gian để chúng tôi nhớ về quê hương, đất nước, về những người thân của mình.

Trong những dịp như vậy, chúng tôi cũng có nhiều hoạt động, ví dụ như cùng ngồi trước màn hình vô tuyến hay xem các chương trình truyền hình trên internet để xem các hoạt động mừng Quốc khánh ở trong nước, để có thể hòa vào không khí kỷ niệm ở Việt Nam.

Đây cũng là dịp để chúng tôi có thể nói tiếng Việt với nhau, vì bình thường do điều kiện sinh sống, học tập nên chúng tôi ít có cơ hội để dùng được mẹ đẻ nhiều như vậy. Vào ngày Quốc khánh, nếu không gặp được nhau thì chúng tôi cũng gọi điện, nhắn tin cho nhau.

Trong những câu chuyện nói với nhau vào ngày này, chúng tôi cũng không quên hỏi nhau rằng hôm đó có mặc áo dài không. Tà áo dài Việt Nam là cái riêng mà phụ nữ ta mới có.

Tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình hình ở Việt Nam và luôn cảm thấy phấn khởi khi nhìn thấy sự phát triển của đất nước, thấy nhiều các dự án mới, các công trình như cầu, đường, trường học… được xây dựng. Đó là những thông tin mà chúng tôi dõi theo hàng ngày với tấm lòng tha thiết hướng về quê hương, đất nước chứ không chỉ là trong ngày Quốc khánh hay trong một khoảnh khắc nào đó thôi”.

Bà Trần Thị Xuân Hanh – kiều bào tại Đài Loan (Trung Quốc): Quê hương chính là động lực đầu tiên để chúng ta phấn đấu

“Người Việt Nam mình có nhiều đức tính khiến người nước ngoài luôn khâm phục, ví dụ như tính kiên trì, thông minh, sáng tạo... Lịch sử Việt Nam cũng là điều khiến họ kính nể và khâm phục. Đó là những giá trị mà chúng ta phải giữ gìn và phát huy trong cộng đồng.

Đồng thời, chúng ta cũng phải quảng bá văn hóa, truyền thống của Việt Nam với người nước ngoài để từ đó khiến người nước ngoài thêm hiểu biết về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, thêm tôn trọng Việt Nam. Điều này có thể thực hiện thông qua những công việc như giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Với mỗi người chúng ta, lịch sử đất nước là niềm tự hào, quê hương đất nước chính là động lực đầu tiên để chúng ta phấn đấu, vươn lên. Những ngày như Quốc khánh hay ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 là những dịp khiến những người con xa quê cực kỳ xúc động, cảm thấy biết ơn, tự hào về quê hương đất nước và mong muốn phấn đấu hết mình để có thể làm được gì đó nhằm đền đáp công lao của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì quê hương.

Với người Việt ở nước ngoài, nhất là những thế hệ trước chúng tôi thì chỉ nghe tiếng cụ Hồ thôi là đã thấy tự hào biết nhường nào.

Tại Đài Loan, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh. Tôi cảm thấy những hoạt động như vậy rất ý nghĩa, vì vậy, tôi cho rằng những hoạt động như vậy là rất cần thiết và nếu có thể thì những hoạt động đó nay đã tổ chức tốt rồi nhưng vẫn cần phải nghiên cứu để được tổ chức tốt hơn nữa. 

Tôi hy vọng, nếu được thì các cơ quan chức năng trong nước có thể có sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn về một số vấn đề như nội dung và hình thức của lễ kỷ niệm, bao gồm từ những việc nhỏ nhất như lựa chọn bài hát, lên chương trình tổ chức các hoạt động… để những hoạt động này được tổ chức một cách thống nhất hơn, quy củ hơn và trang nghiêm hơn, từ đó truyền đi được thông điệp chính xác nhất, có ý nghĩa và giá trị nhất về ngày này với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là những thế hệ sau”. 

Đọc thêm