Sáng 25/11/2016, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Sơn về tội “Giết người”. Đây là trọng án từng gây xôn xao dư luận vì nạn nhân chính là vợ cũ của bị cáo. Khi tòa thông báo mở phiên xử, nhiều người đến khán phòng từ sớm chờ theo dõi.
Ly hôn vẫn ghen vợ cũ
Theo cáo trạng, Sơn và chị Phan Thị Trang (SN 1979, ngụ phường 1, TP. Đông Hà) kết hôn từ năm 2004, có hai con. Sau 10 năm chung sống, hai người ly hôn năm 2014. Sơn nhiều lần níu kéo muốn nối lại tình xưa nhưng chị Trang cự tuyệt.
Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, có người thông cảm với Sơn, nhưng cũng không ít lời đàm tiếu, chê bai anh ta trắng tay, thảm hại sau cuộc hôn nhân. Những lời nói này đã găm vào lòng tự trọng của người đàn ông này.
Sáng 28/4/2016, khi đang cà phê chuẩn bị đi làm, Sơn nghe bạn bè bàn tán về việc chia tài sản sau hôn nhân. Người bạn chê bai Sơn “ngu”, nói: “Làm cửa, làm nhà xong mà để vợ đuổi ra khỏi nhà”. Sơn bực bội, lại thêm trước đó đã nghi ngờ vợ cũ có quan hệ với người đàn ông khác nên khó chịu thêm.
Rời quán cà phê, người đàn ông anh Sơn không đi làm mà đi mua 1 lít xăng lẻ trên đường Đặng Dung (TP Đông Hà) và một bật lửa gas, định tối “cảnh cáo” vợ.
Mua xăng xong, Sơn đến quán cà phê Tiếng Xưa (23 Đào Duy Từ) và tình cờ bắt gặp vợ cũ ngồi với hai người bạn (một nam, một nữ). Sơn chọn bàn sau lưng vợ cũ.
Thấy chị Trang chuyện trò rôm rả, vui vẻ với người đàn ông kia, khác hẳn thái độ hằn học, cáu bẳn những lúc gặp mình, cảm giác tức tối, ghen tuông dữ dội, bao nhiêu lời đàm tiếu hiện diện trở lại, giày vò Sơn.
Ngay lập tức, anh ta chạy ra xe máy lấy xăng vừa mua đem vào quán rồi đổ vào người vợ cũ, châm lửa đốt. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến không ai kịp phản ứng. Nạn nhân được mọi người nhanh chóng đưa vào cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng 96%, đến ngày 11/5/2016 tử vong.
Về phần Nguyễn Văn Sơn, sau khi gây án, anh ta phóng xe đến trường tìm con nhưng không thấy. Sơn chạy xe máy ra Quảng Bình và đến Công an huyện Lệ Thủy tự thú vào chiều cùng ngày.
Quá trình điều tra, Sơn thể hiện rõ sự thành khẩn, hối hận, cho rằng chỉ vì ghen tức nên đốt, không hề muốn chị Trang phải chết.
Tại phiên tòa vừa qua, bị cáo thành khẩn khai báo, cho rằng xuất phát từ nỗi bức xúc nhất thời mà hành động như vậy.
Bị cáo khai hôm xảy ra sự việc đã mua xăng, định tối hôm đó mang sang nhà vợ cũ “cảnh cáo” nhưng vô tình gặp ở quán cà phê nên gây án luôn. Vị chủ tọa phiên tòa phân tích: nếu Sơn mang xăng sang nhà vợ để đốt, hậu quả sẽ khó lường hơn khi ảnh hưởng đến con nhỏ, nhà cửa sẽ bị cháy. Vị này nhận định hành vi của Sơn là tàn nhẫn, cực kì nguy hiểm, có tính chất côn đồ.
Vị hội thẩm nhân dân trong phiên xét xử thở dài nói vợ chồng kết hôn trên tinh thần tự nguyện. Đến khi cảm thấy không hòa thuận, không mang lại hạnh phúc cho nhau thì li hôn là chuyện hết sức bình thường. Chớ nên làm hại người đã từng đầu ấp tay gối với mình bao năm, để rồi xảy đến cảnh trớ trêu bi thảm, con cái mồ côi, tương lai mịt mờ.
Khi được nói lời sau cùng, bị cáo cũng khóc nức nở cầu xin tha thứ, xin tòa hãy xử mình với mức án thấp nhất. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo từ 18-20 năm tù để đảm bảo tính răn đe, giáo dục.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Sơn 18 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân và phụ cấp cho hai con nhỏ với số tiền 892 triệu đồng.
Bị cáo ôm hai con, òa khóc xin tha thứ. |
Bi kịch gia đình
Theo gia đình, bị cáo Sơn quê ở Quảng Bình nhưng vào Quảng Trị để phụ thợ hồ và quen chị Trang. Hai người yêu nhau, được gia đình nội ngoại vui vẻ đồng ý. Sau đám cưới, Sơn tiếp tục mưu sinh bằng nghề thợ hồ, chị Trang buôn bán nhỏ. Họ sinh con trai đầu lòng năm 2005, đến 3 năm sau tiếp tục sinh con gái. Nhờ biết tích cóp, vợ chồng này đã cất được ngôi nhà khang trang tại trung tâm TP. Đông Hà.
Tìm về nhà nạn nhân sau phiên tòa sơ thẩm, được biết chị Trang là con út và con gái duy nhất trong gia đình 3 anh em, cha mẹ đã qua đời. Còn Sơn có 7 anh chị em. Khi chị Trang nằm viện, hai con ở với người bác cả ở cạnh nhà là anh trai chị Trang (51 tuổi, làm thợ mộc). Từ khi chị qua đời đến nay, hai con về ở với người bác thứ hai (42 tuổi, ngụ khu phố 8, phường 5, TP. Đông Hà).
Người thân cho biết, trước và sau khi xảy ra vụ án, gia đình anh Sơn với gia đình chị Trang cũng không hề có mâu thuẫn. Nạn nhân điều trị tại Bệnh viên Trung ương Huế tốn 70 triệu đồng, gia đình chị phải vay mượn để có tiền chữa trị. Bên gia đình anh Sơn hỗ trợ tổng 6 triệu đồng và từng ngỏ ý xin nuôi các cháu.
Anh trai chị Trang cho biết thêm, Sơn vốn chịu khó trong công việc nhưng ít nói, tính cộc cằn. Thời gian khi vợ chồng mâu thuẫn, Sơn có đánh vợ, thậm chí dùng dao dọa giết. Sau khi vợ chồng họ li dị, gia đình chị Trang vẫn thường xuyên thăm hỏi và đối xử tốt với Sơn. Những ngày kị giỗ hay có chuyện vui đều mời anh này đến.
“Em gái tôi nói rằng do vợ chồng sống không hợp nhau, không hạnh phúc nên li dị. Khoảng 10 ngày trước khi vụ án xảy ra, lúc đó tôi đang ở miền Nam bốc thuốc cho bệnh nhân, em tôi có điện nói bị Sơn uy hiếp. Nhưng tôi nghĩ chắc Sơn chỉ hù dọa nên không can thiệp.
Đến lúc em tôi gặp nạn, tôi không hề nghi ngờ Sơn là hung thủ mà chỉ nghĩ do người khác. Lúc đó, tôi liền điện cho Sơn báo Trang bị người lạ dùng xăng đốt, mong Sơn thu xếp nuôi con, nhưng anh ta trả lời ấp úng. Từ đó tôi nghi ngờ rồi báo công an”.
Dù gia đình cố giấu việc bố sát hại mẹ nhưng hai người con vẫn biết chuyện. Bé trai thường khóc nói nhớ mẹ, buồn về ba. Người bác rầu rĩ: “Đôi lúc đứa cháu gái hỏi mẹ đâu rồi, lại có khi hỏi vì sao ba lại giết mẹ. Rồi có lúc hai anh em nhỏ ôm nhau khóc khiến ai nấy trong gia đình tôi không thể kìm lòng”.
Người bác cũng chia sẻ, nhờ người thân quan tâm động viên, hai cháu nhỏ cơ bản đã ổn định tâm lý. Trong năm học 2015-2016, cả hai đều đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt.
Người này cho biết làm nghề bốc thuốc nam,vợ buôn bán nhỏ nên cũng không dư giả. Vợ chồng anh có 3 con đang tuổi ăn học. Từ ngày em gái qua đời, hai cháu cũng chuyển về nhà anh.
Trước khi em gái tôi trút hơi thở cuối cùng đã để lại lời trăn trối phải trừng trị kẻ gây án, đồng thời nhờ vợ chồng tôi chăm sóc, nuôi nấng hai cháu nên người. Nên dù khó khăn đến mấy vợ chồng tôi cũng sẽ nuôi hai cháu”.
Khi HĐXX nghị án, Sơn hướng đôi mắt về hai con của mình. Tuy nhiên, hai người con không dám đến với cha. Người con trai đầu nói: “Con sợ và giận ba lắm”. Nhờ người thân nội ngoại cũng như đại diện Viện kiểm sát kéo hai con đến nên bị cáo mới có cơ hội ôm con vào lòng.