Đấu trường của nghị lực
Dù chịu nhiều thiệt thòi khi không có được một cơ thể khỏe mạnh, mang trên mình những khiếm khuyết nhưng với niềm đam mê, sự khổ luyện không ngừng nghỉ cùng với nghị lực phi thường, hàng trăm người khuyết tật đã trở thành những vận động viên chuyên nghiệp. Những nụ cười, gương mặt rạng ngời khi được thi đấu của họ dường như xóa nhòa đi hết những khổ luyện, nhọc nhằn của người vận động viên, với họ, được thi đấu và cống hiến hết mình cho thể thao là điều tuyệt vời nhất. Họ đã thi đấu hết mình, nhất là ở các đấu trường khu vực và quốc tế để mang về những tấm huy chương quý giá cho nền thể thao nước nhà. Không chỉ mang vinh quang cho Tổ quốc, những tấm huy chương, danh hiệu còn là cách để họ khẳng định giá trị của bản thân.
Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 12 năm 2023, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam về đích ở vị trí thứ 3 khi giành được tổng cộng 201 huy chương, trong đó có 66 HCV, 58 HCB và 77 HCĐ. Đây là thành tích vô cùng xuất sắc khi đoàn đã vượt cả 2 chỉ tiêu thành tích đề ra trước kỳ đại hội này (giành 50 đến 55 HCV và đoạt tốp 3 toàn đoàn).
Tham gia tranh tài 8/13 môn, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xuất quân thi đấu với 4 đội tuyển chủ lực gồm: cử tạ, điền kinh, bơi lội và cờ vua. Ngoài ra, còn có 4 đội tuyển: bóng bàn, cầu lông, judo và boccia dù không giành được HCV do sự chênh lệch trình độ so với các đoàn trong khu vực nhưng đây vẫn là kỳ đại hội đáng nhớ khi các đội này đều đoạt huy chương.
Với các bộ môn chủ lực, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam liên tục “gặt” vàng khi các vận động viên đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Ở bộ môn điền kinh, với kết quả giành 20 HCV, 19 HCB và 20 HCĐ, đội tuyển điền kinh người khuyết tật Việt Nam vượt xa chỉ tiêu đăng ký từ đầu (13 HCV).
Cử tạ cũng là đội tuyển sớm hoàn thành chương trình thi đấu với 10 HCV. Khởi đầu bằng chiến thắng tuyệt đối giành cả 2 HCV hạng 50kg của nữ lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng, Lê Văn Công (hạng 49kg nam) cũng làm được điều tương tự với mức nâng tạ tốt nhất 168kg, cùng thành tích tổng cử 496kg. Sau đó là những “cú đúp” vô địch.
Đô cử Lê Văn Công - nhà vô địch thế vận hội thống trị ở hạng cân 49kg suốt 7 kỳ ASEAN Para Games. (Ảnh: TTVN) |
Trong khi đó, cờ vua - một trong 4 đội tuyển chủ lực của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 12 cũng giành được 8 HCV, 11 HCB và 9 HCĐ, trong đó có 3 HCV cá nhân. Được biết, đây là kỳ Para Games các nước tham dự với số lượng vận động viên đông đảo, chuyên môn cao, đẳng cấp kiện tướng quốc tế như Indonesia, Philippines nên các thành viên toàn đội đã nỗ lực thi đấu vượt sức mình, cầm hoà được những kỳ thủ mạnh nhất của Indonesia để tranh chấp HCV.
Đặc biệt trong đấu trường lần này, bơi lội Việt Nam toả sáng với tổng thành tích đội tuyển bơi lội lên 71 huy chương, trong đó có 27 HCV. Không chỉ “gặt” vàng, các vận động viên còn liên tục xác lập kỷ lục tại “đấu trường xanh” với thành tích không ngờ.
Có thể thấy, các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều, cố gắng tập luyện vượt qua những khó khăn, áp lực về tinh thần, tâm lý thi đấu để có thể đem về thành tích chung cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam trên đấu trường khu vực.
Vượt qua giới hạn của bản thân
Tại ASEAN Para Games, hình ảnh một cô gái liệt hoàn toàn 2 chi dưới vươn sải tay dài tại “đường đua xanh” hay hình ảnh chàng trai được mệnh danh là “lực sĩ thép” nâng tạ hạng cân 49kg khi đang ngồi trên xe lăn đã khiến biết bao người phải thốt lên hai từ “nghị lực”. Hai vận động viên đó chính là Lê Văn Công và Trịnh Thị Bích Như. Hai con người, hai số phận nhưng đều có chung một khát vọng cống hiến cho nền thể thao nước nhà.
Chắc hẳn nhiều người không còn xa lạ gì với cái tên đô cử Lê Văn Công (SN 1984, Hà Tĩnh) - nhà vô địch thế vận hội thống trị ở hạng cân 49kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games từ năm 2007 đến nay. Bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời, đôi chân không phát triển của anh là di chứng từ việc mẹ bị sốt xuất huyết trong lúc mang thai. Vượt qua mặc cảm, Lê Văn Công cố gắng học tập và tự sinh hoạt bằng đôi tay khỏe khoắn, hoạt bát của mình.
Đến khi trưởng thành, để trang trải cuộc sống, anh làm thêm đủ nghề, từ bán vé số đến đánh văn bản thuê... Cuộc đời anh chỉ thật sự thay đổi khi có cơ duyên đến với môn cử tạ. Dưới sự huấn luyện, giảng dạy trực tiếp của các thầy tại CLB Cử tạ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, anh thể hiện niềm yêu thích và ngày càng tiến bộ rõ rệt với môn thể thao này. Trải qua quá trình tập luyện gian khổ, với tinh thần quyết tâm, Lê Văn Công đã từng bước chinh phục đỉnh cao qua từng mức tạ trong hệ thống giải toàn quốc, các đại hội thể thao quy mô từ khu vực (ASEAN Para Games), châu lục (Asian Para Games), đến thế giới (Paralympic).
Lực sĩ 39 tuổi quê Hà Tĩnh đang nắm giữ cả 3 kỷ lục của hạng cân 49kg gồm kỷ lục thế giới (183,5kg), kỷ lục châu Á (183,5kg) và kỷ lục Asian Para Games (181,5kg). Anh cũng là vận động viên người khuyết tật Việt Nam thành công nhất khi từng giành HCV Paralympic 2016, HCB Paralympic 2020, HCV giải vô địch thế giới năm 2023, nhiều năm liền vô địch SEA Games…
Tại giải Asian Para Games 12 mang trên mình hy vọng của người hâm mộ thể thao cả nước, đô cử Lê Văn Công đã giành 2 chiếc HCV ở hạng cân 49kg với thành tích 168kg và tổng cử là 496kg. Để đạt được kết quả này, đô cử Lê Văn Công đã phải thi đấu đầy nỗ lực khi anh bị chấn thương rách cơ vai trước thềm Asian Para Games lần này. Dù phải uống thuốc kháng viêm, giảm đau nhưng anh vẫn cố gắng hết sức hoàn thành toàn bộ phần thi của mình.
Đối với vận động viên Trịnh Thị Bích Như (SN 1985, Kiên Giang) - “cô gái vàng” của thể thao người khuyết tật Việt Nam, từ khâm phục có lẽ là chưa đủ để nhận xét về nghị lực phi thường của cô trên “đường đua xanh”. Bị liệt từ khi lên 3 tuổi sau một cú ngã tai ác khiến Bích Như bị sốt cao, đôi chân của cô teo tóp rồi bại liệt. Kể từ đó, cuộc sống của Như gắn liền với đôi chân khuyết tật và đầy những chông gai.
Vận động viên Trịnh Thị Bích Như - “kình ngư” có nghị lực phi thường trên “đường đua xanh”. (Ảnh: Thái Dương) |
Đến khi trưởng thành, cuộc sống của cô vẫn không dễ dàng, suốt bao nhiêu năm đi học rồi đi làm cô còn phải sống dưới ánh mắt nghi ngại của những người xung quanh, sống trong mặc cảm và tự ti. Và rồi, một cơ duyên đến với Bích Như và có lẽ đó cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời cô khi cô đến với bơi lội.
Lúc đầu tham gia bơi lội với tâm thế cho khoẻ và thử sức mình, dần dần tố chất trong con người Bích Như trỗi dậy. Từ một cô gái liệt hoàn toàn 2 chi dưới chưa tiếp xúc nhiều với bơi lội, cô chỉ cần một thời gian ngắn để chứng tỏ khả năng vượt khó và sự phù hợp đặc biệt với “đường đua xanh”. Và rồi sau khoảng thời gian luyện tập hết sức mình, ngay tại cuộc đấu đầu tiên ở Giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc 2010, tức chưa đầy nửa năm bén duyên bơi, Bích Như đã đoạt liền 1 HCV và 2 HCB.
Sau đó là liên tiếp những huy chương, danh hiệu để đưa cô đến đẳng cấp hàng đầu châu lục ở hạng thương tật SB5 cùng với hàng loạt kỷ lục thế giới. Tại ASEAN Para Games 12 diễn ra tại Thủ đô Campuchia, ở tuổi 38, độ tuổi không còn sung sức nhưng Trịnh Thị Bích Như vẫn tiếp tục tỏa sáng khi giành đến 5 HCV cá nhân, 1 HCB tiếp sức; đồng thời phá 3 kỷ lục tại đấu trường này. Nói không ngoa khi cho rằng cứ mỗi lần xuống nước là mỗi lần Như “gặt” vàng về cho đoàn Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, kỳ tích của Lê Văn Công, Trịnh Thị Bích Như hay bất kể vận động viên khuyết tật nào cũng chính là nguyên mẫu chiến thắng tật nguyền, thay đổi số phận, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người khuyết tật trong nước và thế giới. Mỗi vận động viên không chỉ là một nhà sưu tập huy chương mà còn mang trong mình trái tim “vàng” đầy nghị lực phi thường.