Nghi bị thôi miên, bán thuốc giá 'cắt cổ' ở Hà Nội

(PLO) - Vừa mở cửa, bà Sinh được một phụ nữ đứng tuổi và một thanh niên ngoài 20 tuổi xưng là cán bộ y tế của phường đưa hơn chục gói thuốc mời mua để phòng dịch.
Các đối tượng xưng là cán bộ phường lừa bán thuốc. (Ảnh: Q,Minh)
Bà Nguyễn Thị Sinh, 55 tuổi, phường Trương Định, Hai Bà Trưng (Hà Nội), kể: Vừa mở cửa thấy một người phụ nữ chạc 50 tuổi khoác túi cầm theo một tệp thuốc giới thiệu là cán bộ y tế của phường đi phát thuốc phòng dịch.
Sau khi trò chuyện, hỏi tuổi, thấy họ còn đọc đúng họ, tên, bà Sinh tin tưởng nộp 360.000 cho “cán bộ y tế phường” mua 11 gói thuốc.
Khi hai người này đi khỏi, bà Sinh gọi điện hỏi một cán bộ của phường mới biết mình bị lừa. 

“Chúng nói là cán bộ y tế của phường nên chẳng mảy may đề phòng. Khi biết bị lừa đuổi theo thì chúng đã cao chạy xa bay”, nạn nhân 55 tuổi thuật lại.

Chớp nhoáng, bà Sinh mất 360.000, nghi bị thôi miên (Ảnh: Q.Minh) 
Ông Thành, cùng ngõ nhà bà Sinh cho biết, cách đó ít ngày các đối tượng trên cũng đến nhà ông và dụ con dâu ông mua thuốc. “Biết ngay đối tượng lừa đảo, tôi mắng cho một trận nên chúng đi thẳng”, ông Thành nhớ lại.
Cũng với hình thức trên, tuần trước, gia đình anh Phong, phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) và bà Tuyến, phường Định Công (Hoàng Mai) bị các đối tượng xưng là cán bộ y tế đến lừa bán thuốc diệt côn trùng.

Trao đổi với phóng viên, một đại diện phường Trương Định (Hai Bà Trưng) khẳng định phường không cử bất cứ cán bộ nào đi phát thuốc diệt côn trùng thu tiền như trường hợp bà Sinh gặp.

“Nếu là đợt phun thuốc dự phòng thì người dân không phải nộp tiền. Thông thường, chỉ khi nào có dịch như dịch sốt xuất huyết thì cán bộ phòng dịch mới đi phun thuốc tại các nhà. Gia đình nào có nhu cầu phun dịch vụ thì phải đóng tiền”, vị cán bộ cho hay.

Tương tự như các trò vờ bảo dưỡng bình gas rồi ăn cắp van; gạ mua bếp gas giả giá rẻ; bán máy khoan, dây điện “rút lõi được từ công trường”… thì lừa bán thuốc diệt côn trùng là thủ đoạn không mới, nhưng vẫn rất nhiều người mắc bẫy.
Bà Sinh cùng nhiều người chung nỗi hoài nghi kèm theo lo ngại cho rằng bị lừa do các đối tượng dùng thủ thuật thôi miên (!?). 
“Tôi không lạ trò lừa đảo này, nhưng lúc đó vẫn tin và đưa tiền. Phần vì tin là cán bộ của phường, phần vì lúc đó tinh thần tôi không tỉnh táo, người cứ mụ mẫm. Chúng liên tục hỏi tuổi, gọi tên”, nữ nạn nhân nhớ lại.
Trong hóa đơn của các đối tượng để lại có dấu đỏ ghi của “Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường”, số 9 Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội). 
Xác minh mã số thuế ghi trên hóa đơn thì đây là mã số thuế giả. Phóng viên đã liên hệ với trung tâm kể trên, song chưa có thông tin xác thực. 
Website của công ty ghi mã số thuế là: 0101856608, và không thể hiện công ty này có mặt hàng trên.
Theo tìm hiểu, giá của loại thuốc này được các đối tượng đẩy cao gấp gần chục lần (nếu là thuốc thật). 

Được phóng viên gửi mẫu qua hình ảnh, một tiến sỹ ngành môi trường sinh học (ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội) nhận định, với bao bì, cung cách đóng gói, nhiều khả năng đây là thuốc nhái, giả.

Luật sư Lương Quang Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng thực tế nạn nhân có tâm lý số tiền bị mất không quá lớn, ngại mất thời gian, phiền phức nên không trình báo.

Ông Tuấn nói: “Chúng rất tinh vi. Gặp phụ nữ, người già thì xưng cán bộ ở phường rồi bộ y tế… Nếu ai bóc mẽ thì chúng nói đi bán thuốc, không mua thì thôi nên không có bằng chứng, trừ khi giăng bẫy trước bằng hình ảnh, ghi âm.

Theo kinh nghiệm của ông Tuấn, nếu đối tượng xưng là người của tổ chức, cơ quan, đơn vị thì yêu cầu xuất trình giấy tờ, số điện thoại, nếu có bất minh, sẽ lộ rõ, lúc đó có thể giữ lại. Khi có bằng chứng, cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý, truy tố.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hóa chất và thuốc phòng chống dịch bệnh được triển khai theo quy định, không thu phí trực tiếp từ người dân.  

Người dân cần hết sức cảnh giác
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đơn vị chưa nhận được thông tin về những vụ việc cụ thể liên quan đến hành vi này trên địa bàn. 

Tuy nhiên, cán bộ này nhận định: “Đây là một dạng hành vi lừa đảo”., nếu tiếp nhận được thông tin cụ thể từ người dân, cơ quan công an sẽ có hình thức đấu tranh xử lý. “Trước mắt, người dân cần hết sức cảnh giác với những hành vi lừa đảo này”, cán bộ công an này khuyến cáo.

Đọc thêm