Nghệ sĩ mừng hụt vì 'ngoài tầm với' của Thông tư 10

(PLO) - Sau hơn 6 tháng đi vào đời sống, Thông tư 10 đã điều chỉnh thang, ngạch bậc lương đối với các nghệ sĩ, thêm chế độ lương bổng của anh em đi vào đời sống. Thông tư 10 phần nào giải quyết bức xúc của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, vẫn có một số nghệ sĩ bị… đứng bên lề Thông tư 10.
Nghệ sĩ mừng hụt vì 'ngoài tầm với' của Thông tư 10

20 năm biên chế, lương chỉ 3,5 triệu

Hàng chục năm nay những người hoạt động ở chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh không có tiêu chuẩn “đặc thù của nghề nghiệp” mà vẫn phải chiểu theo tiêu chuẩn quy định chung cho viên chức các ngành nghề khác. Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều nghệ sĩ không thể đáp ứng được những đòi hỏi về trình độ đào tạo, không được thi nâng ngạch. 

Diễn viên trẻ mới vào nghề rất khó sống bằng lao động nghệ thuật với tổng thu nhập cao nhất chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Điều đáng buồn là chế độ đối với NSND, NSƯT - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, tài năng, trí lực cho nghệ thuật nhưng lại bị cào bằng với các diễn viên, nghệ sĩ đại trà. Đa số họ chỉ hưởng lương ở ngạch trung cấp, bậc cao nhất là 4,06 (hạng 3).

Lương của NSND Lê Khanh vẫn ở mức diễn viên hạng 3 hơn 10 năm nay. Nhạc công Văn Định, chơi đàn nguyệt tại Đoàn Dân ca Nghệ An nhẩm tính: “Lương chính của tôi được 1,8 triệu đồng. Nếu đi phục vụ miền núi thì không dư, thậm chí “âm”. 

Nghệ sĩ xuất sắc Linh Lam, diễn viên cải lương cũng cùng cảnh ngộ. Anh ngậm ngùi: “Hơn 20 năm vào biên chế, đi hát cải lương khắp mọi miền đất nước, lương 3,5 triệu đồng/tháng, nghĩ thẹn với đời lắm”. Nghệ sĩ kịch nói Ái Như tặc lưỡi: “Nhắc đến thấy tủi thân thôi!”. 

Một nghệ sĩ sân khấu kịch hay cải lương cũng chỉ có thể kiếm được trung bình 500 nghìn đồng cho một suất diễn dành cho vai diễn chính, có thoại, có số phận. Còn những vai phụ thì chỉ có giá từ 100 - 200 nghìn đồng cho một đêm diễn. Những ngôi sao như Thành Lộc, Hữu Châu… mỗi suất diễn có thể nhận thù lao cao hơn nhưng chẳng đáng là bao so với ba tiếng đồng hồ khản tiếng trên sân khấu với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố trên đời. NSƯT Anh Tú  thì “bật mí” con số 300 nghìn đồng cho mỗi suất diễn của mình.

Trong khi các nghệ sĩ nhạc thính phòng, giao hưởng ở các nước trong khu vực, lương tháng hơn 35 triệu đồng, thì thu nhập bình quân của các nghệ sĩ Việt Nam chỉ khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Mỗi đêm diễn, thù lao cũng chỉ 600 ngàn đồng, trong khi mỗi tháng, các suất diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số tiền đó đủ để hình dung cuộc sống của các nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam khốn khó thế nào trong thời buổi mọi thứ đua nhau tăng giá. 

Nghệ sĩ Trung Kiên có lần phải dùng đến từ “lầm than” để mô tả về cuộc sống của những người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng, thính phòng. Còn nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhiều lần phải dùng từ “xót xa” mỗi khi nhắc đến đời sống của những đồng nghiệp mà theo anh, họ thực sự là những tài năng, tài sản quý của đất nước, nhưng phần lớn trong số họ đều sống chật vật. 

“Mừng hụt” về Thông tư 10

Trước nỗi niềm lương bổng của các nghệ sĩ, vừa qua Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Nội Vụ đã ra Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL- BNV ngày 11/12/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện (gọi tắt là Thông tư 10). Sau hơn 6 tháng đi vào đời sống, Thông tư 10 đã điều chỉnh thang, ngạch bậc lương đối với các nghệ sĩ, thêm chế độ lương bổng của anh em nghệ sĩ .

Nhờ Thông tư liên tịch này, các nghệ sĩ, diễn viên đang là viên chức nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập được phong tặng danh hiệu NSND là đối tượng được xét lên hạng I (tương đương hạng cao cấp), được hưởng hệ số lương từ 6,20 đến 8,00 và NSƯT sẽ được xét lên hạng II (tương đương hạng chính), được hưởng hệ số lương từ 4,40 đến 6,78 đối với đạo diễn và hệ số lương 4,00 đến 6,38 đối với diễn viên mà hoàn toàn không phụ thuộc vào trình độ đào tạo.

Ông Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ) đồng tình: “Thông tư 10 đã đáp ứng, giải tỏa vấn đề bức xúc suốt 20 năm qua. Một loạt các nghệ sĩ như NSND Lê Khanh, Lan Hương, NSƯT Trọng Thủy, Chí Trung, Ngọc Huyền… thậm chí, có những người có bằng Thạc sĩ như NSND Lê Khanh, Lan Hương, Như Lai… nhưng từ trước đến nay đều xếp ở mức diễn viên hạng 3. Giờ họ đã được chuyển ngạch và nâng ngạch một cách đàng hoàng, đỡ thiệt thòi”.

Tuy nhiên, Thông tư 10 vẫn còn để lại những băn khoăn cho một số nghệ sĩ. Ví dụ Thông tư chỉ điều chỉnh chế độ cho NSƯT, NSND hay những người có trình độ đại học trở lên… trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, xiếc, múa thường chỉ đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng.

Các nghệ sĩ ở những bộ môn này dù là nguồn nhân lực chính của các nhà hát thì sau bao nhiêu năm học tập, chỉ được nhận bằng trung cấp, cao lắm cũng chỉ dừng ở mức cao đẳng. Vì vậy, khi chưa có danh hiệu NSƯT, NSND, họ sẽ bị thiệt thòi khi không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư.

Bên cạnh đó, dẫu nhiều họa sĩ, nhạc công, quay phim, phục trang… được phong tặng danh hiệu NSƯT như họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng, quay phim, NSƯT Lý Thái Dũng cũng không thuộc diện được điều chỉnh bởi Thông tư này. Bởi họ rất ít có cơ hội tham gia hội diễn, liên hoan để có huy chương (điều kiện để được phong NSND, NSƯT) từ đó được nâng hạng viên chức. Trong khi, các đạo diễn, biên kịch, ca sĩ, diễn viên lại “vác ầm ầm” huy chương vàng, huy chương bạc về nhà. Không ít người đi thi  với tâm thế “chạy, xin, cho” giải trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn…

Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Tấn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ VHTT&DL cho rằng cơ quan chức năng sẽ cố gắng hạn chế những tiêu cực trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn. Còn vấn đề nghệ sĩ có  trình độ cao đẳng, trung học, họa sĩ, nhạc công, quay phim, phục trang lại đang đứng… bên lề Thông tư 10 thì vẫn đang được xem xét. Có lẽ Thông tư 10 lại phải sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với tâm tư, đời sống các nghệ sĩ. Có vậy, các nghệ sĩ mới yên tâm đóng góp, cống hiến cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam thêm phát triển.