Nghệ An chuyển kinh phí tuyên truyền cho cấp xã

 Thông qua hình thức chính là trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hơn 13 nghìn người.

Thông qua hình thức chính là trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hơn 13 nghìn người.

Năm 2010, Trung tâm thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong các đợt TGPL lưu động. Nhờ vậy, đã phổ biến và tuyên truyền pháp luật cho hơn 13 nghìn người thông qua hình thức TGPL lưu động và các hình thức khác. Trung tâm còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức 1 đợt tuyên truyền pháp luật cho các hội viên của Hội; cấp phát 72 nghìn tờ gấp pháp luật cho các cơ quan, tiến hành tố tụng, Phòng Tư pháp các huyện, các Câu lạc bộ TGPL và cho người dân có nhu cầu.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh thông qua việc chuyển kinh phí tuyên truyền từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho UBND các xã để chủ động tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Trong điều kiện nhu cầu TGPL của người dân ngày càng lớn, tập trung nhiều ở cơ sở, lực lượng Cộng tác viên được phát triển thêm 47 người, tăng số lượng Cộng tác viên lên 500 người, từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL tại cơ sở. Trung tâm cũng thành lập thêm 7 Tổ cộng tác viên tại các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn, Yên Thành và thị xã Cửa Lò, nâng tổng số tổ cộng tác viên trên địa bàn toàn tỉnh lên 16 tổ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đề ra.

Trung tâm đã thụ lý và thực hiện trên 3.700 vụ việc, trong đó chiếm đa số là vụ việc tư vấn. Mặc dù còn có nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng số lượng vụ việc bào chữa đại diện tăng lên đáng kể với 242 vụ. Chất lượng tham gia tố tụng cũng được nâng cao, từng bước khẳng định vai trò của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL.

Tuy nhiên, Trung tâm cũng nhận thấy, hoạt động tuyên truyền pháp luật về TGPL chưa thực sự sâu rộng, nhiều người chưa tiếp cận với pháp luật và dịch vụ TGPL, nhất là người dân các huyện nghèo của tỉnh. Một nguyên nhân chính là việc tuyên truyền pháp luật về TGPL chủ yếu do Trung tâm thực hiện mà chưa có sự vào cuộc và phối hợp của các cơ quan, ban, ngành với Trung tâm, Sở Tư pháp trong hoạt động TGPL.

Bên cạnh đó, một số vụ việc xác minh kiến nghị và bào chữa đại diện chưa thật hiệu quả là do lượng Trợ giúp viên pháp lý hiện nay quá ít so với nhu cầu TGPL. Nhiều vụ việc Trung tâm phải cử Luật sư cộng tác viên tham gia, trong khi đội ngũ này chủ yếu thực hiện trên địa bàn thành phố Vinh và lân cận.

Vì vậy, bước sang năm 2011, Trung tâm cho biết sẽ thẩm định chặt chẽ vụ việc và đánh giá chất lượng TGPL, có văn bản đánh giá và chấn chỉnh gửi về Cộng tác viên; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Cộng tác viên, tập trung vào Cộng tác viên mới được công nhận và các Cộng tác viên cấp xã nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho họ.

Sơn Hà

Đọc thêm