Chùa Xiêm Cán - Kho tàng kiến trúc và văn hóa Khmer Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm ẩn mình giữa vùng đất Nam Bộ, Chùa Xiêm Cán tựa như một viên ngọc lấp lánh với kiến trúc độc đáo và sự tinh tế trong từng chi tiết. Nơi này không chỉ là ngôi chùa lớn và đẹp của cộng đồng người Khmer, mà còn là một địa điểm không thể bỏ qua đối với những người muốn tìm hiểu về văn hóa và kiến trúc Angkor-Khmer.
Chùa Xiêm Cán – Ngôi chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu (Ảnh: thamhiemmekong)
Chùa Xiêm Cán – Ngôi chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu (Ảnh: thamhiemmekong)

Chùa Xiêm Cán nằm ở vùng ven biển, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm TP. Bạc Liêu khoảng 12 km. Ngay từ xa, bạn có thể nhận biết ngôi chùa dễ dàng với những chóp tháp ấn tượng, mang dấu vết của văn hóa Angkor-Campuchia. Khi tiến lại gần, bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những bức tường bao quanh, được trang trí tinh xảo với hoa văn sáng lấp lánh như một viên ngọc. Cổng tam quan xây dựng theo truyền thống của người Khmer, với các tượng rắn và thiếu nữ múa, bên dưới là hình ảnh chim thần Krut và rắn năm đầu uốn lượn.

Cổng chùa Xiêm Cán (Ảnh: thamhiemmekong)

Cổng chùa Xiêm Cán (Ảnh: thamhiemmekong)

Dựa vào ghi chép trên bảng đá viết bằng chữ Khmer cổ, có trên hai mặt trước và sau chính điện, Chùa Xiêm Cán bắt đầu xây dựng vào 7/5/1887. Người có công xây dựng chùa là vợ chồng ông Nên (63 tuổi) và bà Ngét (54 tuổi) cùng với 30 hộ gia đình khác trong cộng đồng. Quá trình xây dựng chùa đã đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm việc vận chuyển vật liệu qua sông trong khoảng cách gần 10 km.

Ban đầu, Chùa Xiêm Cán có tên gốc là Komphisako, có nghĩa là "biển sâu", tượng trưng cho sự sâu xa và uyên bác của tri thức Phật giáo. Sau đó, người Hoa gốc Triều Châu định cư tại đây và chuyển tên gọi từ Prét Chru sang Xiêm Cán, với nghĩa "giáp nước," ý nói ngôi chùa gần biển. Giải nghĩa cho điều này là do khi xưa chùa Xiêm Cán chỉ cách bờ biển khoảng 500m. Xong, do bờ biển Bạc Liêu là dòng biển bồi nên bây giờ khoảng cách từ chùa đến bờ biển gần 5km.

Chùa được xây dựng vào 7/5/1887 dương lịch (Ảnh: thamhiemmekong)

Chùa được xây dựng vào 7/5/1887 dương lịch (Ảnh: thamhiemmekong)

Chùa Xiêm Cán, không chỉ lớn và đẹp về quy mô mà còn lôi cuốn bởi sự tinh tế và chi tiết trong kiến trúc. Ngôi chùa này là một tổng thể kiến trúc với nhiều phần như tường bao quanh, cổng tam quan, chính điện, sala, tháp chuông, cột trụ biểu, khu mộ tháp, và nơi nghỉ ngơi của các sư, giảng đường. Tất cả những phần này thể hiện rõ phong cách truyền thống của Angkor-Khmer và đều hướng về phía Đông.

Kiến trúc chùa Xiêm Cán tuân theo trường phái Phật giáo Nam Tông. Mặc dù có điểm chung với nhiều ngôi chùa ở miền Tây, chùa Xiêm Cán nổi trội với quy mô lớn hơn, bao gồm nhiều hạng mục khác nhau. Những chi tiết như vách tường và cột trụ đều được tạo hình tinh tế với hình tượng rồng Khmer, rắn thần Nagar, và chim thần Krut, tạo ra một bức tranh sống động.

Các chi tiết trong chùa được trang trí vô cùng tinh xảo (Ảnh: thamhiemmekong)

Các chi tiết trong chùa được trang trí vô cùng tinh xảo (Ảnh: thamhiemmekong)

Tượng hình Xanac dắt con bạch mã đưa thái tử Sidatta qua sông tìm đường giác ngộ (Ảnh: thamhiemmekong)

Tượng hình Xanac dắt con bạch mã đưa thái tử Sidatta qua sông tìm đường giác ngộ (Ảnh: thamhiemmekong)

Điểm nổi bật của chùa là chính điện lộng lẫy với chiều rộng 18 m, chiều cao và chiều dài 36 m. Bên trong chính điện được trang trí tỉ mỉ với hàng trăm bức bích họa mô phỏng sự tích Phật Thích Ca từ khi ra đời đến khi đắc đạo, giảng đạo và nhập cõi niết bàn. Tâm điểm là tượng Phật cao lớn, mang vẻ uy nghi và nhân hậu, như một biểu tượng của phước lành và niềm tin.

Chính điện (Ảnh: thamhiemmekong)
Chính điện (Ảnh: thamhiemmekong)
Bên trong chính điện (Ảnh: thamhiemmekong)

Bên trong chính điện (Ảnh: thamhiemmekong)

Chùa Xiêm Cán không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ và thể hiện nhiều nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Khmer. Tại đây, những cổ vật có giá trị hàng trăm năm tuổi được trân trọng bảo quản.

Trong khuôn viên của chùa, bạn có thể tìm thấy những kho báu văn hóa, như tấm bia đá chạm bằng chữ Khmer cổ, một bộ sách cổ viết trên lá cây dày cỡ 70 trang, và một ngôi nhà gỗ truyền thống đã tồn tại hơn 130 năm, nơi trưng bày các món đồ cổ liên quan đến nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống của người Khmer. Đặc biệt, tòa sala của chùa còn trưng bày một chiếc chuông đồng, tồn tại từ những ngày đầu xây dựng chùa. Mỗi khi tiến hành các nghi thức tôn kính và cầu nguyện, những chiếc chuông này vẫn vang lên, mang theo âm thanh đặc biệt của tôn giáo.

Ngôi chùa với không gian rộng rãi và thanh tịnh (Ảnh: thamhiemmekong)

Ngôi chùa với không gian rộng rãi và thanh tịnh (Ảnh: thamhiemmekong)

Chùa Xiêm Cán cũng tạo ra một không gian thanh bình và mát mẻ xung quanh. Các công trình được bao quanh bởi khuôn viên rộng rãi và những hàng cây cổ thụ, như cây cọ và cây dầu có tuổi đời hàng trăm năm, tạo ra bóng mát và yên bình cho những người đến thăm chùa. Hơn 100 pho tượng, là biểu tượng của đức Phật, được bố trí ở nhiều vị trí với các tư thế tọa thiền khác nhau, làm tôn vinh tinh thần tĩnh lặng.

Hàng cây sao cổ thụ (Ảnh: thamhiemmekong)
Hàng cây sao cổ thụ (Ảnh: thamhiemmekong)

Chùa Xiêm Cán không chỉ đóng vai trò quan trọng trong kiến trúc và văn hóa mà còn trong cuộc sống tâm linh của người Khmer. Theo truyền thống, người Khmer xứ biển thường đến chùa vào 4 ngày của mỗi tháng theo lịch âm (ngày 8, 15, 23, 30) để cầu bình an, phước lành và để cầu cho sự thuận lợi trong cuộc sống và công việc, cũng như để cầu mưa thuận gió hòa cho những chuyến đánh bắt xa bờ.

Chùa Xiêm Cán là một biểu tượng vùng ĐBSCL, không chỉ với vẻ đẹp kiến trúc, mà còn với vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và thể hiện văn hóa và tâm linh của người Khmer.

Đọc thêm