Khi hơn 8.500 SIM điện thoại của VinaPhone bị Hải quan Cửa khẩu Móng Cái thu giữ trên đường vận chuyển từ bên kia biên giới về, nhiều giả thiết đã được đặt ra, trong đó một tình huống được các chuyên gia viễn thông đề cập đến, đó là nghi vấn về việc SIM điện thoại được chuyển sang bên kia biên giới sử dụng ở khu vực chồng lấn sóng để trốn cước roaming quốc tế.
Tài khoản chính đã được dùng làm gì?
Theo thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, vào cuối tháng 1/2013, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 2 thùng hàng có chứa sim thẻ VinaPhone tại khu vực bờ sông biên giới Việt – Trung (gần bến Z1) thuộc phường Ka Long, Móng Cái.
Kết quả kiểm tra cho thấy có 6.050 chiếc card điện thoại có gắn sim của mạng điện thoại Vinaphone, trên gắn tem ghi trị giá tài khoản là 50.000 đồng. 2.400 chiếc card VinaPhone còn lại không ghi giá trị tài khoản. Số lượng hàng có giá trị ước tính theo mệnh giá khoảng 300 triệu đồng.
Đại diện nhà mạng VinaPhone khẳng định, số sim này là do VinaPhone phát hành, đã đăng ký thông tin tài khoản nhưng hầu hết là ảo, không có thật. Kiểm tra xác xuất một số SIM thì phát hiện tài khoản chính đã bị sử dụng hết, chỉ còn tài khoản khuyến mại.
Trước băn khoăn của dư luận, liệu đó có phải là SIM nhập lậu, đại diện mạng VinaPhone lý giải, để có thể sử dụng, SIM phải được kích hoạt bởi hệ thống hạ tầng kỹ thuật của nhà mạng, vì thế, nếu SIM lậu sẽ không dùng được trong nước. Hơn nữa, hiện nay, thuế suất nhập khẩu SIM là 0% và SIM được phát hành với số lượng lớn trong nước nên có thể loại bỏ khả năng nhập lậu đối với mặt hàng này.
Tại thời điểm bắt giữ, những chiếc SIM VinaPhone được kiểm tra đã hết tài khoản chính, một số SIM chỉ còn lại tài khoản khuyến mãi. Một chuyên gia viễn thông đưa ra hai khả năng về hiện tượng này. Một là, các đối tượng đã trích hết tài khoản chính để mua hàng trên mạng, bởi chỉ có tài khoản chính mới có thể dùng để chi trả cho các giao dịch online. Khả năng thứ hai, các đối tượng đã dùng số SIM này để sử dụng ở khu vực chồng lấn sóng, và tài khoản chính đã được dùng chi trả cho các cuộc tin thoại ngoại mạng.
Khả năng thứ hai này trùng với thực tế mà phóng viên Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận được ở nhiều khu vực cửa khẩu biên giới có giao thương mạnh mẽ với nước bạn, như Móng Cái – Đông Hưng, Lào Cai – Hà Khẩu, khu vực cửa khẩu Hữu Nghị…
Dân cư khu vực biên giới hàng ngày qua lại giao thương, làm ăn hầu như đều sử dụng điện thoại di động của mạng VinaPhone do hạ tầng được đầu tư tốt và có vùng sóng chồng lấn lớn. Như vậy, kể cả đi sâu vào nội địa nước bạn khoảng 2 km, điện thoại dùng mạng VinaPhone vẫn đảm bảo liên lạc.
“Người dùng có thể thoải mái đàm thoại với người thân ở Việt Nam mà không bị tính phí roaming quốc tế”, vị chuyên gia này nói.
Bất cẩn, thuê bao còn trong nước vẫn phải trả phí roaming quốc tế
Đến giờ, nguyên nhân tại sao những SIM điện thoại hết tài khoản chính và chỉ còn lượng nhất định trong tài khoản khuyến mãi lại được chuyển về Việt Nam trong tình trạng gần như mới vẫn là vấn đề được các cơ quan hữu trách nỗ lực tìm câu trả lời. Tuy nhiên, mới đây một nhà mạng lớn khác là MobiFone đã đưa ra khuyến cáo cho các thuê bao di động những biện pháp để tránh bị tính oan cước roaming quốc tế.
Theo MobiFone, ở các vùng giáp ranh biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia, thực tế, việc phủ sóng chờm qua lãnh thổ nước bạn là khá phổ biến. Các thuê bao di động của Việt Nam vẫn có thể sử dụng dịch vụ của chính nhà mạng của Việt Nam khi vào sâu trong lãnh thổ nước bạn từ 10 -15 km.
Thậm chí, với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì vùng phủ sóng có thể xa tới 80 km ở những điều kiện ít bị che chắn, ví dụ như ngoài biển. Nguyên nhân của hiện tượng chờm sóng này này là do các mạng phải phát sóng đủ mạnh để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
MobiFone cho biết, theo quy định của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), khi khách hàng chuyển vùng vào mạng khách quốc tế khác với mạng chủ, mạng chủ phải gửi tin nhắn (welcome SMS) thông báo nhập mạng nước ngoài thành công.
Trường hợp thuê bao ở vùng biên giới, mặc dù đứng trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do thiết bị của thuê bao nhập vào mạng Trung Quốc nên hệ thống hiểu là khách hàng đang ở Trung Quốc và gửi tin nhắn thông báo nhập mạng Trung Quốc cho khách hàng.
Nội dung tin nhắn thông báo là thống nhất khi khách hàng nhập vào tất cả các mạng nước ngoài, bao gồm cả các nước có chung biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Vì vậy, MobiFone và các nhà mạng luôn khuyến cáo khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại các vùng biên giới, có giao thoa sóng giữa các mạng di động quốc tế thì nên chuyển máy điện thoại sang chế độ chọn mạng thủ công để tránh được trường hợp phát sinh cước quốc tế ngoài ý muốn dù đang trên lãnh thổ Việt Nam.
Hoàng Thủy