Rối bời việc thu phí bản quyền âm nhạc

(PLO) - “Lệch pha” về quy định thực hiện phí tác quyền âm nhạc trong Nghị định 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL khiến không ít người hoạt động trong giới nghệ thuật thấy lúng túng. Người bảo cần có “giấy phép con” trong hoạt động biểu diễn, người bảo không. Điều này gây khó khăn trong việc thu phí bản quyền âm nhạc vốn đã đầy phức tạp. 
Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí đang rối bời quanh chuyện thu phí bản quyền.
Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí đang rối bời quanh chuyện thu phí bản quyền.

Thông tư “tréo ngoe” Nghị định?

Ngày 15/3/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu… Với Nghị định sửa đổi lần này, lần đầu tiên quyền tác giả đã được pháp luật công nhận một cách chính thức. Nhiều nhạc sĩ kỳ vọng, những tác phẩm của họ sẽ không bị khai thác “chui” một cách bừa bãi nữa. 

Thế nhưng Thông tư hướng dẫn việc thi hành Nghị định 79 lại có phần “lệch pha”. Nói cách khác, trong Thông tư hướng dẫn đưa kèm mẫu số 14: “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Có nghĩa là, đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ việc nộp bản cam kết này tới cơ quan cấp phép mà không cần biết là tác giả có đồng ý hay không?

Một số nhạc sĩ bức xúc, Nghị định 15/2016 của Chính phủ có nói rõ ràng rằng các chủ thể của tác phẩm là những ông chủ, ai muốn sử dụng ca khúc của họ thì phải xin phép. Họ đồng ý rồi thì các đơn vị cấp phép mới được cấp giấy phép cho người nào đó biểu diễn. Thông tư 1/2016 hướng dẫn lại đưa ra mẫu cam kết với nơi cấp phép (Cục Nghệ thuật biểu diễn và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – VHTT&DL), chứ không phải với tác giả, như thế rõ ràng gạt giới nhạc sỹ ra ngoài, sai về nguyên tắc. 

Làm sao có thể xác định các quán cà phê sử dụng tác phẩm của ai, bao nhiêu lần để có thể trả tiền tác quyền cho tác giả?

Làm sao có thể xác định các quán cà phê sử dụng tác phẩm của ai, bao nhiêu lần để có thể trả tiền tác quyền cho tác giả?

Tại hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 15/2016 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) và Thông tư 01, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, VHTT&DL khẳng định không có chuyện Thông tư hướng dẫn trái với tinh thần của Nghị định. 

Theo ông Chương, Nghị định 15 quy định thủ tục cấp phép đối với một chương trình biểu diễn phải có 1 trong 3 loại văn bản: văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả, bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả. Không dưới 4 lần đại diện Bộ VHTT&DL và các bộ, ban, ngành liên quan phải ngồi bàn thảo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đưa ra được quan điểm thống nhất trong các văn bản này. 

Quan điểm của các đơn vị quản lý là phải cải cách hành chính khi sửa đổi Nghị định. Chính vì vậy, theo quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn, bản cam kết nộp phí tác quyền âm nhạc của đơn vị tổ chức là đủ cơ sở cấp phép biểu diễn. “Pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự. Bản cam kết là hành lang pháp lý tương đối thoáng để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tác quyền âm nhạc” - ông Chương nhấn mạnh. Cùng quan điểm với Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Bình cho rằng không thể có một loại “giấy phép con” về tác quyền âm nhạc như vậy.

Để “nắm đằng chuôi”,  ông Chương yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải có trách nhiệm phát hiện những đơn vị không nộp tác quyền và có văn bản gửi lên cơ quan quản lý nhà nước, gồm Cục Nghệ thuật biểu diễn và các sở VHTT&DL. Các cơ quan này sẽ từ chối cấp phép lần sau cho những đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ về bản quyền.

Loay hoay việc “đếm ghế tính tiền” 

Không chỉ “đau đầu” việc thu phí tại nơi tổ chức biểu diễn, việc thu phí tại các quán cà phê cũng làm cho câu chuyện như… mớ bòng bong. Theo đại diện VCPMC, trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Nghị định hướng dẫn thi hành có quy định về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, gồm 2 dạng: biểu diễn trực tiếp trên sân khấu và biểu diễn thông qua các phương tiện kỹ thuật mà công chúng có thể tiếp cận được như ti vi, máy nghe nhạc, băng đĩa, mở nhạc từ các website trực tuyến... Việc các quán cà phê, nhà hàng mở nhạc để phục vụ khách chính là đã sử dụng quyền biểu diễn trước công chúng nên phải trả tiền tác quyền cho tác giả.

Nhiều người kinh doanh cà phê, nhà hàng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Nha Trang hiện vẫn chưa đồng tình với việc thu tiền tác quyền âm nhạc. Hiện tại, VCPMC đưa ra mức thu tiền tác quyền là 2,5 triệu đồng/năm đối với quán dưới 30 chỗ ngồi, nếu vượt số lượng trên thu thêm 70.000 đồng/chỗ ngồi. Mức thù lao này áp dụng cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (nhóm 1), riêng Khánh Hòa thuộc nhóm 2 thì được tính ở mức 80% so với mức giá trên. Năm trước, VCPMC chỉ thu khoảng 25.000 đồng/ghế/năm, nhưng từ năm 2014 tăng lên 70.000 đồng/ghế/năm là quá cao. Nhiều chủ quán cà phê, nhà hàng thắc mắc: “có quán bình dân, có quán sang trọng, nhưng họ cứ cào bằng” một mức giá như vậy liệu có công bằng?

Chưa hết, nhiều người cho rằng, với cách tính của VCPMC (tất cả những điểm kinh doanh có mở nhạc để phục vụ khách đều phải trả tiền) thì số tiền tác quyền âm nhạc sẽ là một con số khổng lồ. Liệu số tiền này có đến tay các tác giả và ai là người kiểm soát nguồn thu trên?… Ngoài ra, với việc thu tiền ở quán cà phê, nhà hàng, VCPMC làm sao có thể xác định được các đơn vị sử dụng tác phẩm của ai, bao nhiêu lần để có thể trả tiền tác quyền cho các tác giả một cách chính xác, công bằng? 

Rõ ràng, khi “đếm ghế tính tiền”  bộc lộ những bất cập trong việc thu phí bản quyền âm nhạc tại các quán cà phê hiện nay./.