Điệp viên nguy hiểm?
Ngày 15/7 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã bắt giữ bà Mariia Butina (đôi khi được gọi là Maria), 29 tuổi, người Nga, vì bị cáo buộc âm mưu hoạt động gián điệp cho Nga “bằng cách phát triển quan hệ với các cá nhân của Mỹ và thâm nhập vào các tổ chức có ảnh hưởng trong nền chính trị Mỹ”. Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định bà Butina đã vi phạm luật pháp Mỹ khi không khai báo về việc đang hoạt động cho chính phủ Nga.
Bà Butina, đến từ Siberia, sang Mỹ du học vào năm 2016. Tờ Washington Post đưa tin rằng bà này từng là trợ lý cho cựu thượng nghị sĩ Nga Alexander Torshin. Đến ngày 18/7 vừa qua, Butina đã phải ra hầu tòa và thẩm phán tại phiên tòa đã quyết định ra lệnh tạm giam không cho bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử để tránh nguy cơ nghi can tẩu thoát.
Cáo trạng nhằm vào Butina cho rằng người phụ nữ này đã dùng cả tình dục và lừa gạt để xây dựng các mối liên hệ có ảnh hưởng trong chính giới Mỹ. Theo đó, ngay sau khi tới Mỹ theo visa sinh viên vào tháng 8/2016, Butina đã yêu đương và tới sống với bạn trai là ông Paul Erickson (56 tuổi, hơn gấp đôi tuổi của bà ta). Ông Erickson khi đó đang là cố vấn của đảng Cộng hòa, được miêu tả là một bậc thầy trong thế giới chính trị, nắm trong tay hầu hết những thông tin độc quyền về các vấn đề liên quan.
Các công tố viên Mỹ cho rằng Butina không nghiêm túc với mối quan hệ này mà chỉ lợi dụng nó để mở rộng quan hệ và thâm nhập vào các tổ chức chính trị Mỹ. Điều này thể hiện ở việc bà ta có thái độ khinh khỉnh khi tiếp tục sống chung với bạn trai. Bytina còn bị cáo buộc đã quan hệ tình dục với một người khác để đổi lấy công việc tại một cơ quan của Mỹ.
Vẫn theo các công tố viên Mỹ, sau khi xây dựng được quan hệ mật thiết với tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA), “điệp viên chìm của Nga” đã tìm cách thông qua NRA để tiếp cận các nghị sĩ đảng Cộng hòa, phục vụ thực hiện nhiệm vụ xâm nhập vào các cơ quan ra quyết định cấp quốc gia của Mỹ để thúc đẩy chương trình nghị sự của Liên bang Nga.
Theo New York Times, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, bà Butina đã hai lần tìm cách dàn xếp các cuộc gặp bí mật giữa ông Trump và ông Putin nhưng không thành công.
Theo các công tố viên Mỹ, Butina hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông Alexander Torshin – hiện đang là Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Nga. Ông Torshin là một trong số những người ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và hiện đang có tên trong danh sách một số quan chức cấp cao của Nga bị Mỹ trừng phạt. Ngoài ra, FBI cũng đã ghi lại được hình ảnh Butina đi ăn riêng với một nhà ngoại giao bị nghi là nhân viên tình báo của Nga. Bà ta cũng bị tố đã liên lạc với những người mà lực lượng phản gián Mỹ tin là nhân viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, tức FSB.
Tại phiên tòa diễn ra ngày 18/7, các công tố viên cho biết họ đã phát hiện tại nhà Butina những mảnh giấy đề cập đến lời đề nghị làm việc từ FSB. Các đoạn tin nhắn mà FBI phát hiện cũng cho thấy vị quan chức Nga trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Butina cũng từng so sánh cô này với Anna Chapman – một nữ điệp viên khét tiếng của Nga, nổi tiếng vì thủ đoạn dùng tình để hoạt động gián điệp.
Sau khi bị phát hiện vào năm 2010, Chapman và 9 người Nga đã được Mỹ trao đổi với Nga. Đây chính là vụ trao đổi điệp viên lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ. “Người hâm mộ của cô có xin chữ ký của cô chưa? Cô đã vượt qua Anna Chapman”, hồ sơ tòa án dẫn tin nhắn được cho là đã được “chỉ huy” gửi cho Butina vào tháng 3/2017, sau các bản tin về bà này được đăng tải trên báo chí Mỹ.
Chính trị gia Nga Alexander Torshin, Thống đốc bang Wisconsin của Mỹ Scott Walker và bà Butina. |
Vụ bắt giữ bà Butina diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Mỹ cũng đã truy tố 12 quan chức tình báo thuộc Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU) về cáo buộc tấn công mạng nhằm vào chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton và đảng Dân chủ. Các cáo buộc chống lại những người này được Công tố viên đặc biệt Robert Mueller – cựu Giám đốc FBI, người đang chịu trách nhiệm tiến hành điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như khả năng có thành viên trong nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông đồng với Nga – đưa ra.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên ông Mueller chỉ đích danh các quan chức Nga can thiệp vào cuộc bầu cử dù cả ông Trump lẫn phía Nga đến nay vẫn bác bỏ bất cứ thông tin về khả năng có sự thông đồng.
Nghi can bác bỏ mọi cáo buộc
Tuy nhiên, luật sư của bà Butina là Robert N. Driscoll đã một mực bác bỏ cáo buộc thân chủ của ông là một điệp viên cho Nga, cho rằng những cáo buộc chống lại bà này đã bị “thổi phồng”. Trong tuyên bố được đưa ra tuần qua, ông Driscoll miêu tả thân chủ của mình là một sinh viên thông minh, mới tốt nghiệp thạc sỹ ngành quan hệ quốc tế tại Đại học American University ở Washington DC với số điểm trung bình là 4,0.
“Không hề có chứng cứ nào cho thấy bà Butina đang tìm cách gây ảnh hưởng hay làm suy yếu bất cứ chính sách hay luật cụ thể nào của Mỹ mà chỉ thấy bà ấy đã làm mọi việc để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 nước”, luật sư Driscoll tuyên bố.
Vị luật sư cũng đã lên tiếng phản đối cách thức giới chức Mỹ giải quyết vụ việc của thân chủ của ông, bao gồm việc mà ông này tố là lực lượng chức năng của Mỹ đã tiến hành bắt giữ bà Butina mà không hề thông báo trước cho luật sư.
Theo ông Driscoll, hồi tháng 4 vừa qua, hơn 10 điệp viên của FBI cũng đã tiến hành khám nhà của bà Butina tại Washington. Luật sư này khẳng định bà Butina đã hợp tác với giới chức Mỹ trong nhiều tháng và đã tự nguyện ra điều trần tại Ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ trong 8 tiếng đồng hồ.
Luật sư Driscoll cũng cho rằng, dù xảy ra trùng thời điểm Mỹ đang tiến hành điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 nhưng vụ việc của Butina không nên bị đánh đồng với các diễn biến trong quan hệ Nga - Mỹ gần đây. Luật sư này cũng bày tỏ bức xúc trước việc ông đã đề nghị phía Mỹ cho phép thân chủ của mình được mặc quần áo thông thường khi ra hầu tòa nhưng cuối cùng bà Butina vẫn đã phải ra hầu tòa trong bộ quần áo tù nhân màu cam.
Vụ bắt giữ công dân Nga trên đất Mỹ đã khiến cho tình hình chính trị tại Mỹ thêm phần rối ren vì nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Thông tin về vụ bắt giữ này được công bố khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trên đường từ Helsinki, Phần Lan về Washington, Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Trump đã khiến nhiều người Mỹ tức giận khi bác bỏ kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử - tuyên bố mà sau đó chính ông Trump lại bác bỏ sau khi đã về Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19/7 cáo buộc vụ bắt giữ công dân của nước này đã được lên kế hoạch nhằm làm suy yếu kết quả tích cực của cuộc hội nghị giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Phần Lan Helsinki.
Về phía bà Butina, bà này đã bác bỏ mọi cáo buộc chống lại mình, bao gồm 2 tội danh hình sự là âm mưu hoạt làm điệp viên cho nước ngoài mà không đăng ký và hoạt động gián điệp. Cáo buộc đầu tiên có mức hình phạt tối đa là 5 năm tù giam còn cáo buộc thứ 2 có thể đưa đến mức án 10 năm tù giam.
Theo The Washington Post, nhân vật trung tâm trong tranh cãi nói trên từng thành lập nhóm Quyền được mang vũ khí tại Moscow để thúc đẩy quyền sử dụng súng. Nữ sinh này từng tuyên bố bà tham gia các hoạt động chính trị tại Mỹ chỉ đơn giản là vì đam mê vũ khí. Năm 2017, bà ta khẳng định với tờ The Washington Post rằng không một quan chức chính phủ nào của Nga tiếp cận bà ta để yêu cầu thiết lập quan hệ với bất cứ người Mỹ nào.