Nghề báo, đâu là “quyền lực thực sự”?

(PLVN) - Người ta thường nói đến nghề báo như một nghề mang “quyền lực” đặc biệt. Vậy, thực sự quyền lực của nghề báo, của người làm báo đến từ điều gì?
Quyền lực thực sự của nhà báo đến từ đâu?
Quyền lực thực sự của nhà báo đến từ đâu?

Ảo tưởng quyền lực dễ lạc lối

Nghề báo, một nghề thiêng liêng và khá “đặc biệt” so với nhiều nghệ nghiệp khác, được xã hội trân trọng, người dân đặt nhiều kì vọng. Thế nên, một bộ phận người làm báo, khi được vinh dự được gọi là “nhà báo” đã khó lòng giữ mình, nảy sinh những ảo tưởng không hay.

Ảo tưởng quyền lực, lạm dụng quyền lực ngòi bút làm ra hành vi sai trái, bất minh, đó là một sự thật vẫn tồn tại trong làng báo bấy lâu, tuy chỉ là thiểu số. Làng báo nhiều người biết chuyện về một nhà báo, trong buổi tiệc ra mắt sản phẩm của doanh nghiệp đã có hành vi mời rượu suồng sã với một khách mời, là đại diện một doanh nghiệp khách mời. Khi bị từ chối, nam nhà báo đứng phắt dậy, hung hăng hăm dọa sẽ cho nữ doanh nghiệp “hết làm ăn”. Tuy cuối cùng câu chuyện cũng đã được giải quyết êm thấm, coi như sự “hiểu lầm” lúc say xỉn, nhưng hành vi của nam nhà báo đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng người tham gia buổi tiệc. 

Có nhà báo, xuất hiện trong một clip lan tràn trên mạng với hình ảnh không thể xấu hơn: Vi phạm luật giao thông, dọa đánh cảnh sát, rút thẻ ra chứng tỏ “quyền uy”. Một bộ phận nhỏ những người làm báo rất giỏi “tận dụng” nghề nghiệp để giành những lợi ích riêng về phía bản thân mình. Thẻ nhà báo, có khi trở thành “giấy thông hành” của người vi phạm luật giao thông, có khi trở thành “vé ưu tiên” để khỏi phải xếp hàng, hay là “kim bài” dùng để đi dọa nạt, năn nỉ cơ quan nhà nước bỏ qua sai phạm của bản thân. Những câu chuyện “cậy quyền”, “ỉ thế nhà báo” như thế, đáng buồn thay không phải là hiếm. Nó làm ảnh hưởng đến nghề báo, ảnh hưởng đến cả người làm nghề chân chính. 

Chuyện ảo tưởng quyền lực còn diễn ra ở một bộ phận người làm báo trẻ tuổi. Tuổi đời chưa cao, tuổi nghề còn ít, lại nhận được nhiều kì vọng, tin cậy và trân trọng từ người dân, từ doanh nghiệp, nhiều người làm báo trẻ đã không giữ được mình. Ở họ đã bắt đầu manh nha những thói cậy quyền, hống hách, trục lợi. Như chuyện một phóng viên trẻ tuổi, mới là cộng tác viên cho một tờ báo đã bị người dân tố cáo dọa nạt người dân, muốn lấy tiền “bồi dưỡng viết bài”(!). Những người làm báo trẻ ấy, mới bước chân chập chững trên con đường vào nghề, thay vì trau dồi nghề nghiệp, thay vì giữ tâm để phục vụ xã hội, thì lại nảy sinh ảo tưởng, tận dụng vị trí đáng trân trọng để thỏa mãn cái tôi và trục lợi cá nhân. Từ một bước đi sai ban đầu, rất có thể dẫn đến sự lạc lối trên con đường nghề nghiệp.

Quyền lực thực sự đến từ đâu?

Phía sau con chữ là số phận, đó không chỉ là trải nghiệm trên bước đường tác nghiệp, đó còn là tâm niệm mà những người làm báo chân chính luôn giữ trong trái tim mình. Mỗi một con chữ viết ra, rất có thể, một phận người, nhiều phận người sẽ thay đổi, sẽ đảo lộn, theo những hướng khác nhau. Nếu bài báo phản ánh sự thật khách quan, đấu tranh cho con người, đấu tranh vì sự tiến bộ xã hội, có khả năng không ít người sẽ được “cứu” bằng những cách trực tiếp hay gián tiếp. Những bài báo tốt còn có thể đem lại nguồn năng lượng tích cực, giúp bình ổn xã hội, góp phần hỗ trợ Chính phủ trong công tác điều hành, xây dựng đất nước. Nhưng nếu người làm báo bẻ cong ngòi bút, viết nên con chữ lệch lạc bằng cái tâm không trong sáng, rất có thể những dòng chữ ấy sẽ dồn người vô tội đến đường cùng, gây nên nhận thức sai lầm từ công chúng, khiến xã hội hỗn loạn… 

Vậy, quyền lực thực sự của người làm báo, của nghề báo đến từ đâu? Có lẽ, quyền lực không đến từ cách gọi “nhà báo” nghe đầy trân trọng. Cũng không phải đến từ tấm thẻ nhà báo như một sự chứng nhận đã là “người trong nghề”. Cũng không đến từ tên tuổi tờ báo mà người làm báo công tác. Quyền lực đến từ mỗi con chữ mà người làm báo viết ra. Dân gian có câu “lời nói đọi máu”, “bút sa gà chết”, con chữ ấy tưởng vô tri mà có thể góp phần xoay chuyển phận đời, phận người, đạp đổ, hay dựng xây…

Ý thức được “quyền lực” ấy, những người làm báo chân chính luôn đặt tâm huyết, đặt trái tim, đặt sự trăn trở trong mỗi câu chữ mình viết ra. Làng báo, có thể kể mãi mà không hết những câu chuyện cảm động về nhà báo dùng ngòi bút cứu người, chống tiêu cực, đấu tranh đòi công bằng cho những người bị đối xử bất công. Có nữ nhà báo xông pha hiểm nguy, phát hiện được đường dây “đen”, một cuộc bắt tay giữa quan chức biến chất và doanh nghiệp bẩn, nhiều lần bị hăm dọa, bị đánh mà không chùn bước cho đến khi đưa sự việc ra ánh sáng. Có những nam nhà báo kiên trì đeo đuổi vụ kiện kêu oan cho tử tù, cho đến lúc sự kiên trì đến mức cố chấp ấy đã được đền đáp, giải oan cho người tử tù. Có những bài báo góp phần minh oan, “cứu” những doanh nghiệp khỏi bước đường phá sản không đang có. Hay người làm báo, với ngòi bút sắc, kiến thức sâu và vững, viết nên những bài báo đóng góp về chính sách, góp phần đem lại kiến giải mới để người lãnh đạo đất nước có thể tham khảo…

Nhà báo chân chính khi phát huy hết quyền lực thực sự và đúng đắn của ngòi bút, cái họ nhận được không phải là số tiền lớn, lợi ích đổi chác hay danh vọng hão huyền. Danh dự và lương tâm, sự thay đổi tốt đẹp của xã hội, lòng tin và sự trân trọng của người đọc, đó là phần thưởng không gì sánh bằng đối với người làm báo chân chính. Làng báo thường có những câu chuyện nhỏ đầy cảm động, như người nông dân, cứ vụ thu hoạch nào cũng đem nông sản lên một tòa soạn báo nọ để “trả ơn” những bài báo minh oan cho gia đình mình; hay dân cả một thôn làng nhận nhà báo làm con, làm anh em kết nghĩa… Cái chân tình thiêng liêng ấy, tiền bạc, danh vọng nào mà đánh đổi được?

Những ngày này chính là “ngày hội” của người làm báo. Lời chúc mừng ngập tràn. Những lẵng hoa tươi đẹp dành cho các tòa soạn, cho người làm báo. Các cuộc thăm hỏi thân tình của lãnh đạo địa phương, động viên công tác báo chí. Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel còn “xuất bản” một MV ca nhạc với sự tham gia của cán bộ, nhân viên Viettel hát dành tặng các nhà báo…

Tất cả những tấm tình trân quý ấy không phải để các nhà báo “ngủ quên” trong ảo tưởng về quyền lực và sức mạnh, mà là động lực để người làm báo càng cố gắng hơn nữa, giữ vững tâm sáng, bút sắc để làm điều tốt đẹp cho đời, cho người. 

Bà Nguyễn Hà Thành - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Viettel:

Các nhà báo, bằng cách riêng của mình đang nỗ lực xây dựng đất nước

Chúng ta đã và đang chứng kiến đại dịch Covid hoành hành khắp thế giới. Và Việt Nam chúng ta là một trong số rất ít các quốc gia đã bước đầu khống chế được dịch bệnh. Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của báo chí và truyền thông. Người ta cho rằng, báo chí là quyền lực thứ tư. Tôi cảm nhận rõ nét nhất điều này thông qua tác động của báo chí và truyền thông qua đại dịch Covid vừa rồi. Báo chí và truyền thông đã giúp người dân cảnh giác với dịch bệnh; hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; có niềm tin vào công tác phòng chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế; kêu gọi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân. Có lẽ chưa một cuộc vận động ủng hộ tiền để chống dịch bệnh lại nhận được nhiều sự đóng góp của người dân như dịch Covid vừa rồi. 

 

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng kiến những tác động khác. Việc khai thác quá sâu vào đời tư của một số bệnh nhân đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của họ và gia đình. Việc tuyên truyền quá mức khiến người dân hoang mang đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm để tích trữ… Những điều đó cho thấy mỗi một người làm báo đều như đang đi trên một sợi dây, luôn cần giữ thăng bằng, lệch một chút đều có thể gây ra nhiều hậu quả mà thậm chí bản thân người viết cũng không lường hết được.

Là một người làm việc trong lĩnh vực gắn bó rất nhiều với đội ngũ những người làm báo, tôi luôn tin rằng, bằng cách riêng của mình, các nhà báo đều đang nỗ lực để đóng góp xây dựng đất nước. Những bài báo về người tốt, việc tốt khiến chúng ta được tiếp thêm năng lượng tích cực, những bài báo chỉ ra cái chưa hay, chưa tốt khiến chúng ta nhìn lại để sửa mình. Những bài báo thông tin có thể chưa chính xác khiến chúng ta biết mình còn chưa truyền đạt để báo chí hiểu cho đúng. Bởi vậy, thông tin từ báo chí đều là những thông tin có giá trị mà chúng tôi luôn trân trọng.

Đọc thêm