Nghẹn lòng nghe y, bác sĩ chia sẻ việc chống COVID - 19 ở ổ dịch Mão Điền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đằng sau nhịp sống bình lặng, chậm lại của người dân trước “cơn bão” COVID-19 là cuộc chạy đua hối hả, “thần tốc” của ngành y tế và lực lượng chống dịch tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 5/5, Mão Điền ghi nhận ca dương tính đầu tiên. Chỉ sau một ngày, địa phương này đã ghi nhận thêm gần chục ca mới. Chỉ thị xét nghiệm toàn dân của xã được ban hành ngay trong đêm 7/5.

Mão Điền có 14.000 dân với 8 thôn, nên việc phải truy vết nhanh, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm là áp lực rất lớn. Tối đó, 100 nhân viên y tế từ các bệnh viện công và tư trong tỉnh được huy động về đây hỗ trợ. Từng đoàn người bước xuống xe trong bộ đồ bảo hộ trắng xóa. Đến nay, Mão Điền đã có hơn 100 ca COVID - 19.

Hơn 10 ngày nay, nhịp sống của người dân nơi đây khá tĩnh lặng, nhà nhà đóng cửa, người người trong nhà, không tiếp xúc, không giao thương chỉ duy nhất có tiếng loa phát thanh là đều đặn kêu vang về tình hình dịch bệnh COVID 19 mỗi ngày...

Trái lại với hình ảnh tĩnh lặng của người dân, các ban ngành chức năng của tỉnh Bắc Ninh và của huyện Thuận Thành lại bước vào cuộc chạy đua tốc độ “chống dịch như chống giặc”. Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, ráo riết, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm... Hiện nay, tất cả các xã, thị trấn của huyện Thuận Thành đã thành lập cơ sở cách ly tập trung; 100% xã, thôn triển khai các chốt kiểm soát phòng chống dịch.

Dịch bệnh bùng phát, những cuộc họp, cuộc kiểm tra về công tác phòng, chống dịch nhiều lên, dày hơn. Cùng với đó, những tâm sự của các cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm làm nhiệm vụ chống dịch khiến ai cũng nghẹn lại.

Người dân Mão Điền lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm.
 Người dân Mão Điền lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm.

Là nhân viên của Trung tâm y tế huyện Thuận Thành chi viện cho ổ dịch Mão Điền, y sĩ Lê Thị Nhung cho biết chưa bao giờ trải qua những ngày căng thẳng và kiệt sức vừa qua.

Theo lời của Nhung, nhận nhiệm vụ theo chỉ thị xét nghiệm toàn dân vào tối 7/5, chị nhanh chóng lao vào tâm dịch để lấy mẫu xét nghiệm. Rạng sáng hôm sau chị lại tức tốc "phi" sang xã bên cạnh lấy gấp cho 24 trường hợp F1 rồi quay trở lại lấy mẫu cho những người dân ở Mão Điền.

“Người tôi mệt lả đi, nhớ là lúc chợp mắt đã là gần 5h sáng và tóc vẫn còn ướt nhẹp, không kịp sấy khô”, chị hồi tưởng.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả, nhận định số ca dương tính tăng lên chóng mặt chị đã liên hệ lại với người nhà rằng chị phải bám trụ địa bàn, tham gia vào đội truy vết, lập danh sách báo lên cấp trên theo giờ.

Nhiều bác sỹ mệt lả, tranh thủ nằm ngả lưng trên chiếc ghế.
 Nhiều bác sỹ mệt lả, tranh thủ nằm ngả lưng trên chiếc ghế.

Đến ngày 9/5, chị nhận nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân tới các khu cách ly. Làm việc liên tục trong nhiều giờ, phải mặc áo bảo hộ kín mít dưới cái nóng trên 35 độ C, chị Nhung kiệt sức và ngất lim đi sau chuyến đi thứ 6. 

Sau đó, chị được đồng nghiệp dìu vào phòng, cởi vội bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang, chị nôn thốc tháo. Nằm được một lúc, nữ y sĩ tỉnh dần, được mọi người cho uống một cốc nước bù điện giải. Mồ hôi chưa ráo, chị lại tiếp tục công việc.

Hôm đó, chị Nhung không phải là người duy nhất kiệt sức đến ngất xỉu. Một y tá cũng đổ gục giống chị. Ngày hôm sau, hai nhân viên y tế khác ở đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Những cán bộ này gồm: chị Lê Thị Huệ, Lê Thị Trâm, Đỗ Thị Thu Thủy. Họ là các y tá, bác sĩ tự nguyện về vùng dịch tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các xã Ninh Xá, Xuân Lâm, Mão Điền (huyện Thuận Thành).

Tranh thủ trong lúc trả lời phỏng vấn với phóng viên, các "nữ chiến binh áo trắng" nằm nhoài ra bàn vì mệt mỏi và không dám cởi bỏ khẩu trang để chụp ảnh, cơ thể ai cũng bị ngứa ngáy, đầy mụn nhọt. Đã 10 ngày nay, các chị không về nhà, khi tranh thủ vài phút đồng hồ liên lạc về cho gia đình thì chỉ biết căn dặn mọi người hãy đeo khẩu trang và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của các cấp ban ngành, đợi khi nào dịch bệnh được “khống chế” thì sẽ đoàn tụ gia đình.

Những phút nghỉ ngơi quý báu của các y, bác sĩ.
Những phút nghỉ ngơi quý báu của các y, bác sĩ. 

BS CKI Vương Thị Tuyến, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Từ hôm Bắc Ninh bùng phát dịch Covid-19 đến nay, chúng tôi làm việc cả ngày và đêm, quên cả hôm nay là thứ mấy”. Vừa nói, chị vừa lấy điện thoại nhắn vội dòng tin dặn 2 con ở nhà nhớ ăn uống đầy đủ, tự biết cách chăm sóc nhau khi bố mẹ vắng nhà. 

Chồng chị Tuyến làm việc ở ban An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh nên đợt này cũng được tăng cường vào lực lượng phòng chống dịch bệnh của địa phương.

“Có những ca trực 8 tiếng, chúng tôi thực hiện xét nghiệm 3.000 mẫu gộp, mục tiêu đạt 10.000 mẫu gộp 1 ngày, còn 1.000 mẫu đơn cho các trường hợp F1. Cơ quan bố trí khu vực ăn, ngủ tại cơ quan để các ca trực bảo đảm tiến độ và chất lượng hoạt động chuyên môn”, chị Tuyến cho biết thêm.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh luôn hoạt động hết công suất.
 Trung tâm kiểm soát dịch bệnh luôn hoạt động hết công suất.

Khu vực tầng 3 của trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh - nơi đặt phòng xét nghiệm Covid-19, hoạt động hết công suất 24/24h. Cán bộ xét nghiệm của Trung tâm chạy đua cùng thời gian, tận dụng từng phút để thực hiện xét nghiệm. 

Chưa đến 1 tuần, 3 hệ thống xét nghiệm PCR Realtime tại đây đã xét nghiệm hơn 41.000 mẫu; 30 y, bác sĩ được huy động phục vụ công tác xét nghiệm cũng ở lại cơ quan trong suốt thời gian qua. Bình quân mỗi ngày, có khoảng gần 7.000 mẫu xét nghiệm được thực hiện. Để thực hiện nhanh nhất, chuẩn xác nhất, 21 cán bộ xét nghiệm được chia làm 3 ca, duy trì hoạt động xét nghiệm suốt 24/24h.

Bên trong phòng xét nghiệm.
 Bên trong phòng xét nghiệm.

Bác sĩ Ngô Thị Xuân, Giám đốc CDC tỉnh Bắc Ninh cho hay, mình và chồng đều làm trong ngành y tế. Từ đầu đợt dịch thứ 4, hai vợ chồng chị ngày nào cũng làm việc từ sáng đến đêm sau đó ở lại nơi làm việc, tránh tiếp xúc với người thân. Nhiều cán bộ trẻ lấy mẫu liên tục nhiều giờ đến đau cả tay, cổ họng khô khốc. Giờ nghỉ, ai nấy nhai trệu trạo từng hạt cơm, nước mắt và mồ hôi cứ tứa ra nhưng vẫn phải cố gắng để có sức khoẻ làm việc tiếp.

Bác sĩ Xuân kể về đợt cao điểm thực hiện công tác lấy mẫu, truy vết xuyên đêm ở ổ dịch Mão Điền, huyện Thuận Thành: “Trong một đêm, lực lượng y tế đã lấy gần 11 nghìn mẫu để xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Các cán bộ y tế suốt nhiều ngày căng mình đi lấy mẫu cho mấy nghìn người, mặc bộ đồ bảo hộ 2 lớp kính, hơi thở và mồ hôi mờ cay cả mắt. Cả ngày, họ chỉ có nửa tiếng buổi trưa để ăn, thậm chí nước cũng không dám uống vì không thể đi vệ sinh. Trong hoàn cảnh như vậy, các y bác sĩ chỉ biết nắm tay, động viên nhau cố gắng “Bao giờ hết dịch, nhân dân bình yên chúng ta lại được trở về với gia đình”.

Áp lực không chỉ đến từ công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác cho từng mẫu xét nghiệm mà còn đến từ việc mặc những bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liên tục, làm việc trong điều kiện nóng bức ngột ngạt của ngày hè. Vậy mà những cán bộ y tế cùng lực lượng chống dịch chẳng ai kêu ca, phàn nàn. Họ vẫn gồng mình, chạy đua từng phút, tranh thủ từng giây để lấy mẫu xét nghiệm…

Các y bác sỹ nắm tay nhau quyết tâm chống dịch
Các y bác sỹ nắm tay nhau quyết tâm chống dịch 

“Công việc của chúng tôi là vậy, luôn trong tâm thế làm việc 24/24 để truy vết, cách ly, khoanh vùng, khống chế dịch. Các y bác sĩ luôn phải đi trước một bước, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch có thể xảy ra”, BS Xuân bộc bạch.

CDC Bắc Ninh có 167 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn 2/3 là nữ nên mọi người còn hỗ trợ nhau việc bếp núc để tranh thủ ăn uống trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thuỳ Dương, chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Các cán bộ y tế tỉnh có tới 70% là nữ, nhiều người con vẫn còn nhỏ. Làm việc với cường độ cao, sự hy sinh, vất vả không thể kể hết nên rất nhiều người đã ngất tại chỗ vì kiệt sức. Chỉ mong mọi người có sức khỏe tốt để chống dịch hiệu quả, người dân sẽ không quên những hình ảnh đẹp, cao thượng của các chị”.