Nghi vấn giá thép tăng bất thường

(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp xây dựng nêu quan điểm nghi ngờ giá thép tăng rất cao trong thời gian qua có tác động của bàn tay con người chứ không đơn thuần do thị trường chi phối. Hậu quả của việc này không những người dân chịu thiệt mà ngân sách nhà nước bị tổn thất, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Một số doanh nghiệp xây dựng cho rằng cần làm rõ việc tăng giá thép.

Giá thép “đi ngược quy luật”

Theo ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm nay thị trường thép đã thiết lập mặt bằng giá mới, cao hơn so với các năm trước. Ông Vương Quốc Vinh – Giám đốc Công ty CP Kim khí Thành Vinh cho biết, hằng năm, giá thép thường có chu kỳ tăng giá vào hai thời điểm. Thời điểm thứ nhất là từ tháng 4 đến tháng 6 và thời điểm thứ hai là từ tháng 8 đến tháng 10. Năm ngoái, giá thép xây dựng lên mức cao nhất là 13.500 đồng – 14.000 đồng/kg.

Giá thép bắt đầu tăng từ quý IV/2020 và đến tầm tháng 4/2021, giá thép xây dựng đạt đỉnh 18.000 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Đây là giá ở các đại lý cấp 1. Còn ở thị trường tự do, giá thép có nơi lên trên 20.000 đồng/kg - mức tăng đột biến, lên tới 30 - 40%, thậm chí hơn.

Theo ông Lê Đức Thọ - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CIENCO4, việc giá thép tăng giá mạnh đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN)  xây dựng. Ông Thọ cho rằng việc giá thép tăng cao như hiện nay là đi ngược với quy luật. Thời điểm hiện nay các công trình trong cả nước ít được triển khai do ảnh hưởng Covid-19, đáng ra giá thép phải đi xuống, nhưng nghịch lý lại tăng ở mức cao.

Ông Thọ nêu quan điểm rằng giá thép tăng như hiện nay rất đáng ngờ, có thể có sự tác động của bàn tay con người chứ không phải thị trường tự nhiên chi phối. Vị này phân tích, đến mùa xây dựng thì giá có thể tăng đôi chút nhưng việc tăng gần nửa như hiện nay là rất bất thường. “Tôi cho rằng có nguyên nhân sâu xa từ bàn tay con người mà các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ. Như tôi được biết bên Trung Quốc cũng đã phạt một số DN thép lớn đầu cơ, thổi giá”- ông Thọ nói và cho biết, ở Việt Nam không có nhiều DN thép, DN sản xuất được phôi thép lại còn ít hơn, do đó việc một số DN thép lớn thao túng thị trường là có thể xảy ra.

Ông Lê Đức Thọ cho rằng Nhà nước chính là đối tượng chịu thiệt nhất của việc thép tăng giá. Vị này phân tích, các dự án hạ tầng chủ yếu là dự án đầu tư công. Khi thép tăng giá, các hợp đồng xây lắp tại các dự án công sẽ được điều chỉnh, cuối cùng là Nhà nước bỏ tiền bù vào. “Để giá thép ổn định, tránh việc Nhà nước, DN và người dân bị “móc túi”, cần có sự điều tiết và vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý nhà nước” - ông Thọ đề xuất.

Tại sao doanh nghiệp thép lãi kỷ lục?

Lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng lớn tại Hà Nội lại nghi ngờ rằng có thể có một hệ thống DN đứng đằng sau để “bảo hộ” nền sản xuất thép trong nước. Theo phân tích của vị này, phôi thép hiện nay nhập vào Việt Nam chịu mức thuế 15%. Từ đó phôi thép, thép nước ngoài khó tiếp cận thị trường trong nước. Nhân cơ hội này, một số DN trong nước dễ dàng thao túng giá thép trong nước. 

Vị này phân tích thêm, ở trong nước, chỉ có Hòa Phát tự sản xuất được phôi thép, còn lại các nhà máy khác đa số phải nhập phôi thép với số lượng lớn. “Nước ngoài nhập phôi thép vào bị đánh thuế 15%, trong nước thì không đánh thuế, từ đó Hòa Phát được hưởng lợi. Hòa Phát chiếm thị phần thép lớn trong nước, khi nâng giá bao nhiêu thì DN khác cũng nâng theo” - vị này nói và cho biết có thể đây chính là nguyên nhân gây bất ổn thị trường. “Gốc rễ vấn đề chúng tôi nghi ngờ có một nhóm DN đứng sau chính sách để lợi dụng kẽ hở, làm cho thị trường thép méo mó” - vị này nói và cho biết, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ các nghi vấn này.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát mới đây phát biểu rằng giá thép tăng do nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên theo ghi nhận của PLVN, thời gian qua Hòa Phát báo lãi liên tục và đạt những kỷ lục mới. Cụ thể, năm 2020 dù ảnh hưởng Covid-19 nhưng Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng. Chỉ trong quý I/2021, Hòa Phát đã đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát.

Câu hỏi đặt ra, tại sao Hòa Phát nói giá thép tăng do nguyên liệu đầu vào mà lợi nhuận lại đạt cao kỷ lục đến thế? Không chỉ Hòa Phát “thắng lớn” về lợi nhuận mà nhiều DN thép trong nước khác cũng đang lãi lớn. Trong khi đó, nhiều DN xây dựng khác đang ngoắc ngoải…

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Tập đoàn Đèo Cả, chỉ riêng tại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giá thép tăng 40% đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án.

Đọc thêm