Sfora School là đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á. Trung tâm có chức năng nghiên cứu, ứng dụng đào tạo trẻ em tự kỷ ở các độ tuổi. Đây là ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam có đội ngũ thầy cô giáo có chuyên môn cao, áp dụng vận động và âm nhạc để điều trị cho trẻ em tự kỷ.
Từ những ngày đầu thành lập Sfora cơ sở I, ngôi trường đặc biệt này đã thu hút được nhiều gia đình phụ huynh có con em mắc hội chứng tự kỷ đến đăng ký theo học. Tại đây, ngoài việc được tiếp cận với các bộ môn như Văn hóa cơ bản, kỹ năng sống, các em còn được tham gia các môn năng khiếu nghệ thuật như Piano, Organ, Guitar, Violin, Thanh nhạc, Mỹ thuật và các môn thể dục thể thao như Điền kinh, Bóng đá, Bơi…
Sau đó, tùy vào tuổi, năng lực của mỗi học sinh, nhà trường sẽ đưa ra định hướng kỹ năng, nghề nghiệp sau này với hi vọng các em sẽ có thể tự chủ được phần nào cuộc sống khi đến tuổi trưởng thành.
Hiện tại, ngoài các hoạt động học tập tại trường, học sinh của Sfora còn được tham gia vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tiêu biểu là các buổi biểu diễn âm nhạc có tên gọi “đêm nhạc đường phố gây quỹ từ thiện” cùng với các Nghệ sĩ như Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu, cello Hà Miên, violon Lan Hương, saxophone Đức Mạnh, diễn viên Thúy Hà làm MC, diễn viên Hoàng Xuân nhảy múa hát ca cùng các em tự kỷ…
Nhờ những đêm nhạc kết nối như thế này, học sinh có thêm cơ hội hòa nhập cùng bạn bè và cuộc sống xung quanh mình. Để rồi từ đó, những sự xa cách, cô lập giữa cộng đồng đối với trẻ tự kỷ cũng dần dần được khỏa lấp, thay vào đó là tiếng cười, niềm vui và sự đồng cảm, sẻ chia.
|
Nghệ sĩ Viola Nguyệt Thu |
Sống ở nước ngoài hơn 26 năm, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng có lẽ bước ngoặt đau đớn, nhiều nước mắt nhất với nghệ sĩ Viola Nguyệt Thu là quãng thời gian chị sinh được cậu con trai và sau đó phát hiện con mình mang hội chứng tự kỷ.
Kể từ đó, thông qua âm nhạc trị liệu, sống trong ngôi trường Sfora mà mọi người vẫn yêu mến gọi là “mái nhà thứ hai dành cho trẻ tự kỷ”, chị tìm lại được bình minh của đời mình, con trai mình và mang ánh bình minh ấy tới với những trẻ cùng cảnh ngộ khác.
"Nhiều người luôn thấy tự kỷ là khiếm khuyết mà không thấy trẻ tự kỷ có nhiều tiềm năng. Chúng thường có các giác quan nhạy cảm, có nhận thức sâu sắc hơn bình thường và có những năng khiếu rất đặc biệt về nghệ thuật... Bằng âm nhạc, tôi muốn khơi dậy những tiềm năng ấy để các em có cơ hội trở thành chính mình", chị Nguyệt Thu chia sẻ.
Ngày nay, hội chứng tự kỷ đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng mỗi năm một cao. Theo thống kê mới nhất thì Việt Nam hiện có khoảng 200.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Trong khi nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này còn chưa có kết luận chính xác thì việc gia tăng trẻ mắc bệnh đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Hy vọng với những thành công bước đầu mà trường Sfora đã đạt được, cùng với những dự án đào tạo mới, hệ thống Sfora sẽ ngày càng lớn mạnh, phát triển và mở rộng hơn nữa để nhiều gia đình, nhiều trẻ em tự kỷ được hòa mình vào “ngôi nhà thứ hai” này.
|
Tranh do học sinh mắc hội chứng tự kỷ vẽ. |