Ngày Tết ở Hà Nội chơi gì, ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có khá nhiều ngôi chùa, danh lam thắng cảnh, lễ hội, các điểm dã ngoại... tại Hà Nội mà người dân và du khách có thể đến vào dịp Tết Nguyên đán này.
Ngày Tết ở Hà Nội chơi gì, ở đâu?

Dưới đây là gợi ý một số địa điểm vui chơi Tết ở Hà Nội:

Địa điểm lễ chùa

Đầu xuân đi lễ chùa cầu bình an đã trở thành một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Bạn có thể ghé đến những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như:

Tứ Trấn Thăng Long: Tứ trấn Thăng Long xưa là 4 ngôi đền trấn giữ 4 cửa ngõ Đông – Tây – Nam – Bắc cho thủ đô văn hiến. Không chỉ nổi tiếng linh thiêng, 4 ngôi đền này đều mang giá trị văn hóa lịch sử và trở thành một phần linh thiêng không thể thiếu của thủ đô. Bạn có thể chọn một tour tham quan cả 4 ngôi đền hoặc chọn một trong những ngôi đền gần mình nhất gồm:

  • Đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) – Trấn phía Đông

  • Đền Voi Phục (Đường Cầu Giấy, Kim Mã, Ba Đình) – Trấn phía Tây

  • Đền Kim Liên (số 87 Đào Duy Anh, Phương Liên, Đống Đa) - Trấn phía nam

  • Đền Quán Thánh (Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình) - Trấn phía Bắc

Chùa Trấn Quốc và Phủ Tây Hồ: Khi nhắc đến Hồ Tây, một trong những hồ nổi tiếng nhất Hà Nội, người Hà Nội không thể không tự hào nhắc đến chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Với trị trí đặc biệt, cả 2 địa điểm này đều là nơi vãng cảnh du xuân và cầu bình an lý tưởng.

Đền Ngọc Sơn: Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên đảo Ngọc của Hồ Hoàn Kiếm. Trong đền thờ thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ 13. Quanh đền Ngọc Sơn có các công trình như Tháp Bút, Đài Nghiên, Cầu Thê Húc, Đắc Nguyệt Lâu, Đền thờ, Trấn Ba Đình. Đây là một di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng.

Chùa Hương: Chùa Hương cách trung tâm Hà Nội khoảng 65km. Đây là một quần thể chùa thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Bạn có thể hòa vào dòng người cả nước hành hương đất Phật, đi lễ cửa chùa vừa là để cầu an, để tâm hồn thanh tịnh và để thả mình trong cảnh đẹp của non nước, núi sông. Các tuyến du lịch chính mà du khách thường lựa chọn khi đến đây là Thiên Trù – Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn, Thanh Sơn…

Địa điểm tham quan nổi tiếng

Văn Miếu Quốc Tử Giám: Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam. Đây là nơi thờ phụng các bậc Tiên Thánh, Tiên sư của đạo Nho và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Vào dịp tết, Văn Miếu thường diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, nhất là truyền thống xin chữ đầu năm.

Phố cổ Hà Nội: Phố cổ Hà Nội những ngày tết khác hẳn ngày thường. Không tắc đường, không còi xe, không người mua kẻ bán tấp nập. Đến phố cổ Hà Nội những ngày này, hương vị tết Hà Nội xưa đặc quánh trong không gian, thời gian.

Ba Vì: Cách Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc, Ba Vì được mệnh danh là nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng, các villa, homestay, resort nhất Hà Nội.

Nơi đây có không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên yên bình và các dịch vụ du lịch sinh thái; du lịch văn hoá và du lịch nghỉ dưỡng phát triển.

Tuy nhiên, bạn cần nhớ đặt trước khách sạn ở Ba Vì vì dịp Tết thường sẽ “cháy phòng”.

Vào những ngày tết Nguyên Đán, Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị như: trải nghiệm Tết cổ truyền tại Bảo tàng Dân tộc học, các hoạt động vui chơi giải trí; các tuyến buýt du lịch 2 tầng “Hà Nội City Tour Hop on - Hop off” và “Thăng Long - Hà Nội City Tour”...

Một số Khu vui chơi trong nhà ở các TTTM lớn như: Royal City, Times City, Maze Runner (Break Out), Hanoi Creative City, Landmark Sky 72…cũng có nhiều hoạt động giải trí thú vị.

Ngoài ra, theo Sở Du lịch Hà Nội, dịp Tết năm nay, thành phố có hơn 30 sự kiện, lễ hội nhằm thu hút du khách dịp Tết Nguyên đán. Các hoạt động được tổ chức trên tinh thần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, được diễn ra tại các điểm du lịch đông khách tham quan.

Các sự kiện diễn ra trước và trong Tết: Tết phố năm 2024 tại phố bích họa Phùng Hưng, Hội chữ Xuân và Triển lãm thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Biểu diễn nghệ thuật tại các phường trong khu phố cổ Hà Nội như Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Buồm và Hội Quán Phúc Kiến; hội Gò Đống Đa.

Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu ở Hà Nội dịp Tết Giáp Thìn như:

  • Tết phố năm 2024 (25/1 - 9/2) tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng – Hoàn Kiếm.

  • Hội chữ Xuân và Triển lãm thư pháp (3-19/2) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

  • Lễ hội ánh sáng nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long" (9/2) tại Phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài.

  • Hội gò Đống Đa (13-14/2) tại Di tích lịch sử gò Đống Đa.

  • Lễ hội Chùa Hương (Tháng 2-4. Ngày khai hội: 15/2) tại Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

  • Lễ hội Gióng đền Sóc (15-17/2) tại Khu quần thể Khu di tích đền Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.

  • Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (23-24/2) tại Di tích đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, huyện Ba Vì.

Một trong những điểm nhấn của Tết năm nay là đêm giao thừa tại khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài) sẽ diễn ra lễ hội ánh sáng nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long" và Chương trình văn hóa nghệ thuật đêm giao thừa tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm.

Các hoạt động xuyên Tết: Trang trí không gian Tết truyền thống, lễ rước truyền thống, dâng lễ cửa Đình, nghi lễ Cáo yết hoàng Thành, cúng tổ nghề ở đình Kim Ngân; Sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa ở Ngôi nhà Di sản, trưng bày giới thiệu sản phẩm Bát Tràng chủ đề Gốm Rồng, chương trình trình diễn thư pháp Việt tại Trung tâm Văn hóa Nghệ Thuật. Các sự kiện diễn ra từ 28/1 đến 28/2.

Các lễ hội sau Tết: Lễ hội Chùa Hương, hội Gióng đền Sóc, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, lễ hội Đền Vả, Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2024 và Công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân, lễ hội Du lịch Hà Nội.

Các khách sạn trên địa bàn thành phố cũng có nhiều hoạt động thu hút và đón khách đến lưu trú trong dịp Tết như khuyến mại, giảm giá, tặng kèm một số dịch vụ khi lưu trú.