Công cụ quan trọng cho an ninh quốc gia
Thượng viện Australia đêm 28/6 – ít giờ trước kỳ nghỉ đông - đã thông qua 2 dự thảo luật được xem là gói cải cách lớn nhất đối với các quy định về an ninh và can thiệp nước ngoài của nước này. Trong đó, luật Gián điệp và ảnh hưởng nước ngoài và gián điệp xác lập những tội danh về gián điệp mới; cập nhật các tội danh về phá hoại; hình sự hóa hành vi của các cá nhân, tổ chức thay mặt chính phủ nước ngoài đánh cắp bí mật thương mại của Australia đồng thời đưa ra những mức phạt nặng hơn với các gián điệp.
Tương tự như các quy định hiện hành ở Mỹ, luật Minh bạch ảnh hưởng nước ngoài vừa được Australia thông qua yêu cầu những người vận động cho các nước phải đăng ký hoạt động ở Australia, buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi can thiệp vào các công việc nội bộ của Australia. Việc tiết lộ các thông tin tình báo hay các thông tin mật cho nước ngoài cũng sẽ bị phạt nặng.
Trước đó, trong phát biểu hồi đầu tháng, Tổng chưởng lý Australia Christian Porter khẳng định các luật nói trên cần phải được thông qua khẩn cấp trước cuộc bầu cử phụ ngày 28/7.
Dẫn thông tin từ Tổng giám đốc cơ quan an ninh tình báo Australia (ASIO), ông Porter cho hay, các nỗ lực của các Chính phủ và cơ quan nước ngoài nhằm thay đổi quan điểm của cử tri Australia nhằm bí mật gây ảnh hưởng tới nền dân chủ ở Australia đang gia tăng.
“Chúng tôi đã nhiều lần nhận được cảnh báo từ lãnh đạo các cơ quan an ninh quốc gia rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ mà hoạt động tình báo nước ngoài chống lại Australia đã ở mức chưa từng có tiền lệ với ngày càng nhiều điệp viên, từ nhiều cường quốc, sử dụng nhiều công cụ để do thám và can thiệp nước ngoài vào Australia.
Mức độ của các hoạt động này đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngay cả tình hình hiện nay nếu so sánh với thời điểm các dự luật được trình lên để xem xét cũng đã khác, đã trở nên cấp bách hơn. Do đó, cần phải thông qua những luật trên trước sự kiện lớn tiếp theo”, ông Porter nói.
Ông Porter cho rằng việc can thiệp của nước ngoài vào bầu cử của Australia có thể thực hiện dưới một số hình thức. “Ví dụ, họ có thể tấn công trang web của ủy ban bầu cử để thay đổi thông tin cử tri. Hoặc những người hoạt động vì lợi ích của một nước ngoài có thể tới gặp một dân biểu nào đó để thuyết phục họ thay đổi quan điểm, suy nghĩ và quyết định”, ông Porter nói.
Trong bối cảnh như vậy, 2 luật vừa được Thượng viện Australia thông qua là những luật mới mạnh mẽ chống lại những đối tượng tìm cách làm suy yếu an ninh quốc gia, các thể chế và tiến trình dân chủ của nước này.
“Các luật này là công cụ quan trọng để các cơ quan an ninh quốc gia của Australia chống lại mối đe dọa đang ngày càng gia tăng và thay đổi chưa từng thấy mà không chỉ Australia mà cả các nước khác cũng đang phải đối mặt”, ông Porter tuyên bố.
Gói các luật trên được giới chức Australia công bố hồi tháng 12 năm ngoái. So với đề xuất ban đầu đã có gồm 60 sửa đổi do một ủy ban thuộc cơ quan lập pháp Australia đề xuất, chủ yếu là các đề xuất nhằm bảo vệ hoạt động của các tổ chức từ thiện và tôn giáo, được tiếp thu. Trước khi được Thượng viện Australia thông qua, các dự luật này cũng đã được Hạ viện nước này thông qua.
Đây là lần đầu tiên Australia chính thức hình sự hóa hành vi can thiệp chính trị của nước ngoài, cũng là nước phát triển đầu tiên trên thế giới có luật như vậy. “Tất cả là vì an ninh quốc gia và chủ quyền. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chỉ những người Australia mới có thể gây ảnh hưởng và đưa ra những quyết định về nền dân chủ của chúng ta”, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu sau khi các luật được thông qua.
Mối lo ngại Trung Quốc
Việc Australia thông qua luật can thiệp nước ngoài được dự báo sẽ khiến căng thẳng giữa nước này và đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc càng trở nên gay gắt hơn. Căng thẳng giữa 2 nước đã bắt đầu leo thang vào năm ngoái, khi thượng nghị sỹ đối lập Sam Dastyari của Australia từ chức vì quan hệ thân thiết với một doanh nhân người gốc Trung Quốc.
Theo các thông tin bị phanh phui, chính doanh nhân này đã trả 1.200 USD chi phí đi lại cho nhà làm luật Australia. Khi công bố dự luật chống can thiệp nước ngoài vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thừa nhận những thông tin đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc chính là nguyên nhân của việc soạn luật. Thủ tướng Australia cho rằng phải “đứng lên và khẳng định chủ quyền của mình”.
Dù Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên nhưng những lo ngại về mối liên hệ và những khoản tài trợ chính trị giữa các nhà làm luật với các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn ngày càng gia tăng ở Australia.
Hồi đầu năm nay, trong cuốn sách có tên “Cuộc xâm lược thầm lặng: Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Australia”, Giáo sư Clive Hamilton thuộc Trường Charles Sturt của Australia đã công bố nhiều thông tin gây sốc, theo đó cho biết hàng ngàn điệp viên Trung Quốc đang len lỏi ở khắp nơi, từ nghị trường đến nhà thờ, trường đại học và các cơ quan báo chí của Australia nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính trường và nghị trường Australia.
Trong sách, Giáo sư Hamilton cáo buộc hàng chục quan chức của Australia đã bị Trung Quốc mua chuộc, làm việc cho Bắc Kinh ngay sau khi rời khỏi chức vụ. Một nhân vật nổi lên trong cuốn sách là doanh nhân gốc Hoa Huang Xiangmo – người được mô tả là nhân vật trung tâm trong mạng lưới ảnh hưởng của Trung Quốc tại Australia, điệp viên Trung Quốc có quyền lực lớn nhất ở Australia.
Theo Giáo sư Hamilton, tỉ phú bất động sản này đã đóng góp đến 1,8 triệu USD cho Viện nghiên cứu Úc - Trung Quốc (ACRI) thuộc Đại học Công nghệ Sydney do cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr giữ ghế giám đốc. Nhân vật này cũng đã đóng góp hàng triệu USD cho các đảng phái ở Australia và có nhiều mối quan hệ mờ ám với các chính trị gia khác.
Sự rạn nứt về mặt ngoại giao ngày càng lớn giữa Australia và Trung Quốc đã ảnh hưởng tới một phần trong thương mại 2 chiều trị giá 125 tỉ USD giữa 2 nước khi một số hãng sản xuất rượu vang xuất khẩu của Australia như Treasury Wine Estates hiện phải đối mặt với việc bị chậm thông quan đối với một số sản phẩm khi tới hải quan Trung Quốc.
Ngoài ra, những nông dân trồng trái cây và người chăn nuôi ở Australia cũng đang lo ngại sẽ bị ảnh hưởng nếu không bán được sản phẩm sang Trung Quốc do tranh cãi giữa 2 nước.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong phát biểu gần đây cho rằng những khó khăn trong hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Australia là do chính Canberra. Hôm 19/6, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye tiếp tục đã kêu gọi Australia từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh”, sự thiên vị và cố chấp mà theo ông này đang làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo ông John Blaxland – một học giả cấp cao ở Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc phòng thuộc trường Đại học quốc gia Australia ở Canberra, các luật trên là cần thiết để Australia xác định lợi ích và bảo vệ chủ quyền của nước này trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng.
Ông Blaxland cũng cho rằng một số quan chức Trung Quốc có thể sẽ khó chịu vì những luật này. Cộng đồng người gốc Hoa ở Australia hiện chiếm 5,6% dân số Australia. Số lượng du học sinh người Trung Quốc ở nước này cũng rất đông.