Nghe Trương Quý Hải gọi “Về đây đồng đội ơi“

(PLO) - Phút khắc khoải của "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" ghi dấu ấn cái tên Trương Quý Hải, nhưng hình ảnh ôm đàn hát tại Vị Xuyên (Hà Giang) gọi "Về đây đồng đội ơi" mới khiến người ta nhói lòng...
Trương Quý Hải (thứ 2 từ phải sang) trên mảnh đất Vị Xuyên (Hà Giang) gọi "Về đây đồng đội ơi".
Trương Quý Hải (thứ 2 từ phải sang) trên mảnh đất Vị Xuyên (Hà Giang) gọi "Về đây đồng đội ơi".

Đỗ đại học nhưng tình nguyện nhập ngũ, liều mình bơi vượt sông dữ để mua một cuốn sách nhạc, ấp ủ 12 năm để ra một tác phẩm trường ca về tổ quốc… đã phần nào khắc họa lên chân dung nhạc sỹ Trương Quý Hải. Anh được nhiều người biết qua các ca khúc nổi tiếng như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Khoảnh khắc, Tự khúc ngày sinh...

Bỗng dưng… nổi tiếng

Nhạc sỹ Trương Quý Hải sinh năm 1963 tại Hà Nội. Trong sự nghiệp 33 năm sáng tác của anh thì hơn 10 năm gần đây anh làm tại FPT nhưng số lượng tác phẩm của anh bằng tất cả thời gian trước đó cộng lại. Hỏi về những ngẫu nhiên và sự tình cờ trong những sáng của mình, anh cười hiền chia sẻ: “Mình yêu quý một tác giả Nga Pauxtopxki (“Bông hồng vàng”, “Bình minh mưa”- PV…) và luôn thấy những vẻ đẹp lấp lánh ở đó. Thế nên, mình luôn viết trong trạng thái hoàn toàn… tỉnh táo. 
Chẳng hạn “Khoảnh khắc” mình viết ở trại sáng tác Quảng Ninh, năm đó có nhạc sỹ Nguyễn Cường với “Mái đình làng biển”. Còn “Hà Nội vắng những cơn mưa” mình viết trong cảm xúc bất chợt tại TP. Hồ Chí Minh trong một chuyến công tác, những nốt nhạc ùa đến khi nghe tứ thơ của Bùi Anh Tuấn. Lúc đó mình đã cao hứng tuyên bố “sẽ lập tức phổ nhạc bài thơ này” khiến những người ngồi cùng ngỡ ngàng, tưởng mình nói... khoác. Nhưng sau một đêm thì ca khúc hoàn thiện…Bài hát ra đời giản dị như thế và nó có đời sống độc lập với hai tác giả bởi chính công chúng đã đón nhận và nuôi dưỡng nó”. 
Và cũng thật lạ lùng, ngay từ ca khúc đầu tay đánh dấu bước ngoặt sáng tác của anh là vào năm lớp 10 trước ngày chia tay mái trường cấp ba Kim Liên, anh cũng không ngờ ca khúc đó đã tự tìm đường đi cho mình, đó là ca khúc “Nhớ mãi mùa thi” đã đi vào rất nhiều anlbum của tuổi học trò.
Trương Quý Hải với "Trường ca người Việt Nam".
 Trương Quý Hải với "Trường ca người Việt Nam".
Và tiếp nối dòng ký ức của mình, anh nhớ về tuổi 18, 20 thi đỗ vào ĐH Mỏ Địa chất nhưng anh bảo lưu kết quả lại vì một lý do đơn giản: Năm đó trường không còn ở Thái Nguyên nữa mà chuyển về Hà Nội, gần nhà quá không thoát ly được, thế là vào bộ đội. Lên biên giới Vị Xuyên- Hà Giang, anh không ngờ đó là những năm tháng bi tráng đã trở thành nỗi khắc khoải khôn nguôi với những  cao điểm 468, 1509, 772, 685, đồi Cô Ích, Bốn Hầm... 
Nhạc sĩ kể lại, anh là người trực tiếp khâm liệm cho cả trăm liệt sĩ trong những ngày tháng khốc liệt đó, hình ảnh những người lính còn trẻ măng với những nụ cười hồn nhiên, hàng ngày vẫn vui đùa với trẻ nhỏ, bỗng chốc ngã xuống vì bom đạn địch không thể nào phai trong tâm trí anh.
Trong số đồng đội hy sinh gần hết đầy bất ngờ ấy, không ai kịp để lại một dòng tên tuổi trong ngực áo, chỉ có duy nhất trong túi một đồng đội có một vỏ bao Sa Pa, bên trong có dòng chữ ghi bằng bút mực Cửu Long, nét mực đã nhòe máu: “ Mẹ kính yêu”…
Anh hiểu lúc đó, những người lính trẻ chưa kịp có người yêu, chưa từng nắm tay người con gái, trước mong manh sự sống và cái chết, chỉ còn lại hình ảnh cha mẹ thân yêu là gần hơn bao giờ hết. Và ở cái đêm lang thang bên mộ những đồng đội của mình, và từ dòng chữ nhòe máu đầy thiêng liêng ấy, anh đã viết tiếp dòng thư chưa kịp viết của người lính đã ngã xuống, đó là ca khúc “Thư gửi mẹ”. Ca khúc này sau đó được hát nhiều cho thương binh nghe…

Rồi cũng trong những năm tháng đó, anh đã gặp những nghĩa cử đầy cao đẹp khi hai đồng đội gửi gắm cho nhau: Nếu một trong hai đứa còn sống thì hãy về lo cho vợ con, gia đình bạn. Thế rồi, người bạn có vợ hi sinh, người đồng đội đó đã khéo léo tìm đến vợ bạn mình và làm trọn lời hứa với người liệt sỹ đã ngã xuống…

Những giọt nước mắt mặn mòi

Sau hơn 30 năm kết thân với âm nhạc, hiện tại anh đã cho ra mắt một CD riêng với 13 ca khúc đặc sắc nhất do anh lựa chọn. Cũng vì là album đầu tiên nên Trương Quý Hải tự nhận mình hơi… tham, có bài hát về gia đình, đồng đội, về bạn bè, tình yêu và cả những sáng tác viết về Tổ quốc. Tên gọi “Bình yên đất trời” mà anh chọn đặt cho album là một tứ trong câu hát của bài “Hành trình lời ru” mà anh viết với đầy đủ cung bậc thương nhớ của một người con nơi viễn xứ với những ước nguyện thiêng liêng về mái ấm gia đình và quê hương đất nước.

Trương Quý Hải thổ lộ anh cảm nhận được thứ tình cảm rất đặc biệt khi gặp những người Việt Nam đang sinh sống xa quê hương. Có lẽ bởi vậy mà anh đã hoàn thành bài hát này ngay trong chuyến lưu diễn phục vụ cộng đồng người Việt tại Bắc Âu trong dịp Tết nhiều năm trước. Mỗi ca khúc được Trương Quý Hải đưa vào trong album đều gắn với một câu chuyện riêng với những cảm xúc rất thật. Như bài hát “Lời ru đêm hè” là anh viết tặng mẹ như một lời chuộc lỗi vì mình mà gia đình đã phải rời khỏi căn nhà trong ngôi biệt thự cổ gắn nhiều kỷ niệm.
Cựu chiến binh - nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội sư đoàn 356 xúc động khi hát vang bài hát Về đây đồng đội ơi tại cao điểm 468
Cựu chiến binh - nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội sư đoàn 356 xúc động khi hát vang bài hát Về đây đồng đội ơi tại cao điểm 468 
Có một tác phẩm cực kỳ đặc biệt trong album đầu tay của  Trương Quý Hải. Đó là bản trường ca dài 5 chương có tên gọi “Trường ca người Việt Nam”. Chương 1 của bản trường ca này được anh viết xong trong khoảng 1 tháng, nhưng phải mất tới gần 12 năm anh mới bắt tay vào viết các chương còn lại. Anh tâm sự, khi viết trường ca anh mới thấy không đơn giản, mà điều quan trọng là anh thiếu đủ thứ, từ vốn sống, tư liệu, cảm xúc đến đề tài. Đó là lý do anh quyết định tạm dừng sau khi viết xong chương 1 để kiếm tìm chắt lọc. 
Kết quả từ những chuyến đi là bản trường ca với âm hưởng giai điệu trải dài từ Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ đến đại ngàn Tây Nguyên và biển đảo. Nghĩ lại, Trương Quý Hải bảo đó là một cuộc hành trình khó khăn nhưng anh đã làm được.
Và đặt bút viết chương nào, anh cũng khóc khi nghĩ đến hình ảnh những đoàn cảm tử quân năm xưa hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, đến hình ảnh của hùng binh Hoàng Sa lên đường và chuẩn bị cho sự hy sinh một cách rất đàng hoàng và đầy khí phách, đến hình ảnh vòng tay đoàn viên của người Việt khắp nơi trên thế giới, đến cuộc hành trình tới đích khải hoàn của toàn dân tộc, đến lời khẩn cầu đất trời chở che cho người dân nước Việt qua bao sóng gió thăng trầm…
Những sáng tác của nhạc sỹ Trương Quý Hải :
Về đây đồng đội ơi

Khoảnh khắc

Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa