Rời phố về quê làm giấy dừa
Trương Tấn Thọ quê ở Quảng Nam, nhưng nhiều năm rong ruổi mưu sinh ở đất Sài Gòn với nhiều trắc trở. Thắng và Hà làm những việc liên quan đến nghệ thuật ở đất cố đô thơ mộng. Một lần tình cờ, Thọ và Hà quen nhau. Rồi bộ ba phát hiện họ có chung niềm đam mê làm giấy.
Đó là cuộc hội ngộ giữa ba con người yêu nghệ thuật cùng muốn phát triển sự nghiệp nhưng cứ mãi loay hoay chưa thể tìm ra lối đi. Họ luôn muốn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người Việt. Cuối cùng, cả ba chọn mảnh đất Hội An để cùng phát triển sự nghiệp làm giấy Việt.
Theo lời kể của anh Thọ, khi cả ba mới về Hội An, với những kinh nghiệm mà Hà, Thắng có được hồi còn ở đất cố đô, họ chọn làm giấy Trúc Chỉ để phát triển sự nghiệp. Nhưng vì nhiều lí do khách quan nên mong ước mở một cửa hàng giấy Trúc Chỉ của ba người không thành. Không nản trước thất bại của công việc làm giấy Trúc Chỉ, cả ba lại một lần mạo hiểm nữa tìm hướng đi mới để phát triển sự nghiệp.
“Bọn mình nghĩ ra các chất liệu làm giấy khác để đổi mới. Ban đầu mình nghĩ đến dâu tằm vì quê mình ở Duy Xuyên gắn liền với loại cây này. Nhưng ngặt nỗi, cây dâu tằm bây giờ ít phát triển nên mình lại lặn lội đi tìm chất liệu khác. Rồi lại nghĩ ở Cẩm Thanh (TP. Hội An) có rừng dừa Bảy Mẫu, tại sao mình lại không chọn nó làm chất liệu làm giấy?”, anh Thọ chia sẻ.
Khi nhiều người cùng độ tuổi đã ổn định sự nghiệp thì nhóm các anh Thọ, Thắng và Hà lại bắt đầu khởi nghiệp. Ba người bắt đầu hành trình mày mò cách biến dừa thành giấy. Họ bắt đầu công cuộc “ở ẩn” tại rừng dừa Bảy Mẫu cả tháng trời để nghiên cứu cách chế biến giấy từ chất liệu dừa. Đây là loại hình mới, chưa có ai từng làm trước đó nên sẽ rất khó khăn.
Cả ba người bắt đầu chặt nhánh dừa, nghiên cứu đủ các công đoạn, từ cách để lấy xơ dừa chế biến như thế nào để cho ra giấy cho đến các công đoạn ngâm, nấu cho ra thành phẩm. Kể về những khó khăn ngày đầu bắt tay vào việc, anh Thọ cười:
“Cứ tiến đến được một công đoạn thì công đoạn thứ hai lại gặp khó khăn. Chúng tôi lại phải quay trở lại xử lý công đoạn đầu để cân đối phù hợp từng giai đoạn với nhau, cứ như thế thay đi đổi lại không biết bao nhiêu lần”.
Cứ đi qua được một khó khăn thì lại thêm những khó khăn chồng chất khác, nhưng với ý chí quyết tâm, cả ba người vẫn không nản lòng. Từ những thất bại, họ rút thêm những bài học kinh nghiệm đáng quý. Ngày đêm mày mò, cuối cùng cũng đã thành công.
“Đã chọn chơi nghệ thuật thì tâm hồn vẫn đi theo nó, dù có thất bại tụi mình vẫn vẫn không bỏ cuộc mà luôn tiến về phía trước. Và hơn hết tụi mình muốn mang một nét gì đặc sắc cho văn hóa nơi đây”, anh Thọ vui vẻ chia sẻ.
Trở về Hội An, họ chọn một căn nhà nhỏ nằm tại số 102/ 02 đường Lý Thường Kiệt (thuộc Phường Sơn Phong, TP. Hội An) để làm nơi sản xuất giấy dừa. Ba người bắt đầu lên mạng mày mò các bản vẽ về cổ máy nghiền, tự mua một cỗ máy cũ, nhờ người tái chế lại để được một cỗ máy chế biến xơ dừa.
“Ở Việt Nam mình chưa từng có cỗ máy này, trong khi 3 người mình cũng chưa có ai tận mắt chứng kiến cỗ máy, chỉ là tìm kiếm bản vẽ trên mạng, rồi tự nhờ các bạn sinh viên kĩ thuật trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng mày mò thêm và biến hóa cỗ máy cũ khác thành cỗ máy chế tạo xơ dừa”, anh Thọ lý giải.
Nói về công đoạn làm giấy dừa, anh Thọ cho biết, ban đầu từ cành dừa nước được chẻ bằng phương pháp thủ công, sau đó đem ngâm trong một thời gian vừa phải rồi nấu lên. Từ cành dừa đã nấu đó cho vào máy nghiền thành bột để pha với nước, rải đều trên khung lụa sẽ thành giấy.
Tiếp tục sau đó sẽ sử dụng áp lực nước để tiến hành tạo hoa văn. Tiếp tục đem phơi qua nắng từ 1 đến 2 ngày. Như vậy là đã tạo được những sản phẩm ưng ý riêng cho mỗi người.
Từ phần thô dừa nước, các nghệ nhân sử dụng áp lực nước để làm ra những sản phẩm giấy dừa độc đáo. |
Khắc họa văn hóa vào giấy Việt
Với mong muốn lưu giữ và truyền đạt những nét đẹp văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa vùng miền nói riêng, nhóm Thọ, Hà, Thắng quyết tâm đưa những nét đặc trưng của Việt Nam, của Hội An vào trong từng sản phẩm. Áp dụng những công đoạn dệt thủ công từ làng dệt Mã Châu, các anh cho ra những sản phẩm thuần Việt gần gũi với nét đẹp văn hóa Hội An.
Các anh cho biết, vì mong muốn không phụ thuộc nguyên liệu vào bất cứ thị trường nào ngoài nước và không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nên các anh sẽ cố gắng chọn tất cả nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam. Mọi công đoạn đều thực hiện thủ công, không thêm bất kỳ hóa chất nào, và không sử dụng chất phụ gia. Chỉ khi khách yêu cầu thì mới sử dụng nhưng sẽ hạn chế thấp nhất.
“Mình sẽ cố gắng sử dụng các nguyên liệu có được ở Việt Nam, những nguyên liệu thiên nhiên gần gũi với đời sống con người vùng quê mình để làm nên những sản phẩm thân thiện nhất”, anh Thọ nói. Giới thiệu về những họa tiết, hoa văn, anh Thọ cho biết tất cả đều hình thành từ những điều gần gũi, bình dị, những nét văn hóa đặc trưng nhất.
Những sản phẩm làm từ giấy dừa đều mang nét đặc trưng về văn hóa. Trong đó, đèn lồng là một trong những sản phẩm đặc trưng nhất của Hội An được nhóm Thọ, Hà, Thắng thổi hồn vào. Trên từng sản phẩm được làm ra, các anh còn biến hóa những hình ảnh rất bình thường, dung dị.
Từ những hình ảnh nên thơ ở một làng quê Việt Nam như lũy tre làng, cây đa, bến nước, mái đình; hình ảnh về phố cổ, dòng sông Hoài thơ mộng của Hội An, hay hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài, đội chiếc nón lá cho đến cả câu chuyện về bà chúa Tằm tang biến thành những họa tiết đẹp mắt tô màu vào trong từng sản phẩm.
Về hoa văn, các anh áp dụng những nét văn hóa đặc trưng của quê hương như hoa văn trên trống Đồng, những hoa văn gần gũi với mảnh đất phố cổ như hoa văn mắc cửa, hoa văn đầu hồi là những hoa văn đặc trưng trên từng ngõ ngách ở Hội An. Anh Thọ kể, các anh còn chế tạo ra những chiếc đèn úp mang hình trống đồng Đông Sơn, hay những khung tranh chuyển tải đủ các câu chuyện, đủ các hình ảnh thân thuộc của vùng quê này.
Không chỉ riêng những sản phẩm trang trí, các anh còn dần dần chế tạo ra những sản phẩm hiện đại hơn như ví, túi xách… Các anh mong muốn giấy sẽ thay thế được những sản phẩm làm bằng vải, nilon để giảm thiểu tác hại về môi trường, đồng thời qua đó sẽ giữ và truyền đạt được những nét đẹp của văn hóa Việt Nam vào trong lòng người.
“Bọn mình sẽ cố gắng kết hợp tất cả các chất liệu khác làm ra giấy như giấy dâu tằm, giấy tràm, giấy tre, giấy nứa cùng với giấy dừa để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt nhất. Đồng thời, trong quá trình này tụi mình cũng tìm cách tạo ra những sản phẩm có sức dẻo, dai bền chắc nhất để dần dần đưa giấy vào thay thế những chất liệu nilon để tránh ô nhiễm môi trường”, anh Hà cho biết.
Từ đam mê nghệ thuật của mình cùng những cây dừa nước mênh mông, bát ngát ở “miền Tây thu nhỏ”, ba chàng trai từ ba vùng đất khác nhau đã tạo ra được những sản phẩm độc đáo ở mảnh đất phố Hội. Đồng thời qua đó các anh còn lưu giữ những nét văn hóa của quê hương.
“Hội An là mảnh đất có nhiều du khách đến tham quan, nên qua đó tụi mình sẽ cố gắng đưa thật nhiều hình ảnh, những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, của Hội An vào trong từng sản phẩm, đồng thời, tụi mình sẽ cố gắng biến hóa những họa tiết, hoa văn trên đó thành một câu chuyện về văn hóa của Việt Nam để bạn bè, du khách biết tới”, anh Thọ chia sẻ thêm.