Nghệ sĩ nhân dân Tự Long: Từ anh thợ mộc “cù lần” thành danh hài nổi tiếng

(PLO) - Tự Long không phải là người sớm được ăn cơm nghệ thuật. Đã có lúc anh trở thành gã thợ mộc. Lúc khác lại là lơ xe. Một cuộc sống di chuyển, biến động liên miên và tiền bạc thì còm cõi. Cuộc sống ấy không cho người ta nghĩ nhiều đến một thánh đường. 
Một số hình ảnh diễn suất của nghệ sĩ nhân dân Tự Long
Một số hình ảnh diễn suất của nghệ sĩ nhân dân Tự Long

Nhưng Tự Long đã lén mơ đến thánh đường ấy. Lén đi thi, đỗ chuyên ngành Chèo, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Và, chèo đã không phụ anh, danh hiệu NSND được trao cho Tự Long như một sự ghi nhận quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của chàng thanh niên tỉnh lẻ, của vị mặn những giọt mồ hôi, nước mắt…

Ký ức tuổi thơ

Sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh, Tự Long đã trải qua tuổi thơ mà theo anh là “nghèo về vật chất nhưng phong phú tinh thần”. Cha anh - ông Vũ Tự Lẫm là một anh Hai nổi tiếng đất quan họ Bắc Ninh, đã từng đóng vai nam chính bên cạnh NSND Như Quỳnh trong bộ phim “Đến hẹn lại lên”. Và mẹ anh, liền chị Hai Phức - một người mà hễ nhắc tới là người ta nhớ ngay đến cặp đôi liền chị Minh Phức - Lệ Ngải nổi tiếng của những canh hát ở làng Lim.

Vì bố mẹ anh bận đi diễn triền miên, không có thời gian chăm nom anh nên từ lúc mới chín tháng tuổi, Tự Long đã phải sớm xa cha mẹ về ở với bà nội. Hơn 13 năm được bà bao bọc, chăm bẵm, Tự Long ăm ắp tình thương và kỷ niệm với bà. Khi còn bé, Long bảo: “Lớn lên cháu sẽ đóng gạch, lái ô tô nuôi bà”, để rồi khi anh trưởng thành, bà nội cứ lấy câu này mà trêu anh mãi.

Làng Tự Long ở ngay gần quốc lộ 1A nhưng lại rất nghèo vì ngoài việc đồng áng, người dân ở đây không có nghề phụ. Hồi ấy, hiếm lắm mới được bữa ăn có thịt, hầu như hai bà cháu phải ăn cơm độn bo bo, khoai, sắn. Thi thoảng có món bột mì hấp cải thiện thì thật khoái, còn nếu bột mì có thêm tí đường và chiên lên thì ăn không biết chán.

Những đêm mưa to, cậu bé Tự Long lại hồ hởi đi bắt nhái cho vịt ăn giúp bà. Trò chơi tuổi thơ của Tự Long là chiều chiều thả diều trên đê, ven mương; rủ bạn bè chơi đánh khăng, đánh đáo; đi học, mong mau mau hết giờ để nhảy xuống sông tắm...

Một lần, đang chạy vòng quanh đống rơm chơi trò “công an bắt gián điệp”, Tự Long bị bạn quăng mảnh sành trúng ngay mắt, máu chảy đầm đìa. Lũ bạn hoảng quá, đứa nào chạy về nhà đứa nấy. Bà nội xót cháu, dẫn Tự Long đi đến nhà từng đứa để tìm “thủ phạm” hỏi cho ra nhẽ. Tự Long chẳng nhớ ai đã ném mình, còn lũ bạn chối đây đẩy, đứa này đổ lỗi cho đứa kia.

Lần khác, bà bảo Long đi mua hành về tráng trứng. Trên đường về, gặp lũ bạn đá bóng, cậu thích chí nhảy vào làm một chân. Tay cầm hành, chân đá bóng đến tối mịt, đến khi bà ra gọi mới nhớ ra, tẽn tò gãi đầu gãi tai rồi chạy ào về nhà.

Năm 1987, Tự Long lên thị xã Bắc Ninh ở với bố mẹ. Cả quãng thời gian dài sống bằng tem phiếu, ngày ngày thay bố mẹ đi đổi tem phiếu lấy gạo, mắm, dấm, thịt..., Tự Long thường kè kè cục gạch bên người, hoặc là kê làm chỗ ngồi, hoặc là dùng để đánh dấu lượt khi xếp hàng chờ.

Mỗi lần được phân một chiếc xe đạp, cả đoàn văn công của bố mẹ anh lại bốc thăm, mỗi người lấy một bộ phận: người cái săm, cái lốp, cái vành... Có lần, anh bốc thăm hộ mẹ được một chiếc khung xe đạp nữ, nhưng cũng phải đến vài năm sau mới có đủ các bộ phận để lắp nên chiếc xe hoàn chỉnh.

Từ thợ mộc đến lơ xe

Tự Long kể, trước khi trở thành sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh, Tự Long đã tốt nghiệp Trường Trung cấp Xây dựng Bắc Ninh, khoa Mộc dân dụng. Học xong, không có tiền mở xưởng mộc riêng, Tự Long đi làm thuê cho những ông chủ mộc ở Bắc Ninh. Lương ba cọc ba đồng không đủ ăn, huống chi nghĩ đến chuyện gửi tiền giúp bố mẹ nuôi các em? Tự Long quyết định chuyển nghề. Anh làm lơ xe.

Công việc vất vả, ngày nào cũng như ngày nào hò hét từ Bắc Ninh về Hà Nội rồi lại ngược từ Hà Nội về Bắc Ninh. Phơi nắng phơi mưa, tiền vẫn không đủ sống. Có những lúc, Tự Long tranh thủ làm nhiều việc, ở đâu có việc cũng lao đến, từ phu hồ xách vữa cho mấy công trình trên thị xã đến mượn xe thằng bạn chạy xe ôm…

Dành dụm được chút tiền, Tự Long quyết định đi học một lần nữa. Năm 1998, anh thi đỗ Đại học Sân khấu Điện ảnh. Suốt ba năm học, biết bố mẹ khó khăn, anh không dám xin tiền nhà mà dựa vào tiền học bổng, tiền làm thêm mà sống: “Hồi đó mỗi tháng được 180 ngàn đồng là đủ ăn rồi, còn lại việc gì tôi cũng làm, việc gì tôi cũng nhận. Nghe thấy có người gọi là lao đến!”, Tự Long tâm sự.

Nhiều năm liền, sinh viên Hà Nội quen mặt “Long chèo” tại cà phê Vọng quán, cách dẫn tếu và nói rất nhanh, đôi khi khán giả chưa kịp nghe trọn câu đã thấy MC đi mất, để lại dấu ấn đặc biệt. Ngày đó, các sinh viên điện ảnh đi đóng phim rất nhiều, nổi tiếng cũng nhiều. Tự Long thì vô duyên với phim ảnh, lại học chèo “tom chat í a”, ngoại hình không bóng bẩy tài tử, vậy mà vẫn nổi tiếng ở trường điện ảnh.

Vào cổng trường, hỏi Long chèo là ai cũng biết, chỉ vào tận phòng ký túc xá. Quen nhiều người, việc gì cũng giúp nếu có khả năng, Tự Long giống như kẻ nhiệt tình vô hại. Ít ai biết, đã có những khi nằm trên giường tầng ký túc xá, chàng trai gầy nhom ấy thèm một bữa cơm rau.

Nhiều lúc nghĩ lại, Long vẫn ngạc nhiên với chính mình “Tại sao tôi lại có thể sống qua những năm tháng cực khổ đến thế được nhỉ? Thậm chí, lúc ấy tôi còn không thấy mình khổ. Bây giờ ngồi nhớ lại mới thấy toát mồ hôi, sao mình khổ thế?”.

“Phải chống bằng chân chống phụ”

Tự Long không phải là người may mắn trong nghệ thuật. Không có điều gì dễ dàng đến với chàng trai này. Anh trào lộng rằng nhiều người cứ than phải đi lên từ con số 0, với anh, con số 0 mới là số đáng mơ ước. Cứ cho số 0 là đất bằng thì người ta cũng đã có mặt đất để bước tiếp những bậc thang đời mình. Còn Long, anh đi từ số âm, từ cống ngầm rồi mới ngoi được lên mặt đất và bước tiếp. Vì vậy, anh xác định phải sống để thử xem mình sẽ đi được đến đâu trên hành trình dài đằng đẵng và nhiều gian khó này.

Những ngày đầu đi đóng phim, đã có nghệ sĩ đã nói thẳng với anh, nhìn cái mặt Tự Long là không muốn diễn. Họ không thích diễn chung với anh. Anh cũng là diễn viên không có duyên với phim ảnh. Từ bộ phim đầu tiên “Trầu têm cánh phượng” cho đến “Nấc thang mới”..., vai diễn của Tự Long đều không đầy đặn và không được đạo diễn đầu tư cho tốt hơn. Tự Long nói, nếu anh làm lại chắc chắn sẽ tốt hơn. Nhưng những điều đó chưa bao giờ xảy ra nên anh đã không xuất hiện trên phim truyền hình từ lâu.

Đầu 1999, Tự Long về đầu quân cho đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, Nhà hát chèo Quân đội và gắn bó đến tận bây giờ. Còn nghề diễn hài gắn với anh khi tham gia chương trình “Gặp nhau cuối tuần”. Sau 4-5 năm lên sâu khấu “nói vài câu lằng nhằng”, đóng tiểu phẩm thì chỉ vai phụ, rồi đến một ngày đạo diễn nói: “Sân khấu là của anh, anh muốn làm gì thì làm”. Thế là Tự Long trở thành một trong những gương mặt hài ăn khách nhất phía Bắc.

Chạy show mệt nghỉ. Diễn liên tục. Và thoát nghèo! Mua được đất, xây được nhà, mua được chiếc xế hộp để chạy show tỉnh xa cho cơ động. Đã có lúc, một ý định le lói trong anh: “Chèo lôi người ta lại với những giá trị xưa cũ, mà xã hội thì cứ tiến lên, giới trẻ thì cứ chạy cho nhanh, người ta không thể hát chèo khi lên vũ trụ, khi có siêu nhân, khi có người nhện hay khi nhảy hip hop được, nó bị ngược chiều nhau, nên để tìm được tiếng nói chung không phải điều đơn giản. Hay là mình bỏ quách nhà hát chèo đi, ra ngoài diễn hài cho rảnh, để không còn phải bị bó buộc về thời gian”.

Nhưng cái máu chèo trong anh vẫn còn cuồn cuộn chảy. Đi diễn hài thì diễn, cứ 7h30 sáng lại lóp ngóp lên đoàn chèo, để nghe thông báo, để cùng tập, cùng diễn, có khi là lên để học chính trị, hoặc là những sinh hoạt chung của những người lính. Rồi sau đó, buổi chiều là bắt đầu đi tập, đi quay, đi dựng vở và chạy show.

Với anh: “Có thể mang chèo vào hài chứ mang hài vào chèo thì chưa bao giờ”. Lúc ở sân khấu hài, Tự Long vui vẻ, hoạt náo và khuấy đảo bao nhiêu thì trên sân khấu chèo, anh giống như một cốc nước đã lắng mình xuống tới độ trở thành trong vắt, tinh khiết.

Khi thì anh là một ông Chúa Trịnh bị giằng giật giữa một bên là là bà phi yêu và một bên là tình phụ tử với Quận chúa Ngọc Lan trong “Chuyện người xưa”. Khi thì anh mê muội, biến chất với Đại tá Hoàng Trọng Vinh - kẻ bị Bác Hồ đề nghị xử án tử hình trong “Đêm trắng”. Có lúc anh lại hóa thân thành Kiều Công Tiễn - một đại gian thần cõng rắn cắn gà nhà, cầu viện quân Thanh, giết chúa phản quốc trong vở “Hùng ca Bạch Đằng giang”... Qua mỗi vai diễn, Tự Long cứ chín dần lên.

Anh là một diễn viên đeo quân hàm. Nhưng báo chí ít nhắc, khán giả chỉ nhớ mang máng, hình như anh là một diễn viên chèo. Cũng có lẽ bởi những tiểu phẩm trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm”, “Thư giãn cuối tuần”... khiến người ta nhớ đến anh nhiều hơn.

“Ông Tào Mạt có một câu rất hay là đã làm quan thì đừng làm hề mà đã làm hề thì đừng làm quan. Bởi vì làm như vậy thì quan dở mà hề nhạt thì không ai người ta xem cả. Tôi vẫn thường nói vui với mọi người, nghề diễn chèo đối với tôi là chân chính, lúc nào tôi cũng thích làm một nghệ sĩ chân chính. Nhưng cuộc sống có bao giờ người ta chống bằng cái chân chống chính mấy đâu. Người ta phải chống bằng chân chống phụ. Nói gì thì nói mình vẫn thích làm một nghệ sĩ chân chính nhưng nếu không có chân chống phụ thì chưa chắc người ta đã biết đến mình là nghệ sĩ chân chính”, Tự Long dí dỏm tâm sự.