Nghĩa tình của những “từ mẫu” quân y bệnh viện 108

(PLO) - Vừa qua, Đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108 gồm 150 cán bộ, bác sỹ, nhân viên có trình độ chuyên khoa cao, đã có cuộc hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Với tình cảm, trách nhiệm của mình, đoàn đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 4.000 lượt người với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Qua đó, góp phần chia sẻ khó khăn với hệ thống y tế cơ sở và tri ân thiết thực đối với nhân dân trên địa bàn căn cứ cách mạng năm xưa.
Đông đảo người dân đến đăng ký khám, chữa bệnh
Đông đảo người dân đến đăng ký khám, chữa bệnh

Tận tình như người thân ruột thịt 

Mới hơn 3 giờ sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, các thành viên đoàn công tác Bệnh viện TƯQĐ 108 dưới sự chỉ huy của Trung tướng, GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện đã có mặt đông đủ, mang theo hàng tấn máy móc, trang thiết bị, thuốc men… thực hiện chuyến công tác về nguồn, tri ân đồng bào các dân tộc trên quê hương Thủ đô kháng chiến- Thủ đô gió ngàn.

Trong suốt chặng đường dài ngồi trên xe từ Hà Nội ngược lên Tuyên Quang, không biết tự khi nào, những kỷ niệm cảm động về sự khó khăn, vất vả của việc lội suối, trèo đèo tới khám- chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, hay chuyện về bà con dân bản phải cơm gói, đi bộ suốt mấy ngày trời để đến khám bệnh tại các điểm khám của đoàn trước đây đã được các bác sỹ trong đoàn chia sẻ rất rôm rả. 

Khi đoàn xe chở cán bộ y- bác sỹ và vật chất, trang bị của đoàn vừa tới điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tú Thịnh (Sơn Dương), hàng trăm học sinh và bà con nhân dân đã đứng chật cứng sân trường.

Bà Lê Thị Công, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tú Thịnh chia sẻ: “Nghe tin các bác sỹ Bệnh viện TƯQĐ 108 về khám bệnh cho nhân dân, ai nấy đều rất phấn khởi. Tiếng lành đồn xa, nhiều người quanh vùng cũng tìm tới, mong được các bác sỹ quân đội khám, chữa bệnh cho mình”.

Thấu hiểu nỗi niềm của nhân dân, nên vừa tới nơi, đoàn công tác đã nhanh chóng bắt tay vào việc, khẩn trương lắp đặt máy móc, tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Tổ công tác xã hội nhanh chóng triển khai lực lượng tuyên truyền, hướng dẫn bà con tới vị trí đăng ký, khám bệnh.

Lực lượng nhân viên y dược cũng luôn tay tiếp nhận các đơn thuốc để cấp phát và hướng dẫn bà con dùng thuốc đúng liều lượng. Bên trong những phòng khám, các bác sỹ ân cần tiếp xúc và thực hiện các chỉ định khám, chẩn đoán, tư vấn, giải thích cặn kẽ cho từng người. 

Hình ảnh những bác sỹ và nhân viên trong đoàn công tác luôn nhiệt tình, niềm nở giúp đỡ các cháu nhỏ, người già yếu làm thủ tục đăng ký khám bệnh và đón đưa từng người đến các phòng khám…. đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong hàng nghìn con mắt và trái tim mọi người. 

Bỏ bữa, tăng ca để khám bệnh cho dân 

Trời về trưa nhưng những đoàn người vẫn kéo về nơi khám bệnh của đoàn công tác mỗi lúc một đông. Bên trong các phòng khám luôn chật cứng người chờ đợi. Để giảm bớt công việc cho cấp dưới, không để mọi người phải chờ đợi lâu, ban giám đốc bệnh viện đã tới từng phòng, trực tiếp thăm khám cho nhân dân và động viên các lực lượng “tăng ca”, làm việc thông trưa để phục vụ bà con.

Cùng với đó, một nhóm bác sỹ do Đại tá, Phó GS-TS Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện trực tiếp chỉ huy, mang theo máy móc, thuốc men, đi tới tận nhà khám bệnh cho những người già yếu thuộc diện chính sách... Ngồi trên xe, các y- bác sỹ tranh thủ “nạp” thêm năng lượng bằng những mẩu bánh mì, nhấp vội vài ngụm nước lọc để lấy sức, tiếp tục thực hiện cuộc hành trình.

Đại tá, Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Khoa Chẩn đoán chức năng, Bệnh viện TƯQĐ 108- người có 20 năm tham gia các đoàn công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa chia sẻ: “Trong mỗi đợt công tác, chúng tôi luôn cố gắng tận dụng mọi thời gian để khám, chữa bệnh cho nhân dân và hướng dẫn mọi người cách giữ gìn vệ sinh, phòng chống bệnh dịch...

Nhìn các cụ già, cháu nhỏ đi bộ cả chục cây số đường đèo để đến khám bệnh..., chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Điều đó cũng giúp chúng tôi quên đi cái đói, cái mệt để phục vụ bà con được nhiều hơn”.

Chúng tôi tạm biệt mảnh đất, con người nơi đây khi mặt trời đã lặn sau dãy núi. Nhìn các cụ già và cháu nhỏ mừng rỡ với những gói thuốc, tờ lịch, dắt tay nhau trở về nhà trên những bản làng xa..., bất chợt, tôi nhớ tới lời bày tỏ xúc động của bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương với đoàn công tác trước lúc chia tay: “Cấp ủy, chính quyền nhân dân trong huyện thực sự cảm thấy ấm lòng và biết ơn các bác sỹ Bệnh viện TƯQĐ 108 đã về khám bệnh cho bà con huyện nhà. Mỗi viên thuốc, phần quà mà đoàn công tác dành tặng cho nhân dân đã thể hiện tình cảm sâu sắc, sự tri ân nghĩa tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội với người dân trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa…”. 

Đọc thêm