Bị 'bắt' trước giờ đi học
Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Ngân (SN 1969, ngụ thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), vào khoảng 6h sáng ngày 1/9/2016, trong lúc con trai bà là em Lê Văn Đạt (SN 1999, học sinh lớp 12) cùng bạn chuẩn bị đến trường thì có 4 cán bộ công an huyện Krông Pắk mặc thường phục, đi 2 xe honda tìm tới nhà.
Trong lúc nói chuyện, phía công an bị cho là đưa ra giấy triệu tập nhưng không cho gia đình đọc mà vội vàng thu lại. Sau đó, công an yêu cầu em Đạt về trụ sở để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Lúc này, bà Ngân sợ con trai sẽ trễ học nên hỏi lại: “Làm việc có nhanh không mấy chú? Cháu nó còn đi học, mong mấy chú tạo điều kiện. Nếu được thì cho con tôi đi học, đến chiều tôi sẽ chở cháu lên làm việc”. Phía công an trả lời “chỉ 15 phút” rồi yêu cầu học sinh này lên xe, chở thẳng về trụ sở.
Bà Ngân kể: “Lúc đó tôi chưa biết con mình có liên quan gì, phía công an cũng làm việc vội vàng, đưa Đạt lên ngồi ở giữa xe honda của họ rồi áp giải về y như tội phạm nghiêm trọng vậy”.
Về phần mình, Đạt tố rằng, khi vừa tới trụ sở công an, em đã bị một điều tra viên tát mấy cái. “Một người nói em ở nhà rất láo nên tát và yêu cầu bỏ nón bảo hiểm xuống. Dù gì em cũng là học sinh, vậy mà công an cứ xưng “mày – tao” rất khó nghe. Khi làm việc, công an hỏi em từ ngày 16 đến 19/7 làm gì, ở đâu?
Bởi vì họ tình nghi em có liên quan đến một vụ phá hoại sầu riêng trên địa bàn. Em chẳng làm nên chẳng sợ và đã nhanh chóng trình bày, mong sớm được về đi học. Nào ngờ họ nhốt em tới chiều mới thả”, Đạt trình bày.
Tương tự, vào cùng thời điểm nói trên, anh Phạm Quốc Hữu (SN 1992, ngụ thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, cách nhà Đạt khoảng 200m) đang ngủ thì có 3 cán bộ công an huyện Krông Pắk mặc thường phục tới nhà. Khi gặp mặt, công an yêu cầu anh Hữu mặc đồ chỉnh tề rồi áp giải về trụ sở để làm việc.
Thanh niên này cho biết, khi đến trụ sở công an, anh muốn đi vệ sinh nên xin phép các điều tra viên. Tuy nhiên, lần đầu họ không chấp nhận, phải xin lần hai mới được đi và có công an đi theo giám sát.
“Họ làm như tôi là tội phạm vậy. Thật sự tôi chẳng làm gì sai, phía công an triệu tập, tôi vẫn sẵn sàng hợp tác, mong sớm tìm ra thủ vụ phá hoại, trả lại công bằng cho gia đình chủ vườn. Tôi không bằng lòng về thái độ cư xử của công an huyện”.
Nghi án vườn sầu riêng bị phá hại
Trao đổi với XLPL về vụ việc trên, Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng công an huyện Krông Pắk cho biết, vào ngày 16/7/2016, trên địa bàn thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông xảy ra vụ phá hoại sầu riêng non trong rẫy anh Phan Thanh Hà (SN 1969), gây thiệt hại hơn 30 triệu.
Sau đó, công an huyện Krông Pắk đã khởi tố vụ án, khoanh vùng, rà soát các đối tượng nghi vấn truy tìm thủ phạm. Đạt và Hữu chỉ là hai trong rất nhiều đối tượng tình nghi mà công an đã triệu tập đến làm việc.
Vườn sầu riêng bị phá hoại 2 tháng trước. |
Khi đến trụ sở làm việc, nhận thấy Đạt chưa đủ 18 tuổi nên các điều tra viên đã gọi phụ huynh của em này lên giám hộ. Quá trình làm việc của công an đúng pháp luật, không đánh đập gì. Cũng theo giải thích của Thượng tá Dân, thông thường phía CQĐT có hai cách để triệu tập người khác đến làm việc, thứ nhất là gửi giấy về nhà, thứ hai là cử cán bộ xuống trực tiếp.
Bởi vậy, việc các điều tra viên xuống tận nhà đưa Đạt và Hữu về trụ sở là đúng quy trình. “Tôi xin nhắc lại, Đạt và Hữu chỉ là những đối tượng tình nghi, không phải là người phạm tội. Bởi vậy, CQĐT không phải bắt mà là triệu tập”, Thượng tá Dân thông tin.
Trước đó, vào khoảng 9h sáng ngày 17/7, anh Phan Thanh Hà (SN 1969, ngụ thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) vào thăm rẫy thì phát hiện vườn sầu riêng của mình bị ai đó cắt rụng la liệt.
Ban đầu mọi người nhận định khả năng đây là vụ trộm vì cuống sầu riêng còn chảy nhựa. Tuy nhiên, khi suy nghĩ lại, họ nhận thấy sầu riêng còn non, chưa thể bán được nên mới suy đoán đây là hành động nhằm trả thù cá nhân.
Anh Hà bức xúc: “Vợ chồng tôi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong thời gian gần chục năm mới gây dựng được vườn trái cây trĩu quả. Năm nay, sầu riêng được mùa, được giá nhưng vườn của tôi trái còn non, chưa kịp bán đã bị phá hoại”.
Vợ anh Hà thông tin thêm, gia đình chị đã vào định cư tại thôn Phước Thịnh hơn hai chục năm qua. Mới đây vợ chồng chị xảy ra xích mích với một người trong thôn.
“Nhiều khả năng người ta giận vợ chồng tôi nên phá cho bõ tức.”, chị Giang nói.
Hàng chục năm nay ở địa phương chưa có vụ việc nào tương tự. Những vụ trước, khi sầu riêng bắt đầu chín tới, chủ vườn thuê thêm nhân công cùng ra túc trực, canh giữ ngày đêm chờ bán cho thương lái. Đợt này thấy sầu riêng còn non nên chủ vườn chưa có phương án bảo vệ.
Theo Thượng tá Dân, hằng năm cứ vào mùa thu hoạch sầu riêng thì tình hình an ninh trên địa bàn huyện cũng trở nên phức tạp hơn. Mới đây công an huyện đã bắt được một số đối tượng trộm cắp sầu riêng. Về vụ việc anh Hà, công an đang tích cực điều tra truy tìm thủ phạm.