Tình yêu kỳ lạ của người phụ nữ mù làm cô giáo bất đắc dĩ

(PLO) -Người trở thành “cô giáo” bất đắc dĩ ấy là bà Đoàn Thị Tân (SN 1963, ở thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), xuất phát từ việc làm thiện nguyện, căn nhà của bà bỗng trở thành “tổ ấm” thứ 2 của nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nơi bà tận tụy chăm sóc chúng với tình yêu thương không giới hạn.
Tình yêu kỳ lạ của người phụ nữ mù làm cô giáo bất đắc dĩ

Cơ duyên đến với nghề trông trẻ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở ngoại thành Hà Nội, lúc còn nhỏ bà Tân cũng khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 13 tuổi, đôi mắt bà cứ mờ dần cho đến lúc hầu như không nhìn thấy gì nữa.

Năm 20 tuổi, sau một trận sốt nặng, đôi mắt của bà biến chứng nặng hơn. Gia đình đưa bà đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám thì được chuẩn đoán lòng tử và dây ánh sáng đã chết, chỉ còn vỏ bên ngoài.

Thương con phải chịu thiệt thòi nên có ai giới thiệu chỗ nào có phương thuốc hay, gia đình lại đưa bà đến tận nơi điều trị. Nhưng bao nhiêu lần hi vọng là bấy nhiêu lần hụt hẫng vì không thầy thuốc nào giúp cải thiện được tình hình. Từ đó, cuộc sống của bà Tân chìm trong mặc cảm về số phận.

Năm 1993, bà Tân được một người cùng làng đưa vào Đắk Lắk trông trẻ cho khuây khỏa nuỗi buồn. Nhưng vài năm sau, đứa trẻ ấy lớn bà Tân lại trở về quê ở cùng người mẹ già năm nay đã gần 80 tuổi.

Cuộc sống của bà Tân sau đó chỉ gói gọn trong ngôi nhà cấp 4 với khoảng không vô định. Như ngày trước, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người mẹ già lo liệu, còn bà Tân chỉ như chiếc bóng trong nhà. Năm tháng trôi đi, bà Tân rơi vào trạng thái tâm lý buồn chán, cô đơn, buồn tủi kéo dài.

Gia đình đông anh em nhưng chẳng ai giúp được bà vì kinh tế của họ cũng không khá hơn. Bà Tân cho biết, lúc ấy, bà chỉ mong mỗi ngày có được mớ rau ăn với cơm trắng là tốt lắm rồi.

Không chấp nhận phận “người thừa”, bà Tân đã hoàn toàn tự mình quyết thay đổi bản thân, ban đầu từ những việc nhỏ trong nhà, bà đã tự chăm sóc bản thân, đến quét dọn nhà cửa…. lâu dần công việc trở nên thuần thục.

Năm 2004, người em trai của bà Tân sinh con nhỏ. Sẵn có chút kinh nghiệm trước kia từng trông trẻ tích lũy được hồi ở Tây Nguyên bà Tân đã mạnh dạn đề nghị đưa cháu về chăm sóc thay. Không ngờ, bà Tân lại khá “mát tay”, đứa cháu vì thế rất khỏe mạnh.

Thời gian sau, hai người hàng xóm của bà Tân cũng hoàn toàn tin tưởng gửi con nhờ bà Tân trông giúp dù món tiền thù lao chỉ đủ mua rau. Thấy bà Tân nhiệt tình, hết lòng yêu thương con trẻ những người hàng xóm này đề nghị được trả thêm tiền công nhưng bà Tân nhất mực từ chối. Thậm chí, bà Tân còn đề nghị nhận trông thêm con cho những người hàng xóm này hoàn toàn miễn phí.

Bà Đoàn Thị Tân bên các cháu nhỏ.
Bà Đoàn Thị Tân bên các cháu nhỏ.

Bà Tân cười hiền khô nói về cơ duyên với việc trông trẻ: “Mới đầu, khi hai gia đình hàng xóm đến đặt vấn đề, tôi cũng khó nghĩ vì mình mù, trông trẻ lỡ có chuyện gì xảy ra thì khổ các cháu, nhưng họ cứ một mực bảo tôi giúp. Thương gia đình và các cháu, tôi đành nhận lời. Chắc đó cũng là cơ duyên đưa tôi gắn bó với công việc này đến ngày hôm nay. Mỗi ngày nghe các cháu nói cười, hát hò, thậm chí là những các cháu khóc cũng làm tôi vui, hạnh phúc”.

Tổ ấm thứ 2 của những đứa trẻ

Phần lớn những cháu bé bà Tân trông nom đều thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 10 năm trông trẻ, bà Tân chưa khi nào được nhìn thấy hình hài các cháu ra sao, nhưng chỉ nghe các cháu nói cười, múa hát thì tất cả sự hồn nhiên, đẹp đẽ nhất đều được bà vẽ lên trong suy nghĩ.

Trông một đứa trẻ với người khỏe mạnh, mắt sáng đã vất vả, nhưng với một người khiếm thị như bà Tân thì việc càng vất vả bội phần. Để nhận được sự tin tưởng, yêu mến của phụ huynh và bản thân các cháu nhỏ, bà Tân phải hết sức tận tụy, dành trọn tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho con trẻ như chính những đứa con của mình.

Ấy thế mà, những đứa trẻ được bà Tân chăm sóc, đứa nào đứa ấy đều rất ngoan ngoãn và khỏe mạnh. Chứng kiến các cháu nói cười, nụng nịu và cách dỗ dành yêu thương của bà Tân dành cho mới thấy chúng thực sự may mắn, không phải thiệt thòi vì có người phụ nữ lúc nào cũng đầy ắp yêu thương dành cho chúng.

Bà Tân bộc bạch: “Vì điều kiện không cho phép, hiện tôi chỉ chăm được nhiều nhất là 15 cháu. Nhiều gia đình mong muốn đưa con đến để tôi trông, thương các cháu lắm nhưng đành phải từ chối. Mấy năm nay, sức khỏe của tôi giảm sút, lại thêm phải cho các cháu ăn trưa nên tôi phải nhờ đến mẹ già phụ việc cơm nước cho các cháu. Lúc các cháu mới đến, chưa quen, nhiều cháu thường khóc và đòi về, tôi lại phải dỗ dành, cưng nựng. Sau 2 tuần, nếu cháu nào chưa thể làm quen được thì phải trả lại cho gia đình”.

Là người cùng xóm, chị Đoàn Thị Huệ, cho biết: “Tôi gửi cháu cho bà Tân từ lúc cháu 14 tháng mà giờ cháu 17 tháng rồi. Trước kia, gia đình khó khăn, cháu còn bé nên nơi khác chưa nhận. Tôi thấy chị Tân cũng trông nom cẩn thận nên yên tâm.Từ khi gửi con ở đây, theo dõi tôi thấy cháu cháu ngoan và chịu chơi, không khóc, ai cũng bảo chị dỗ trẻ con khéo”.

Còn chị Đoàn Thị Hà (SN 985, trú tại làng Bảo Lộc) cho biết, cả 2 đứa con của chị đều gửi ở nhà bà Tân trông nom, đứa lớn đã 3 năm, đứa thứ 2 được 3 tháng. Cảm nhận, phụ huynh nào cũng hoàn toàn an tâm vì bà Tân trông nom trẻ rất cẩn thận. Dường như khi mang con tới gửi họ không còn trăn trở việc bà Tân có phải là người khiếm thị nữa hay không. Trẻ sáng vào lớp ngoan, chiều về vẫn vậy, quần áo thơm tho sạch sẽ.

Phụ huynh Đoàn Thị Hà.
Phụ huynh Đoàn Thị Hà.

Nhiều khi, trẻ về nhà còn nguây nguẩy không ăn, không mặc, dù sinh con ra nhưng nhiều bậc phụ huynh dùng hết cách nhưng vẫn không dỗ dành được con mình. Nhưng hễ đến lớp cô Tân là cả chục đứa trẻ, đứa nào cũng răm rắp nghe lời rất nề nếp từ việc ăn, mặc lẫn đi vệ sinh cá nhân. Đây quả là thành tích khiến nhiều bậc phụ huynh khi gửi con ở đây phải tấm tắc khen ngợi bà Tân vì dường như bà đã làm được việc “phi diệu”.

Có nhiều cháu nhỏ sau khi đã về nhà rồi, chuẩn bị đến giờ đi ngủ lại cứ nằng nặc đòi lên nhà “cô Tân” ngủ. Thậm chí nhiều cháu sau khi “tốt nghiệp” lớp bà Tân vẫn thường xuyên tới chơi như ngôi nhà thứ 2 của mình. Có khi nhiều cháu bố mẹ thường xuyên gửi muộn, các cháu ăn ngủ tại nhà, gia đình đến đón còn không muốn về mà đòi ở lại luôn. Tiếng lành đồn xa, có bậc phụ huynh cách 6 – 7 km cũng hàng ngày đi xe tới nhờ bà Tân trông nom giúp.

Lớp học nhỏ của bà Tân xuất phát từ việc từ mục đích từ hiện để cho thêm có tiếng cười trẻ thơ cho căn nhà khỏi trống trải. Ấy thế mà theo thời gian lại nhận được sự tin tưởng đáng kể của nhiều bậc phụ huynh và người dân trong vùng.

Trong nhiều năm qua, bà Tân được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền địa phương. Tiêu biểu năm 2011, bà Tân được UBND huyện Phúc Thọ trao tặng giấy khen “Người tốt, việc tốt”.

Tấm bằng khen không có giá trị nhiều về vật chất, nhưng nó như món quà ý nghĩa nghi nhận sự cố gắng vươn lên hoàn cảnh của bà Tân đã được xã hội ghi nhận. Để rồi, ngày hôm nay, người phụ nữ tật nguyền ấy, khi được hỏi đã nói lên mong ước có thêm sức khỏe để tiếp tục trông nom, gần gũi với các cháu mãi mãi…

Đọc thêm