Việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14/05/2008. Theo đó, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này quy định: thời gian phát động cuộc vận động chậm nhất là sau 3 ngày kể từ ngày thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Trong đó, thời gian vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ ở cấp trung ương, cấp tỉnh kéo dài không quá 60 ngày; ở cấp huyện và các tổ chức, đơn vị khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài không quá 30 ngày kể từ ngày bắt đầu cuộc vận động đóng góp. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được theo quy định trên nhằm đảm bảo được tính kịp thời của mục đích quyên góp.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 21 Nghị định 64/2008/NĐ-CP cũng quy định: đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định trên về việc huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Pháp luật đã quy định rõ về thời gian cũng như chế tài xử lý đối với việc phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân trong các hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.
Xét đến trường hợp của Nghệ sĩ Hoài Linh, để kết luận việc Nghệ sĩ Hoài Linh có vi phạm quy định pháp luật khi chậm trễ chuyển số tiền mà mình đứng ra quyên góp để hỗ trợ đồng bào miền Trung gặp bão lũ vào tháng 11/2020 hay không cần phải xem xét đến việc Nghệ sĩ Hoài Linh có thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP hay không.
Căn cứ theo Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối, hàng cứu trợ bao gồm:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện
- Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Theo quy định này, Nghệ sĩ Hoài Linh không thuộc đối tượng được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, đồng nghĩa với việc Nghệ sĩ Hoài Linh không thuộc sự điều chỉnh của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP.
Việc Nghệ sĩ Hoài Linh tự đứng ra vận động quyên góp để giúp đỡ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt có thể hiểu là trường hợp cá nhân, tổ chức ủy thác cho một cá nhân khác thay mặt mình giúp đỡ những người gặp thiên tai.
Mối quan hệ giữa Nghệ sĩ Hoài Linh và những người quyên góp có thể gọi là mối quan hệ dân sự bình thường giữa người gửi và người giao. Do đó, không có cơ sở để kết luận Nghệ sĩ Hoài Linh vi phạm quy định về thời gian phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ theo Điều 7 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định về thời gian vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.
Từ trường hợp của Nghệ sĩ Hoài Linh, có thể thấy tính cấp thiết để Nhà nước nghiên cứu, ban hành pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các trường hợp cá nhân vận động, tiếp nhận, đóng góp và phân phối tiền, hàng cứu trợ đối với các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội nhằm đảm bảo được sự minh bạch, tính khách quan của việc thiện nguyện, đáp ứng kịp thời nhu cầu cứu trợ của những người nhận từ thiện.
- Đối với hành vi của một cá nhân, đặc biệt những người nổi tiếng kêu gọi tiền để làm từ thiện, pháp luật quy định như thế nào, thưa ông?
- Căn cứ Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ- Cp quy định về các tổ chứ, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, theo đó, thì chỉ có các tổ chức, cơ quan nhà nước được liệt kê ở điều này mới có quyền thực hiện các hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, thực hiện các hoạt động từ thiện. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động này.
Tuy nhiên, ngoài Nghị định này quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc kêu gọi, huy động, tiếp nhận hàng, quà cứu trợ thì các tổ chức, cá nhân khác cũng có thể căn cứ vào quy định của BLDS 2015 để thực hiện quyền tặng cho tài sản, ủy quyền tặng cho tài sản theo quy định của BLDS 2015.
BLDS 2015 quy định chủ sở hữu tài sản có quyền tặng cho tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bất kỳ ai. Chủ sở hữu tài sản có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc tặng cho. Việc các tổ chức, cá nhân giao tiền, hàng, tài sản cho nghệ sĩ hoặc người khác để họ đứng ra thực hiện hoạt động từ thiện thay mình đó là quan hệ dân sự tặng cho tài sản có ủy quyền theo quy định của BLDS.
Việc ủy quyền tặng cho tài sản này được thực hiện theo quy định của BLDS 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Nghĩa vụ của các nghệ sĩ xuất phát từ thời điểm nhận tiền của những cá nhân khác. Nghệ sĩ cũng có trách nhiệm phải thông báo cho những người được tặng cho về số tiền tặng cho, thời gian, phương thức tặng cho,…
BLDS 2015 cũng quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản nào thì thuộc về chủ sở hữu tài sản đó. Khi chủ sở hữu đồng ý chuyển tài sản đó cho người khác thụ hưởng thì người thụ hưởng sẽ được sở hữu hoa lợi, lợi tức đó. Nếu việc thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền không kịp thời, gây thiệt hại, thì người nghệ sĩ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Các cá nhân đồng ý ủy quyền cho nghệ sĩ thực hiện hoạt động từ thiện chủ yếu xuất phát từ sự tin tưởng, mến mộ với người nghệ sĩ đó. Đây là uy tín, danh dự của nghệ sĩ, nên khi xảy ra các vấn đề liên quan như có hành vi lừa dối hoặc chậm trễ trong việc chuyển tiền mà không có lý do chính đáng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nghệ sĩ.
Trong những trường hợp ủy quyền thực hiện hoạt động từ thiện như thế này, nếu như phát hiện có hành vi gian dối để chiếm đoạt đó tiền từ thiện từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì người nhận ủy quyền như các nghệ sĩ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).
- Vậy theo ông, người nổi tiếng nên từ thiện như thế nào để không vi phạm pháp luật và được lòng công chúng?
- Trước hết có thể thấy, những người nổi tiếng nói chung và Nghệ sĩ Hoài Linh nói riêng là những người có sức ảnh hưởng lớn, khuấy động được các phong trào cũng như được sự tín nhiệm và lòng tin của công chúng.
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ quy định về hoạt động nhân đạo đối với các tổ chức chính trị, các tổ chức đoàn thể, xã hội, các cuộc vận động chính thức của pháp nhân đứng ra tổ chức chứ không quy định đối với đối tượng là cá nhân.
Nghị định 64/2008/NĐ-CP cũng quy định: Nghiêm cấm cản trở, ép buộc bất kể cá nhân, tổ chức nào tham gia cứu trợ nhân đạo. Điều này cũng có nghĩa rằng tổ chức, cá nhân tin tưởng nơi quyên góp nào thì gửi nơi đó, không ai có quyền bắt buộc được nơi nào là nơi nhận quyên góp. Và cũng không có quy định nào quy định cá nhân, tổ chức thực hiện việc từ thiện phải trao cho đối tượng nào hay phải có vốn đối ứng…
Như vậy, về mặt pháp lý nghệ sĩ Hoài Linh hay bất kì cá nhân nào đứng ra làm từ thiện cũng không chịu sự điều chỉnh của nghị định 64/2008/NĐ-CP vì mang danh nghĩa cá nhân chứ không phải danh nghĩa nhà nước.
Các nghệ sĩ đứng ra làm từ thiện trước hết xuất phát từ cái tâm của họ. Cá nhân đứng ra thực hiện hoạt động này cũng gặp nhiều rủi ro và vất vả, cũng như sự đánh giá của dư luận.
Chính vì vậy, để hoạt động từ thiện mang đúng giá trị nhân văn của nó và để tạo lòng tin cho người dân, các cá nhân, người nổi tiếng khi kêu gọi ủng hộ từ thiện nên công khai minh bạch số tiền nhận được, kê khai các khoản thu chi rõ ràng, nhờ sự phối hợp của chính quyền, lực lượng chức năng, tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận tổ quốc để việc cứ trợ trở nên thống nhất hơn.
- Xin cám ơn ông!