“Nghe” hạt vi nhựa kể chuyện buồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lâu nay, các nhà khoa học đã từng bày tỏ lo ngại khi hàng năm có hàng trăm tấn nhựa con người thải ra và trôi ra đại dương, bị các sinh vật biển ăn phải và quay trở lại thành nguy cơ tiềm ẩn cho chuỗi cung cấp thực phẩm của con người. Điều lo ngại ấy đã thành hiện thực khi một nghiên cứu khoa học chấn động vừa mới được công bố vào cuối tháng 3/2022: Lần đầu tiên phát hiện vi nhựa trong máu người.
Dự án kỳ vọng tình trạng rác thải nhựa tại Côn Đảo sẽ được giảm bớt.
Dự án kỳ vọng tình trạng rác thải nhựa tại Côn Đảo sẽ được giảm bớt.

Hành trình vào máu người từ các đồ vật thông dụng

Theo Hãng tin Bloomberg, đây là nghiên cứu do Tổ chức Quốc gia Hà Lan về nghiên cứu và phát triển y tế và Tổ chức Common Seas chuyên hành động giảm ô nhiễm rác nhựa phối hợp thực hiện. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Environment International ngày 24/3. Nhóm các nhà khoa học đã dùng các kỹ thuật hiện có để dò tìm và phân tích các hạt vi nhựa có kích thước nhỏ tới 700 nanomet (nm) và các nhà khoa học đã tìm thấy một lượng vi nhựa nhất định trong máu của 17 trong số 22 người khỏe mạnh được lấy mẫu nghiên cứu.

Đặc biệt, 50% mẫu chứa nhựa PET, loại thường được sử dụng trong chai đựng đồ uống. 1/3 chứa polystyrene - chất được sử dụng để đóng gói thực phẩm và các sản phẩm khác. Ngoài ra, 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen, thường được sử dụng để sản xuất túi nylon.

GS Dick Vethaak, chuyên gia nghiên cứu độc chất sinh thái học, Đại học Vrije Amsterdam, Hà Lan cho biết, các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra hạt vi nhựa có trong phân của trẻ sơ sinh cao gấp 10 lần so với người lớn và trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa bú bình đang nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với hóa chất và hạt.

Hiện nay vi nhựa đã có ở khắp nơi trong môi trường, trong cơ thể các loài sinh vật biển và trong nước uống. Dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tới nay vẫn chưa có đủ thông tin để kết luận mức độ độc hại của chúng với sức khỏe con người và vẫn cần phải làm thêm các nghiên cứu để đánh giá đầy đủ nguy cơ với sức khỏe con người của các hạt nhựa đó. Nhưng nghiên cứu vừa công bố cũng hé lộ khả năng vi nhựa cũng có thể sẽ còn thâm nhập vào các cơ quan nội tạng khác của con người.

Điều đáng nói là trước nghiên cứu này, vào cuối năm 2021, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Hull (Anh) phát hiện rằng chỉ riêng phòng khách có thể khiến chúng ta tiếp xúc với hơn 24.000 hạt vi nhựa mỗi ngày. Hàng tháng kể từ tháng 7 đến tháng 12/2019, nhóm nghiên cứu đã đặt một chiếc cốc thủy tinh trong phòng khách của 20 ngôi nhà và đem về phân tích sau 7 ngày. Kết quả, họ nhận thấy gần 1/4 các hạt trôi nổi trong phòng là hạt vi nhựa.

Trong số này, 90% được làm bằng PET - loại nhựa dẻo được sử dụng trong chai nước uống và hộp đựng sản phẩm tẩy rửa. Phần còn lại gồm các màng nhựa từ túi đựng và nilon, cũng được sử dụng trong dệt may. Hạt vi nhựa trong nhà nhiều đến nỗi chúng ta vẫn hít phải 7.000 hạt mỗi ngày.

Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Jeanette Rotchell nói: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy con người hấp thu lượng lớn hạt vi nhựa. Tuy nhiên, rất ít công trình nghiên cứu cho thấy rõ tác hại của hạt vi nhựa đối với sức khỏe của con người”.

Môi trường biển bị tàn phá vì sản phẩm nhựa.

Môi trường biển bị tàn phá vì sản phẩm nhựa.

“Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”

Theo Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa thải ra, trong đó ít nhất 14 triệu tấn trôi ra đại dương và có thể bị các sinh vật biển ăn phải, trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho chuỗi cung cấp thực phẩm của con người. Một số loại vật liệu phải mất nhiều thế kỷ để phân rã, trong đó có rác nhựa. Những lo ngại về tác hại ô nhiễm lâu dài của rác nhựa đã khiến nhiều nước thực thi luật giảm dần và tiến tới xóa bỏ đồ nhựa dùng một lần.

Tại Việt Nam, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Mới đây, chiến dịch “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa” được UBND huyện Côn Đảo, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với kỳ vọng góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, đồng thời hạn chế giảm tồn đọng rác thải nhựa tại Khu bảo tồn biển Côn Đảo.

“Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương” là thông điệp của chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo, tập trung nâng cao nhận thức của du khách, góp phần xây dựng hình ảnh hòn đảo đẹp xinh, giảm nhựa, sạch và trong lành.

Với đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Lượng khách du lịch tăng nhanh chóng nên các bãi rác của huyện rơi vào tình trạng quá tải. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương.

Chính vì vậy, việc giảm thiểu rác thải nhựa tại hòn đảo xinh đẹp này luôn là ưu tiên hàng đầu. Chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo được khởi động từ ngày 21 đến 27/3 với các hoạt động chính trong tuần lễ như: Tuần lễ giảm nhựa trên phạm vi toàn đảo; Triển lãm "Du hí biển nhựa" kết hợp "Ngày hội Đổi rác lấy quà" tại trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường; Lễ ký cam kết Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa…

Bên cạnh đó, “Sổ tay giảm nhựa khi du lịch Côn Đảo” cũng được phát hành trong thời gian này. Chuỗi hoạt động khởi động này sẽ là bước đầu để mỗi cá nhân, mỗi khách du lịch khi đến Côn Đảo đều có thể đóng góp một phần trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hình ảnh hòn đảo thiên đường đẹp xinh, giảm nhựa, sạch và trong lành.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa, WWF Việt Nam cho biết: “Hiện nay, đứng trước vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương đang ảnh hưởng đến các sinh cảnh quan trọng của Côn Đảo, với mong muốn cùng chính quyền địa phương và các bên liên quan chung tay giải quyết vấn đề này, WWF rất hoan nghênh lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo đã cam kết đưa Côn Đảo trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường năm 2025, ghi tên mình trở thành Đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF trên toàn cầu”.

Ông Huỳnh Trung Sơn, đại diện lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng việc tham gia vào chương trình Đô thị Giảm nhựa sẽ giúp huyện Côn Đảo huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng góp phần giúp xây dựng hình ảnh Côn Đảo điểm đến du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế”.

Bên cạnh việc nâng cao ý thức của khách du lịch, trong thời gian tới, WWF -Việt Nam cùng với UBND huyện Côn Đảo sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động để nâng cao hiểu biết của người dân địa phương như vận động các cơ sở kinh doanh và dịch vụ thương mại giảm sử dụng túi nilon và nhựa sử dụng một lần.

Từ những góc nhìn đa chiều trên, có thể nói chúng ta đang phải “nghe” những câu chuyện buồn từ hạt vi nhựa và đã đến lúc cần phải có hành động phù hợp vì sức khỏe của con người và thiên nhiên trước sự tàn phá của nạn ô nhiễm nhựa.

Các nhà khoa học ước tính trung bình một người trưởng thành đưa vào cơ thể xấp xỉ 2 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm thông qua muối. Nghiên cứu do các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace châu Á thực hiện. Qua kiểm tra 39 mẫu sản phẩm muối ăn, họ phát hiện hạt vi nhựa trong 36 mẫu. Mật độ vi nhựa trong muối ở mỗi nhãn hiệu khác nhau, nhưng với sản phẩm muối từ châu Á thì mật độ này đặc biệt cao. Mật độ vi nhựa cao nhất là trong sản phẩm muối bán tại Indonesia - từng bị xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới.

Đọc thêm