Công tác tuyên truyền đã đi vào chiều sâu
Nghệ An có 5 huyện, thị xã (Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò) và 34 xã, phường ven biển có hoạt động nghề cá, với 3.374 tàu cá khai thác hải sản các loại, trong đó có 2.471 chiếc thuộc diện phải đăng ký, cấp phép. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 1.116 chiếc…
Tính đến ngày 10/10/1023, số tàu cá đã được cấp phép đang còn hạn là 2.241/2.471 tàu (đạt 90,69%). Số tàu cá khai thác vùng khơi là 1.116 chiếc, là nhóm tàu có cường lực khai thác lớn, phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm quản lý chặt chẽ khi tham gia khai thác trên biển; đến nay số lượng tàu đã lắp thiết bị giám sát là 1.069/1.116 tàu, đạt tỷ lệ 95.79%.
Đoàn Công tác Liên nghành phổ biến kế hoạch tuần tra trên biển |
Trong 6 năm qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chống khai thác IUU đã đi vào chiều sâu; hình thức và nội dung tuyên truyền đa dạng, phù hợp với đối tượng là ngư dân – những người thường xuyên tham gia sản xuất trên biển. Hình thức tuyên truyền đa dạng như: Tập huấn, hội nghị, tờ rơi, truyền hình, truyền thanh ở cơ sở, báo chí, các trang thông tin điện tử...
Về hình thức tổ chức tuyên truyền tập trung, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai định kỳ, với hàng chục cuộc mỗi năm. Ngoài các buổi tuyên truyền về chuyên đề chống khai thác IUU, nội dung về các quy định trong hoạt động khai thác thuỷ sản còn được lồng ghép trong các đợt tuyên truyền về các nội dung khác có liên quan như về nội dung an toàn thực phẩm tàu cá, đăng kiểm tàu cá, phòng cháy chữa cháy tàu cá...
Hoạt động tuyên truyền còn được thực hiện trong các đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, trực tiếp đến với từng ngư dân đang khai thác. Chi cục Thủy sản đã tổ chức gần 100 lớp tập huấn với 11.000 lượt người tham gia, phát hơn 40.000 tờ rơi cho ngư dân.
Phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban chỉ đạo Biển Đông - Hải đảo tỉnh, Trung tâm tìm kiếm hàng hải khu vực I, chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về Luật Thủy sản 2017…
Nhiều giải pháp góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU
Ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, ngoài các hoạt động tuyên truyền, việc phối hợp với các cơ quan ban ngành trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng như chống khai thác IUU được ngành nông nghiệp chú trọng thực hiện. Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bền vững, ngành đã tổ chức nhiều giải pháp liên quan: từ công tác quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến cũng như tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển.
Đoàn Công tác Liên nghành kiểm tra tàu cá vi phạm sử dụng ngư vụ cấm |
Chi cục Thuỷ sản được giao nhiệm vụ chính trong công tác quản lý đội tàu, ngoài ra Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các Tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, với các thành viên từ Chi cục Thuỷ sản, Ban quản lý cảng cá và lực lượng biên phòng tuyến biển. Các Tổ công tác liên ngành này có nhiệm vụ kiểm tra tàu cá khi cập cảng bốc dỡ hàng hoá, trước khi rời cảng đi khai thác. Công tác kiểm tra này nhằm đảm bảo các tàu cá thực hiện khai thác đúng nghề, đúng vùng biển… được phép khai thác; đồng thời ngăn chặn nguy cơ tàu cá sử dụng ngư cụ cấm, khai thác các loài thuỷ sản trái phép.
Từ đầu năm đến nay, các Tổ công tác liên ngành đã kiểm tra được 2.202 lượt tàu rời cảng; 1.904 lượt tàu cá cập cảng với tổng sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá là 3.167,30 tấn. Chi cục Thủy sản Nghệ An được trang bị 2 tàu Kiểm ngư để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển, đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã thành lập 32 đoàn kiểm tra sử dụng tàu kiểm ngư, xuồng công tác thực hiện tuần tra, kiểm soát trên biển 116 ngày công tác, kiểm tra được 545 lượt phương tiện. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 65 vụ/65 đối tượng/65 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 128,3triệu đồng. Tịch thu 1 bộ kích điện, bàn giao các Đồn Biên phòng tuyến biển xử phạt vi phạm hành chính theo quy định 13 vụ/13 đối tượng/13 phương tiện.
Bên cạnh đó cũng có những khó khăn như được giao quản lý hoạt động khai thác trên vùng biển rộng hơn 4.000 hải lý vuông nhưng hiện Nghệ An chỉ được trang bị 2 chiếc tàu tuần tra đã 20 năm tuổi, khả năng vận hành chậm và không an toàn. Nhân lực bố trí trên tàu tuần tra không đủ định biên (hiện chỉ có 10/26 người theo quy định). Ngoài ra, nhân sự tham gia kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng tại các cảng cá cũng không đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Do đó, để có thể quản lý ngành hiệu quả, cần đầu tư về nhân lực, tài lực cho lực lượng quản lý ngành thuỷ sản, nhất là lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh….
Theo ông Phùng Thành Vinh, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định không chỉ để gỡ bỏ thẻ vàng của EC, mà nó là một yêu cầu tất yếu nhằm góp phần phát triển nghề cá một cách bền vững.