Nghi phạm vụ bắn hai người tử vong chấn động dư luận đối diện với mức án nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo luật sư, trong vụ án Cao Trọng Phú bắn chết 2 người ở Nghệ An, đối tượng có thể phải đối mặt với hai tội danh “Giết người” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Nghi phạm Cao Trọng Phú
Nghi phạm Cao Trọng Phú

Liên quan đến vụ nổ súng kinh hoàng làm 2 người chết vào sáng 30/4 tại xóm 7, xã Nghi Kim (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), danh tính 2 người tử vong được xác định là Đặng Ngọc Anh (SN 1956, trú quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) và Ngô Quang Hưng (tức Hưng Nhựa – SN 1979, trú TP Vinh).

Nguyên nhân ban đầu được xác minh đối tượng Cao Trọng Phú từng có thời gian sinh sống, làm ăn, buôn bán tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và nước Campuchia. 

Thời gian gần đây Phú về địa phương sinh sống, chủ yếu kinh doanh bất động sản. Người thân cho hay, từ khi từ TP HCM trở về Cao Trọng Phú có biểu hiện trầm cảm, hoang tưởng luôn lo sợ các đối tượng làm ăn ở phía nam sẽ về tìm và thủ tiêu mình. 

Sáng 30/4, có 3 người gồm Đặng Ngọc Anh, Ngô Quang Hưng, Nguyễn Đức Ng đến nhà Cao Trọng Phú để giải quyết việc nợ nần. 

Khi đến cổng nhà Phú giữa 2 bên đã xảy ra mâu thuẫn, xích mích, Cao Trọng Phú cho rằng các đối tượng trên sẽ đánh đập, giết mình nên cầm súng bắn khiến ông Ngô Quang Huy và Đặng Ngọc Anh tử vong, Nguyễn Đức Ng bỏ chạy được.

* Báo Pháp luật Việt Nam có buổi phỏng vấn Luật sư Trần Thị Thanh Hằng, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Tín Tâm (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) về những hành vi của Cao Trọng Phú. 

Theo Luật sư Trần Thị Thanh Hằng, Hành vi của Cao Trọng Phú là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, với các tình tiết định khung tăng nặng “giết 2 người trở lên” và “có tính chất côn đồ” đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” được quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, Cao Trọng Phú có khả năng phải chịu mức hình phạt cao nhất chung thân hoặc tử hình đối với hành vi “Giết người”.

Việc định tội danh đối với Cao Trọng Phú cần lưu ý xem xét về việc Cao Trọng Phú phạm tội có trong trang thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó không. 

Đồng thời, sau khi có kết quả giám định khẩu súng, đạn mà Cao Trọng Phú dùng để gây án nếu khẩu súng, đạn thuộc danh mục vũ khí quân dụng được quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ  năm 2017, sửa đổi năm 2019 thì Cao Trọng Phú có thể bị khởi tố đối với hành vi “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, theo cung cấp người nhà, Cao Trọng Phú có biểu hiện của bệnh tâm thần, hoang tưởng, thường hay nghĩ có người tìm giết mình. Quá trình điều tra cơ quan điều tra cần tiến hành giám định pháp y tâm thần với Cao Trọng Phú để làm rõ tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội Phú có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không. 

Nếu kết quả giám định xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội Cao Trọng Phú bị mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi do bệnh lý thì cơ quan Điều tra tiến hành đình chỉ điều tra đối với vụ án, đình chỉ điều tra đối với bị can theo điều 21 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng căn cứ  vào kết luận giám định pháp y, giám định tâm thần ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại điều 49 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.”

Điều 230 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

"1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm".

Điều 21, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: "Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”.

“Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh

1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”

Đọc thêm