Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10: Giúp ông bà 'gỡ' tư duy phải sinh cháu trai nối dõi

(PLVN) - Hôm nay (11/10) là Ngày Quốc tế Trẻ em gái. Từ năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 11/10 hàng năm là “Ngày Quốc tế trẻ em gái” để công nhận quyền và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt trên khắp thế giới.
Tạo ra nhận thức về bình đẳng giới ngay từ mỗi gia đình trong đó có người cao tuổi là vấn đề rất quan trọng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Có thể nói, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là nỗi ám ảnh với các quốc gia đông dân trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tự nhiên về giới tính khi sinh của con người là 105 bé trai/100 bé gái. Nếu số bé trai quá ngưỡng 105 sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong tương lai.

Tại Việt Nam tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra trong nhiều năm qua. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái, tương đương 2 năm trước đó. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi cao hơn mức trung bình cả nước.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy mà theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.

Gốc rễ và cốt lõi của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt nam là do định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào từng người dân Việt, xuất hiện từ khi chuẩn bị kết hôn đến khi có con, trước khi có con và có con, đến lúc qua đời.

Thực tế này cho thấy đẩy lùi tâm lý “ưa thích con trai”, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái được phát triển toàn diện, cần có những thay đổi ngay từ mỗi gia đình trong đó có người cao tuổi là vấn đề rất quan trọng.

Và cũng chính vì thế, tại Việt Nam, Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2023 có chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị gặp mặt, biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 tại quận Đống Đa, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Hội Người cao tuổi phường Nam Đồng khẳng định: Việc có con đủ “cả nếp, cả tẻ” là tuyệt vời nhưng nếu sinh con “một bề là gái” thì cũng không vì thế mà kém vui. Điều quan trọng là nuôi dạy con cái trưởng thành, hiếu thảo, có ích cho gia đình và xã hội. Để có được quả ngọt như vậy, các con phải được chăm sóc đầy đủ cả thể chất lẫn tinh thần, được đến trường học tập, tiếp thu kiến thức, trang bị kỹ năng sống, được phát triển toàn diện theo lứa tuổi.

Trong gia đình, chính ông, bà là người thực hiện tuyên truyền, vận động con cháu “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” rất hiệu quả. Bởi họ là những người chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm “trọng nam”, phải có “đứa chống gậy”… Việc tuyên truyền giúp họ thay đổi quan niệm, cởi mở trong tư duy sẽ giúp cho các gia đình trẻ không còn chịu áp lực phải sinh thêm con trai nếu đã có hai con gái, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, các cấp Hội Người cao tuổi đã lồng ghép phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” với công tác dân số - KHHGĐ để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, khu dân cư. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hội viên Người cao tuổi tiêu biểu trong vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số đặc biệt là con cháu trong gia đình.

Trong các buổi sinh hoạt Hội người cao tuổi tại địa phương, các cụ luôn xác định đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, vận động con cháu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch đặc biệt xóa tan tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, coi trọng cháu trai hơn cháu gái; coi việc thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên trong chi hội.

Ở một góc độ khác, đánh giá về tâm lý ưa chuộng con trai trong các gia đình ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, không chỉ đơn thuần sinh con trai để nối dõi tông đường mà do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế, nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái, cộng thêm tập tục bố mẹ thường ở với con trai. Do đó, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi. Từ đó, người cao tuổi bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái.

Ông Vũ Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ Hà Nội cho biết: Từ xưa đến nay, người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Do đó, vai trò của người cao tuổi trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và nhân dân ở khu dân cư chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ là vô cùng quan trọng.

Từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng các chính phủ kêu gọi các bên liên quan trên toàn cầu:

- Lấy trẻ em gái làm trung tâm trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền.

- Ghi nhận, tôn vinh và ủng hộ sự lãnh đạo của trẻ em gái.

- Giới thiệu và nhân rộng các chương trình đa ngành hỗ trợ phúc lợi cho trẻ em gái vị thành niên.

- Đảm bảo thay đổi thông tin, dịch vụ và hệ thống thân thiện với trẻ em gái: Các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục; quản lý sức khỏe và vệ sinh kinh nguyệt.

UNICEF kêu gọi tăng đầu tư 1 tỷ USD cho trẻ em gái vị thành niên vào năm 2025; gia tăng các chính sách và chương trình quốc gia lấy trẻ em gái làm trung tâm trong dài hạn.

Nguồn: UNICEF, UN

Đọc thêm