Ngày tựu trường nghĩ về những 'bóng ma' trong giáo dục

(PLO) - Một năm học mới lại đến, từ thành thị cho đến rẻo cao hay biên ải, đồng bằng hay vùng biển mặn, học sinh trong bộ đồng phục mới hăm hở tới trường. Một hành trình dài lại đến với chúng đầy thách thức và khám phá kho tàng kiến thức mệnh mông. Điều đó đặt ra cho những người thầy, những người có trách nhiệm dựng xây nền giáo dục rằng: Đừng để giáo dục chúng ta tụt hậu với nhân loại.
Ngày tựu trường nghĩ về những 'bóng ma' trong giáo dục

Sẽ không còn “bóng ma” trên giảng đường

Sự lo âu không những đến từ học sinh mà từ cộng đồng, từ người thầy, phụ huynh cho đến nhà biên soạn sách giáo khoa, nhà quản lý… Nhiều câu hỏi trăn trở mở ra tại sao chúng ta vẫn tiếp tục loay hoay trong cải cách và tệ nạn thì không thuyên giảm?

Bao nhiều năm qua chúng ta đã nhìn thấy thực trạng từ bậc tiểu học cho tới đại học, học sinh, sinh viên như vậy “thí nghiệm” cho cải cách, rồi nạn mua điểm, bằng cấp, thầy không ra thầy, trò không ra trò…

Những bê bối ở mùa thi ở vùng núi phía Bắc vừa qua đã lộ diện ra ánh sáng những mảng tối trong giáo dục đã có từ lâu. Phụ huynh vì muốn con mình đỗ đạt vào những trường yêu thích đã bỏ tiền ra mua điểm, thầy giáo vì tiền, quan hệ, thăng tiến…đã bất chấp đạo lý người thầy sẵn sàng biến “không thành có”.

Điều đó tạo nên sự bất công trong giáo dục, làm băng hoại giá trị tri thức, làm hư hỏng thế hệ trẻ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Chúng nghĩ rằng “việc học còn mua được thì sau này việc gì chả mua được bằng tiền”.

Và những đứa trẻ học tập thực sự, đêm đêm chong đèn đọc sách, tìm tòi… sẽ bị bỏ rơi phía sau, cơ hội với chúng đến những môi trường học tập thực sự bị chặn lại khi những kẻ ít học hơn mình, dốt hơn lại nghiễm nhiên chiếm chổ của mình.

Điều đó nó kéo theo nhiều hệ lụy là xã hội bỏ phí nhân tài, những kẻ cơ hội lên ngôi và xã hội, đời sống, sự phát triển của đất nước sẽ bị tụt hậu nghiêm trọng.

Một vấn đề nữa mà chúng ta nói quá nhiều là cải cách giáo dục nhiều năm qua không mang lại như mong đợi. Học sinh, sinh viên bị học quá nhiều, nhưng lại thiếu kỹ năng sống, quan sát thiên nhiên, làm quen với môi trường thực tế. Hậu quả dẫn tới là nhiều sinh viên ra trường thiếu kỹ năng nghề nghiệp dù bằng cấp luôn xuất sắc.

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao bây giờ đậu đại học quá dễ? hay học sinh đi học trong một lớp đều là học sinh giỏi, không có trung bình hay yếu kém? Nhưng chất lượng đầu ra lại không như thành tích học tập.

Phải chăng bệnh thành tích quá lớn, rồi trường mở ra quá nhiều, khao khát một xã hội học tập đã biến giáo dục đi vào hướng thương mại. Cứ có tiền là được đến trường.

Niềm vui ngày khai trường sẽ không bị bỏ lại phía sau

Những trăn trở nêu trên hay khoảng tối đó không thể nói rằng việc học đang đen tối. Tôi vẫn nhìn thấy tinh thần hiếu học của người Việt Nam và thành công đó luôn đáng trân trọng. Nhìn thấy bước chân của các em từ miền xuôi hay ngược vẫn chăm chỉ đến trường, trong bước chân âm thầm của chúng luôn thao thức: Việc học chính là sự khẳng định bản thân đang tồn tại và không bị tụt hậu.

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”. Lời nhắc nhở của Cụ Hồ vẫn còn đó và trách nhiệm xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, nhân bản là của mổi công dân nước Việt, từ nhà quản lý, người thầy, gia đình và từng cá nhân học sinh.

Mùa tựu trường, nhìn lũ trẻ thơ ngây tiểu học đến trường làm lòng nhớ lại ngày cũ, ngày mà cả ba tháng Hè bỏng rát cứ mong cha mẹ mua cho quần áo mới, hít hà mùi sách giáo khoa, vở mới…rồi tung tăng tới trường. Đó là niềm vui khó tả, vừa lạ lẫm khi gặp cô thầy mới, nhưng thật vui sướng khi biết mình được lên lớp cao hơn.

Tinh thần đó tôi vẫn tràn đầy tin yêu rằng những vết nhơ xấu hổ của giáo dục đó sẽ bị đẩy lùi. Những bước chân nhỏ bé của hàng triệu học sinh sẽ tạo nên mộ sự sống động rằng: Việc học luôn vĩ đại và nếu không tới trường chúng ta sẽ chìm đắm trong sự dã man.

Xin mượn một đoạn văn thanh bình của Thanh Tịnh để nói về không gian đi học để kết thúc bài viết này dù còn giáo dục sẽ còn đầy trăn trở, ồn ào, trong bối cảnh phát triễn của đất nước

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”./.

Đọc thêm