“Phân vùng” xử phạt
Thời gian qua, vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện nhiều, trong đó có những vụ việc gây rúng động dư luận, tác động sâu sắc tới đời sống xã hội như vụ Cty Nicotex Thanh Thái (Cẩm Thủy, Thanh Hóa); vụ Cty Cổ phẩn thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, TP.HCM) xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Đồng Điền…
Liên tiếp những vụ vi phạm pháp luật về môi trường kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát lộ khiến dư luận không khỏi hoài nghi vì sao cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều lần, định kỳ có, đột xuất có nhưng không phát hiện ra sai phạm? Hay có phát hiện nhưng xử lý chiếu lệ khiến các tổ chức, cá nhân tái phạm nghiêm trọng hơn?.
Thực tế, khi môi trường bị “đầu độc”, người dân vẫn “trông” vào công an, chờ lực lượng này điều tra, làm rõ, xử lý hành vi vi phạm. Thế nhưng thật khó hiểu, Nghị định 179/2013/NĐ-CP vừa được ban hành, sắp có hiệu lực đã có nhiều quy định “trói tay” lực lượng quan trọng này trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.
Cụ thể, tại Điểm n, o Khoản 1 Điều 54 đã hạn chế thẩm quyền của Công an, Cảnh sát Môi trường trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Lực lượng này sẽ không được “đụng” vào các hành vi vi phạm khác, như vi phạm các quy định về thực hiện cam kết bảo vệ môi trường; vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại; xử lý chất thải nguy hại; nhập khẩu phế liệu; vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên…
Đồng thời, Khoản 2 Điều 54 tiếp tục “bó tay” lực lượng Công an nhân dân; thể hiện rõ sự bị động, phụ thuộc của lực lượng Công an, lực lượng Cảnh sát Môi trường vào cơ quan quản lý nhà nước: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại điều, khoản nào của Nghị định này thì chỉ được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trong phạm vi các điều, khoản đó của Nghị định này quy định; trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải thông báo và phối hợp ngay với cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi đó để kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.
“Hành chính hóa” hoạt động phòng, chống tội phạm
Thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là vi phạm trong hoạt động xử lý chất thải nguy hại, khai thác tài nguyên thiên nhiên là các vi phạm và tội phạm phức tạp, phổ biến. Với việc “phân vùng” xử phạt nêu trên, nếu khi tiến hành các hoạt động nghiệp vụ, điều tra mà cơ quan Công an phải thông báo và phối hợp ngay với cơ quan quản lý nhà nước thì vô hình trung đã “hành chính hóa” hoạt động nghiệp vụ của lực lượng này, không đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, nguyên tắc bí mật, bất ngờ trong phòng, chống tội phạm…
Ngoài ra, một số hành vi như làm rò rỉ, tràn đổ chất thải nguy hại ra môi trường đất, nước ngầm, nước mặt, xuất khẩu chất thải nguy hại, tự xử lý chất thải nguy hại…, không phải chỉ là vi phạm về các thủ tục hành chính mà có thể liên quan đến các hành vi tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự như tội “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; tội “Vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại”… Các hành vi liên quan đến những lĩnh vực này, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xem xét có dấu hiệu tội phạm.
Trên thực tế qua 7 năm hoạt động, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện và xử lý hơn 40.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chuyển các cơ quan có thẩm quyền khởi tố, điều tra trên 940 vụ và hơn 1.440 đối tượng, xử phạt vi phạm gần 400 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận và bất bình trong nhân dân…
Vì thế, một số ý kiến cho rằng việc hạn chế thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát Môi trường nói riêng, có nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Từ đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem lại Nghi định mới, sửa đổi cho phù hợp với Luật Công an nhân dân nhằm đảm bảo không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm môi trường.