Xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An): Xây dựng nông thôn mới nâng cao, khi lòng dân đồng thuận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài việc hiến đất mở đường, Nhân dân xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc còn đóng góp gần 10 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao (NTMNC).
Đường vào các xóm xã Nghi Phong được rải thảm và mở rộng.
Đường vào các xóm xã Nghi Phong được rải thảm và mở rộng.

Đảng bộ, chính quyền và người dân cùng làm

Sau khi về đích xã đạt chuẩn NTM năm 2018, Nghi Phong bắt tay vào xây dựng đạt chuẩn NTMNC. Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ công tác xây dựng NTMNC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên chỉ đạo cơ sở thực hiện chương trình đúng trình tự các bước theo quy định. Tổ chức đối thoại với Nhân dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Từ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trong nông thôn từng bước được xây dựng, đổi mới; hệ thống giao thông nội đồng, điện sáng nông thôn khang trang, cuộc sống người dân được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, người dân phấn khởi đồng lòng, tự nguyện trong đóng góp, ý thức cao trong gánh vác trách nhiệm chia sẻ khó khăn cùng chính quyền trong thực thi công việc...

Là địa phương đa ngành nghề lĩnh vực sản xuất. Giá trị sản xuất trên các lĩnh vực đạt khá. Có sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực nông, lâm, ngư, công nghiệp, dịch vụ. Đời sống Nhân dân trên địa bàn xã có sự thay đổi, các ngành nghề dịch vụ tăng, lao động xuất khẩu và lao động làm việc ở các khu công nghiệp đã góp phần ổn định thu nhập cho người dân.

Hàng năm xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm thú y tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi thâm canh tăng thu nhập trên đơn vị diện tích... Phối hợp với Ngân hàng Chính sách thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động mọi nguồn lực đầu tư sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khuyến khích lao động nông nghiệp chuyển sang các ngành nghề dịch vụ khác, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Phối hợp tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động cho lao động địa phương. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng/người/ năm. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58,8 triệu đồng/người/năm.

Chương trình giảm nghèo được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp người nghèo như hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ con em hộ nghèo đi học, hỗ trợ về y tế, tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu... Nhờ vậy, hộ nghèo hàng năm đều giảm một cách bền vững. Năm 2023 giảm xuống còn 45 hộ nghèo, chiếm 1,94%.

Về đích như đã hẹn

Công trình nhà ở và các công trình phụ trợ được Nhân dân ngày càng chú trọng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa. Tổng số nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng là 2.298/2.317 nhà, đạt tỷ lệ 99,2%...

Kết quả huy động nguồn lực xây dựng xã NTMNC: Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM: 191,5 tỷ đồng (trong đó: Nguồn vốn cấp trên 70 tỷ đồng; Ngân sách xã: 113 tỷ đồng); Nhân dân đóng góp: 8,5 tỷ đồng.

Trường THCS Nghi Phong được đầu tư khang trang.

Trường THCS Nghi Phong được đầu tư khang trang.

Trong quá trình triển khai xây dựng NTMNC ở Nghi Phong vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Công Ánh - Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết: Một số thành viên Ban Chỉ đạo, cấp ủy, Ban Chỉ huy xóm chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, đời sống của Nhân dân chưa đồng đều nên việc huy động đóng góp trong Nhân dân còn gặp khó khăn. Tư tưởng của một bộ phận Nhân dân còn trông chờ, ỷ lại dựa vào sự đầu tư của Nhà nước. Một số mô hình sản xuất hiệu quả chưa cao. Việc xây dựng các mô hình phát triển từ nguồn kinh phí NTM chưa có tính bền vững, các mô hình hầu như chưa được nhân ra diện rộng...

Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay xã Nghi Phong đã đạt 19 tiêu chí và 75 nội dung theo bộ tiêu chí NTMNC… Xã Nghi Phong đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là xã NTMNC.

Đọc thêm