Nghệ sĩ Kiều Oanh - sau vai diễn hài là lệ đắng

(PLO) -Mang đến tiếng cười cho sân khấu, nhưng ít ai biết được cuộc đời của Kiều Oanh đã trải qua không ít thăng trầm và sóng gió. Khi nghe Kiều Oanh nói chuyện, người ta cười tá lả, nhưng nghe tới khúc cuối của mỗi câu chuyện thì chỉ muốn khóc. Đời chị vui đó, nhưng cũng buồn nẫu ruột như một vở cải lương bi ai…
 
Trái ngọt của cuộc hôn nhân thứ 2 là cô con gái Yến Khang.
Trái ngọt của cuộc hôn nhân thứ 2 là cô con gái Yến Khang.

Từ cô bé nhà quê thành ngôi sao cải lương

Kiều Oanh sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, nghèo khổ ở miền Tây. Từ bé, chị đã thiếu thốn tình cảm của cha. Khuôn mặt của cha cũng chỉ đọng lại mơ hồ và vỡ vụn trong tâm trí của cô con gái út vì năm tháng ông đi làm ăn tứ xứ, năm về đôi ba bữa.

Năm Kiều Oanh lên chín tuổi, ba chị bị bệnh mất. Vì vậy, mẹ là người để lại cho chị dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời. Ba mất, mẹ chị mới độ bốn mươi tuổi nhưng vẫn ở vậy nuôi mười người con trưởng thành bằng đôi tay tần tảo, buôn thúng bán bưng.

Kiều Oanh sinh ra đã có thể hát cải lương một cách ngọt ngào như một bản năng trời cho. Với chị thì “đó là cái mà ông trời đã chấm số cho mình không thoát được”. Cho nên khi học xong cấp  ba, thi đỗ Đại học Ngân hàng, chị giấu nhẹm giấy báo trúng tuyển và chỉ đưa ra có giấy báo đỗ trường sân khấu. Cả gia đình Kiều Oanh có sáu chị em gái thì hầu hết đều làm cô giáo cho nên việc cô út đi học làm “cô đào” thì cả nhà phản đối, “rầy la chị như nhằn một cái giẻ”.

Mẹ chị - cũng lo sợ cho tương lai hạnh phúc của con gái nên cũng phản đối dữ dội nhưng rồi cũng chính mẹ chị lại là người thương cô con gái út mà chấp nhận cho đi theo nghiệp mà con gái trót đam mê. Với 3 bộ quần áo và những đồng tiền còn sót lại trong túi của mẹ, Kiều Oanh đã một mình chập chững lên Sài Gòn.

Chia sẻ về khoản tiền mẹ đã cho lúc lên Sài Gòn học, nữ nghệ sỹ không kìm được xúc động cho biết: “Đó là những đồng tiền ít ỏi còn sót lại trong túi của mẹ, nhưng lại là những tháng ngày làm việc rất cực khổ mới có được.

Ngày xưa tiền thường cuộn tròn buộc vào cọc dây thun mà mẹ Oanh hay vắt ở lưng quần, khi mẹ đưa cho Oanh, Oanh chỉ nghĩ là cầm cho có hơi ấm của mẹ chứ dứt khoát mình sẽ không xài, sẽ không dám đụng bởi vì với Oanh đây là thứ gì đó thiêng liêng lắm”.

Tới khi Kiều Oanh nhập học, thì chị gái cũng biên thư: “Em ơi, trên Sài Gòn nhiều cám dỗ lắm, ráng giữ mình, đói cho sạch, rách cho thơm… Tiền nay không kiếm được thì mai kiếm”.

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi mới học năm thứ nhất, mẹ Kiều Oanh bắt đầu đổ bệnh và phải tốn nhiều tiền chữa chạy. Kiều Oanh lao vào đi làm thêm đủ việc từ làm MC, đi hát, diễn phim quần chúng cho các băng đĩa... để có tiền chữa bệnh cho mẹ.

Những lần mẹ chị trở bệnh, tiền thuốc là 500 ngàn đồng mỗi ngày. Chị toàn xin ứng tiền trước trong các suất diễn mà chị có được để lo cho mẹ. Tốt nghiệp, chị được giữ làm giảng viên của trường nhưng chị đành ngậm ngùi từ chối vì đồng lương giảng viên quá eo hẹp, mà chị lại đang cần tiền để chữa bệnh cho mẹ.

Năm 1996, trong hội thi chuyên nghiệp toàn quốc các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Kiều Oanh ẵm một lúc hai trong bốn giải: Huy chương Vàng cho diễn viên xuất sắc và Huy chương Vàng cho diễn viên tài sắc nhất trên sân khấu. Khi ấy, mẹ chị bệnh nặng nhưng vẫn cố chờ con gái diễn thi xong.

Những cảnh trong phim Tấm Cám - Kiều Oanh trong vai Cám.
Những cảnh trong phim Tấm Cám - Kiều Oanh trong vai Cám.

Tối hôm đó, bà mừng rớt nước mắt khi nhìn thấy con gái nhận giải, nhưng rồi tới hôm sau thì bà qua đời. Số tiền nhận được từ giải thưởng năm ấy, chị lo hết vào việc tang ma cho mẹ. Nỗi đau ấy, mỗi khi nhắc tới, Kiều Oanh vẫn tưởng như mới ngày hôm qua vậy…

Cũng trong năm ấy, Kiều Oanh lại tiếp tục thành công khi được tham gia vào hai bộ phim truyền hình nổi tiếng: “Những nẻo đường phù sa” và “Đất Phương Nam”.

“Hồi đó, phim truyền hình ít nên chỉ cần mỗi bộ phim hay ra đời là diễn viên có thể nổi tiếng liền cho nên ngay ngày hôm sau, chị lấy xe Honda chạy vòng vòng quanh thành phố, trời nắng chang chang nhưng chẳng nón mũ, bịt mặt gì cả, cứ thế chạy đi mấy chục vòng để cho người ta biết mặt, cho người ta gọi.

Sau này mình trưởng thành, chín chắn rồi, mình mới thấy: “Trời, sao con người mình hồi đó danh vọng dễ sợ vậy”, Kiều Oanh nhớ lại quãng tuổi trẻ hai mươi năm trước của mình.

Đào nương bẻ ngang sang diễn hài

Khi cải lương xuống dốc, các nghệ sĩ cải lương phải thay đổi bản thân, đi diễn hài kịch. Lúc đó, Kiều Oanh cũng nghĩ tới con đường thay đổi bản thân mình ấy là đi diễn hài… Nhưng mà diễn hài làm sao khi gương mặt của Kiều Oanh chỉ hợp với Đào chính, Đào thương, toàn vai sướt mướt; khi người ta nói, mặt của chị nhìn đã thấy buồn, đã thấy khóc…  

“Ngày đầu, chạy suất đầu tiên, chị bước ra diễn, cười nói, làm trò đủ kiểu mà không ai cười, mặt ai cũng nghệt ra. Khi ra sân khấu thì run, khi vào hậu trường thì khóc muốn chết vì không ai cười, không ai cười nghĩa là không có tiền muớn nhà, ăn uống…”, Kiều Oanh kể.

Nghệ sĩ Hữu Nghĩa động viên chị cố gắng kiên trì. Sau này, Kiều Oanh tận dụng khả năng ăn nói hoạt ngôn, khuôn miệng dẻo quẹo của mình để khiến khán giả cười. Và kết quả là, Kiều Oanh được khán giả yêu thích trên sân khấu với diễn xuất đặc trưng Nam bộ qua các tiểu phẩm hóm hỉnh và nhiều ý nghĩa. Mỗi khi chị cất lời là người ta cười, rồi sau đó người ta cũng có thể khóc theo những vai diễn của chị.

Hồng nhan đa truân 

Đúng vào thời điểm tài năng đang độ chín thì đột ngột Kiều Oanh rời khỏi Việt Nam để theo chồng sang Mỹ. Sang bên đó, Kiều Oanh vẫn tiếp tục nghiệp diễn. Bà con Việt kiều đều đón nhận chị nên việc hòa nhập với cuộc sống mới không khó khăn gì. Nhưng về phần gia đình, chị lại gặp nhiều trắc trở.

Chồng Kiều Oanh yêu chị, nhưng lại bị áp lực từ phía gia đình khi chị nhận kết luận từ bác sỹ là bị bệnh, khó có con được, trong khi chồng chị là con một, rất cần người nối dõi. Áp lực cứ đè nặng mãi lên vai Kiều Oanh và cuối cùng chị đành phải chọn giải pháp chia tay, dù rằng không muốn, để anh có thể lập gia đình khác và sinh con. “Nhiều đêm diễn hài cho khán giả cười, trở về một mình tôi lại nằm khóc vì bơ vơ, vì thương cho thân phận của mình”, Kiều Oanh ứa nước mắt nhớ lại những năm tháng sống trên đất Mỹ.

Sau cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, Kiều Oanh kết hôn với nghệ sĩ hài Lê Huỳnh. Kỳ diệu như món quà cuộc sống bù đắp, cuộc hôn nhân này cho chị trái ngọt là một cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Nhưng khi sinh con gái, chị kiên quyết không đặt tên Kiều làm đệm vì sợ cuộc đời cũng bi như mình vậy. Với một người làm mẹ thì những đứa con là lẽ sống của đời mình, Kiều Oanh đã biết “chậm” hơn và thấy cuộc đời tươi đẹp nhiều, có nhiều mục đích để sống.

Tiền kiếm ra được, ngoài việc lo cho cả gia đình, Kiều Oanh vẫn dành một khoản nhỏ để làm từ thiện. Chị nghĩ đơn giản: “Mình làm con mình hưởng, làm vậy tâm mình cũng an, đi đâu cũng thấy an lành, mình an lành thì mới có thể đi diễn, có tiền lo lại cho mình, cho gia đình và lại làm từ thiện được…”.

Kiều Oanh bảo rằng, chị là một đệ tử của nhà Phật, vì vậy triết lý nhà Phật luôn là kim chỉ nam trong đường đi, cách sống của chị: “Ông trời chẳng cho ai không cái gì. Số mình được ông trời cho nhiều thứ hơn người bình thường nên phải lấy lại của mình cái gì đó. Số đã vậy, chấp nhận đi”.

Nhưng những ngày tháng êm đẹp bên người chồng Lê Huỳnh cũng trôi đi và cuộc hôn nhân thứ hai này lại tan vỡ. Lần này, trái tim của Kiều Oanh đã mạnh mẽ hơn, giúp chị có nghị lực vượt qua được nỗi đau đớn, thất vọng. Lần ra đi thứ hai này với chị nhẹ nhàng lắm, bởi cái duyên nợ của vợ chồng đã kết thúc, bên cạnh chị còn có đứa con an ủi.

Chị nghiệm ra rằng: “Cuộc đời nó lạ lắm, nó không đi theo cái lập trình định sẵn theo kiểu “ở hiền gặp lành”, không phải người vợ nào cứ hiền ngoan, giỏi giang là không bị chồng bỏ, còn không phải người phụ nữ nào quậy tới bến cũng sẽ là bị chồng bỏ.

Những cảnh trong phim Tấm Cám - Kiều Oanh trong vai Cám.
Những cảnh trong phim Tấm Cám - Kiều Oanh trong vai Cám.

Cái gia đình nó nhỏ bé vậy nhưng có nhiều cái phức tạp, có những thứ tưởng chừng rất nhỏ, lâu ngày cứ chất lên rồi một ngày giọt nước tràn ly. Nếu ông trời nói vợ chồng còn duyên phận ở với nhau thì  có muốn cũng chẳng dứt được, cố mà sống cạnh nhau nhưng khi ông trời nói chúng mày hết duyên rồi thì tự khắc rời bỏ nhau mà thôi”.

Cho đến giờ, vẫn nhiều người hỏi lí do vì sao vợ chồng chị tan vỡ, chị cũng không muốn nhắc tới nhiều để làm cho trái tim lại đau. “Tôi muốn con gái tôi luôn vui vẻ và hạnh phúc tại thời điểm bây giờ và về sau. Tôi không muốn khi con lớn lên lại đọc những thông tin lời qua tiếng lại của ba mẹ”, chị nói.

Kiều Oanh tự nhận mình không phải là người tham vọng, chị thà ăn rau, ăn tương nhưng phải sống cuộc sống vui chứ không phải nhà cao cửa rộng mà tình cảm nhạt thếch, toàn những thứ không phải cố gắng níu kéo, chiếm đoạt làm chi.

Kiều Oanh tin vào tướng số, tử vi. “Số chị bạc phước em ơi, tử vi chấm rồi, chị tin lắm”. Nhưng mà vì đời đã định sẵn nên chị nói rằng không muốn buồn mãi, đời phải vui vì còn con cái. Chị còn trẻ và còn nhiều điều phải ráng sống và hạnh phúc.  Kiều Oanh nói mà đôi mắt đượm buồn. 

Đọc thêm