Gương sáng Pháp luật

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: Dạy tằm dệt lụa, bắt sen nhả tơ

(PLVN) - Bà Phan Thị Thuận vừa được UBND TP Hà Nội vinh danh là một trong chín Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021. Với những đóng góp to lớn cho khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống, trước đó bà Thuận nhiều lần được vinh danh như danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” Chủ tịch nước phong tặng; Giải thưởng cho 100 phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020 của Hội LHPN Việt Nam; Giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc Bộ Công Thương trao; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT…
Chăn tơ tằm tự dệt, sáng tạo có một không hai của bà Thuận.
Chăn tơ tằm tự dệt, sáng tạo có một không hai của bà Thuận.

Dạy tằm dệt lụa

Sinh ra lớn lên ở làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, trong cái nôi làm nghề trồng dâu nuôi tằm canh cửi, và là đời thứ ba trong gia đình truyền thống theo nghề, bà Thuận đã sớm đắm chìm trong tình yêu dâu tằm.

Vào những năm 1970, vùng đất này được mệnh danh “Thủ đô dâu tằm” miền Bắc với hàng chục nghìn ha ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy. Thời hoàng kim, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều trồng dâu, nuôi tằm. Đến 1984, dâu tằm bị thất sủng, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, HTX phá bỏ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề.

Cả làng Phùng Xá không còn coi tằm tơ là nghề mưu sinh, bà Thuận vẫn quyết giữ nghề truyền thống cha ông để lại, âm thầm một mình gây dựng lại nghề nuôi tằm ươm tơ, tìm đầu ra cho tơ tằm. Không chỉ chuyên tâm gìn giữ dệt lụa theo phương pháp truyền thống, quá trình nuôi tằm, qua quan sát và theo kinh nghiệm làm nghề lâu năm, bà Thuận đã tìm ra phương án dệt lụa mới bằng cách biến con tằm thành… “những người thợ dệt”. Bà Thuận tự nhủ, bản thân con tằm đã tự đan cho mình chiếc kén đẹp hoàn hảo thì tại sao lại không khiến chúng tự dệt nên những tấm chăn. Bà quyết định huấn luyện những con tằm tự nhả tơ và dệt mà không cần đến canh cửi.

Ngày đêm bà Thuận mày mò bên những nong tằm, “huấn luyện”, điều khiển tằm dệt lụa. Thông thường, vào mùa thu, một con tằm chứa trong bụng khoảng 400-450m tơ, mùa hè khoảng 300m. Bà tạo khoảng cách thích hợp, đặt tằm lên một mảnh vải được trải phẳng trên một tấm khung dài 4m, rộng 2m để con tằm vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau.

Bà Thuận chia sẻ, cứ đến kỳ tằm nhả tơ thì phải tạo ổ rơm hoặc nong lứa ở góc khuất tạo ổ, giúp con tằm có điểm tựa nhả tơ. Những ngày đầu tiên khi được thả trên một tấm vải trải phẳng, do không có nơi bấu víu nên tằm cứ bò theo bản năng đi tìm điểm tựa. Con tằm bò liên tục trong 2 ngày, bà lại phải tự tay bắt về, sắp xếp chúng vào đúng vị trí. Sang ngày thứ ba, một phần do đã mệt, cộng với chức năng buộc phải nhả tơ khi đến kì nên tằm không còn cách nào khác, đành phải nhả vào không gian. Thế là hàng nghìn, hàng vạn con tằm cần cù, miệt mài vươn cổ, rút ruột nhả tơ để dệt thành những tấm bông tơ tằm bền đẹp.

Sau 6 ngày đêm ăn ngủ cùng tằm, bà Thuận đã thu được sản phẩm, là tấm kén phẳng gồm rất nhiều sợi tơ, được đan xen một cách tự nhiên, sợi tơ đều tăm tắp. Người thợ dệt có kỹ thuật tài giỏi hay kinh nghiệm lâu năm đến mấy cũng có thể mắc phải những lỗi sai ở đường dệt ngang, nhưng ở con tằm, quy luật nhả tơ không bao giờ sai lệch, miệng con tằm được ví như mũi kim đan lên rồi lại đan xuống miệt mài chăm chỉ.

Một năm với lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên đã hoàn thành. Bà Thuận đưa vào nồi đun nấu, tấm chăn bung nở bông mịn, ấm áp lạ thường. Bà Thuận ôm tấm chăn của những “thợ dệt” tằm vào lòng, trào dâng hạnh phúc đến nghẹn ngào. Từ đó, con tằm ngóc đầu tự rút ruột nhả tơ trên một mặt phẳng theo sự sắp đặt – phương pháp dệt mền bông mới do nghệ nhân Phan Thị Thuận tìm ra đã ra đời. “Tôi tin nghề có thể tồn tại được mãi mãi, nên quyết định tìm lối đi mới cho nghề”, bà Thuận kể lại.

Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: Chăn tơ do tằm tự dệt. Mền bông tơ do tằm tự dệt là một trong những sản phẩm mới, độc đáo của Cty Dâu tằm Tơ Mỹ Đức do bà Thuận là người sáng lập. Đây là sản phẩm sản xuất 100% từ tơ tằm, được đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Sau sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền, chăn, các loại gối chất lượng cao, được người tiêu dùng đón chào nồng nhiệt. Chăn bông, vải lụa tơ tằm của bà Thuận có mặt ở khắp thị trường trong và ngoài nước, còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út…

Bắt sen nhả tơ

Cùng đam mê canh cửi, tằm tơ, bà Thuận còn được biết đến là con người “nặng lòng với sợi tơ sen”.

“Người Việt Nam tiên phong dệt lụa thành công từ những cuống sen bỏ đi” là cụm từ mà hãng thông tấn AFP dùng trong video lý giải về sự thành công nổi bật của lụa sen Việt Nam, phỏng vấn bà Thuận, người đầu tiên thành công trong kỹ thuật làm loại lụa này, phát ngày 27/8/2020.

Bà Thuận là người đầu tiên dệt lụa thành công từ những cuống sen bỏ đi.

Bà Thuận là người đầu tiên dệt lụa thành công từ những cuống sen bỏ đi.

Theo đó, lụa sen là loại lụa độc đáo trên thế giới, những sợi tơ được lấy từ cuống của mỗi lá sen được kéo ra, se lại và dệt. Từ việc cắt sen, lấy tơ đến khi dệt lụa, tất cả đều thủ công. Cuống lá sen sau khi hái về sẽ được cắt thành những đoạn ngắn rồi kéo các sợi tơ, miết qua một tấm bảng tẩm nước, kéo dài và bện lại với nhau.

Từ đầu năm 2017, bà Thuận bắt tay vào nghiên cứu lụa tơ sen. Công đoạn tạo tơ sen rất khó khăn, phải làm sao kéo được sơi tơ trong cuống sen một cách cẩn thận, nhẹ nhàng để tơ không bị đứt, dùng tay cuộn nhiều sợi tơ sen trên mặt bàn ướt đến khi sợi tơ đủ dày. Mọi công đoạn từ lựa chọn cuống sen, rút sợi đến việc dệt tơ sen thành tấm lụa đều phải rất kỳ công, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nhẫn nại.

Bà Thuận cho biết, để dệt chiếc khăn dài 1,7m rộng 0,25m cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn phải mất khoảng 1 tháng. Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen đều phải xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi hỏng hoàn toàn.

Cuối 2017 bà đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được Nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Nhận thấy khả năng phát của tơ sen, bà Thuận đồng ý là người cùng thực hiện đề tài, hy vọng vào sự thành công của tơ sen.

Năm 2019, bà Thuận đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen, từ tơ sen đó đã thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang. Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được Thủ tướng lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.

Bà Thuận (thứ hai từ trái sang, hàng đầu) nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020.

Bà Thuận (thứ hai từ trái sang, hàng đầu) nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020.

Mới đây, sản phẩm khăn tơ tằm, chăn tơ tằm tự dệt và khăn tơ sen của xã Phùng Xá đã được huyện Mỹ Đức và Hà Nội đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với kết quả này, TP sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương tiếp tục đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; thứ hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Có thể nói với những nỗ lực không mệt mỏi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương. Từ những sản phẩm độc đáo của bà, thương hiệu dệt Phùng Xá ngày càng được nhiều người biết đến.

Cống hiến cho xã hội như con tằm rút ruột nhả tơ

Được biết, khi vào mùa vụ, Cty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức của bà Thuận đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Năm 2020, khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam mở lớp tập huấn đào tạo kỹ năng kinh doanh dành cho các đơn vị, cá nhân tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 3, các học viên ở khu vực phía Bắc tham gia lớp này không thể quên người phụ nữ đã bước qua tuổi lục tuần nhưng vẫn truyền cảm hứng thật mạnh mẽ.

Bên cạnh tâm huyết với nghề, bà Thuận còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa tại địa phương và làm tốt công tác từ thiện nhân đạo. Bà đã trực tiếp truyền dạy nghề cho hàng nghìn lao động địa phương và một số tỉnh lân cận, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 thợ. Đặc biệt là với những đứa trẻ ở Phùng Xá, bà Thuận vừa là nghệ nhân, lại vừa là người thầy hướng dẫn cho các em tiếp nối nghề truyền thống của vùng quê mình… Năm 2020, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận sản phẩm vì sự phát triển cộng đồng.

Đọc thêm