Nghệ An: Đất bị khai thác trái phép để phục vụ dự án trăm tỷ, trách nhiệm thuộc về ai?

(PLO) - Đất đá chưa được kiểm tra chất lượng nhưng vẫn được các cá nhân, doanh nghiệp khai thác rồi bán phục vụ san lấp tại dự án Cầu Hiếu 2 và một số dự án khác. Đến nay, vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm trong việc thất thoát tài nguyên này?
Đồi núi hoang tàn, hàng ngàn khối đất đá bị khai thác chui tại phường Long Sơn
Đồi núi hoang tàn, hàng ngàn khối đất đá bị khai thác chui tại phường Long Sơn

Như Báo PLVN đã phản ánh, thời gian gần đây, tại địa bàn thị xã Thái Hòa và Nghĩa Đàn (Nghệ An), nhiều doanh nghiệp, cá nhân dù chưa được cấp phép khai thác nhưng vẫn lén lút xúc đất đem bán phục vụ dự án Cầu Hiếu 2 để san lấp mặt bằng. 

Dự án Cầu Hiếu 2 bắc qua sông Hiếu, thuộc địa phận thị xã Thái Hòa được đầu tư hơn 210 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Dự án do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 – CTCP (Cienco4) đầu tư , khởi công ngày 17/8/2017. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, do được đưa vào diện dự án trọng điểm, nằm trong chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Thái Hòa nên tiến độ được đẩy nhanh hơn.

Lợi dụng việc này, nhiều tư nhân, doanh nghiệp trên địa bàn dù không được cấp phép khai thác mỏ đất nhưng vẫn tiến hành bán đất cho dự án để đắp hai bên chân cầu và san lấp. Đơn vị khai thác đất “chui” này hoạt động cả ngày đêm, phương tiện chở đất chạy ngang nhiên trên quốc lộ 48 và chính quyền xã nắm rõ điều này nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn quyết liệt. Đất, đá cũng chưa được ngành chức năng kiểm tra về mặt kỹ thuật xem đảm bảo chất lượng đối với việc đắp hai bên chân cầu hay không.

Đứng ngay tại phòng làm việc của UBND cũng dễ dàng nhìn thấy một dàn máy múc và xe tải hoạt động hết công sức tại quả đồi rú Voi, xóm 6 xã Nghĩa Tiến (cách đó chưa đầy 200m) chở đất cho dự án san lấp mặt bằng. Đất được xe tải chở ra Quốc lộ 48 rồi qua cầu Hiếu 1 đổ cho dự án nhưng không gặp bất cứ lực lượng chức năng nào kiểm tra. 

Ông Hoàng Đình Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tiến thừa nhận, địa phương có phát hiện ra hoạt động khai thác đất “chui” của một số cá nhân nhưng thẩm quyền của xã chỉ lập biên bản đình chỉ khai thác, đề xuất với thị xã xử lý chứ không cấm được. Tại khu vực rú Dần (xóm 4 xã Nghĩa Tiến), xã đã từng lập biên bản đình chỉ khai thác nhưng đến nay khu vực này đã bị khai thác thành một bãi lớn. Quá trình làm việc với phóng viên, ông Cường đã gọi điện thoại nói chuyện với ai đó về việc mỏ đất vẫn khai thác, dù đứng ở cửa phòng làm việc của ông cũng có thể nhìn thấy mỏ đất bên kia đường. 

Khu vực núi Giồng, phường Long Sơn (thị xã Thái Hòa) giờ là một bãi “chiến trường”.  Đất đá ở đây bị múc vô tội vạ, không theo một quy trình nào và có nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn. Thời điểm phóng viên có mặt (chiều 4/4), vẫn còn một số xe chở đất còn hoạt động tại đây. Lượng khai thác này còn dựng lán trại để “tiện” cho hoạt động “chui” của mình. Địa điểm khai thác này cũng cách trụ sở UBND phường Long Sơn không xa.

Xe chở đất chui nối đuôi nhau trên QL48
Xe chở đất chui nối đuôi nhau trên QL48

Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Thanh Phong, Chủ tịch UBND phường Long Sơn cho biết, trước đây có một doanh nghiệp khai thác nhưng địa phương đã yêu cầu dừng từ trước Tết Nguyên đán. Sau khi lập biên bản, địa phương đã báo cáo thị xã xin ý kiến chỉ đạo vì vượt quá thẩm quyền… Quan điểm của địa phương là được cấp phép mới cho khai thác. Hiện nay doanh nghiệp này đang còn làm các thủ tục để cấp giấy phép. 

Tuy nhiên, khu vực đất đã khai thác “chui” cho thấy phải vài tháng mới có thể chở được khối đất đá lớn như thế ra khỏi địa phương.

Trong quá trình làm việc, ông Phong cung cấp cho phóng viên số điện thoại của một người được cho là chủ doanh nghiệp khai thác đất (?!) “để làm việc”. Được biết, trước khi được phân công về làm Chủ tịch UBND phường Long Sơn, ông Phong là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Thái Hòa.

Vì sao hàng triệu khối đất đá bị bán ra khỏi địa bàn mà không gặp sự cản trở nào của chính quyền địa phương hay lực lượng chức năng? Phải chăng ,các doanh nghiệp, cá nhân khai thác đất chui này được “làm ngơ” để hoạt động như chốn không người?.  Hàng trăm, hàng ngàn mét khối đất đã bị “tuồn” ra khỏi địa phương trong một thời gian dài (và hiện vẫn chưa dừng lại) nhưng vì sao vẫn chưa ai phải chịu trách nhiệm?

Đọc thêm