Từ trung tâm huyện Đình Lập (Lạng Sơn), vượt hơn 60km qua nhiều dốc, đèo quanh co, chúng tôi đến bản biên giới Song Phe, thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa. Giữa lưng chừng núi, giữa bạt ngàn thông xanh là những nếp nhà vuông vắn của xóm Song Phe. Đại tá Hà Tiến Lưu - Chính ủy Đoàn KT-QP 338 - chỉ tay về khu bản mới Song Phe được xây dựng từ năm 2007, đến năm 2010 thì hoàn thành với quy mô 13 hộ dân được cung cấp đầy đủ điện lưới, đường nước sinh hoạt tự chảy, có nhà văn hóa kiêm y tế thôn bản để sinh hoạt tập trung.
Anh bảo, ngay từ những ngày đầu thành lập xóm, đơn vị đã giao Nông Lâm trường 461 triển khai dự án trồng rừng vành đai biên giới, giao đất rừng cho các hộ dân mỗi hộ 5-7ha để trồng thông. Đến nay, rừng thông đã phát triển tốt, trong 5 năm tới sẽ cho thu hoạch nhựa”.
Trưởng bản Hoàng Dùng Sung phấn khởi nói như “khoe”: “Được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm dựng cho cái nhà và hỗ trợ sản xuất bà con vui lắm, bảo nhau cố gắng xây dựng lại Song Phe cho hơn đời trước”. Nói rồi, ông Sung chỉ tay về phía bãi đất dưới chân núi và cho chúng tôi biết, trước năm 1978, đó từng là đồng lúa, khi chiến tranh biên giới nổ ra, gia đình ông và nhiều hộ dân khác của Song Phe phải dời vào các bản phía trong như bản Háng, bản Mạ, bản Nà Pè…
Từ đó, dù đã sinh sống nhiều năm ở bản Háng nhưng ông vẫn canh cánh trong lòng ước nguyện trở lại mảnh đất ông cha. Khi có chủ trương xây dựng bản tái định cư ở Song Phe, ông mừng lắm, bàn ngay với vợ xung phong và vận động các hộ dân ra ở xóm mới. Ông bảo, bây giờ cuộc sống bước đầu tuy khó khăn nhưng ông đã thực hiện được một nửa ước nguyện cuộc đời, đó là trở lại Song Phe.
Trong chén trà mộc đậm hương đất, hương rừng biên cương, Chủ tịch xã Bắc Xa Tô Đức Sơn hồ hởi kể: Bắc Xa có 310 hộ dân với 1.460 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Nùng. Bà con sống chủ yếu bằng cây lúa, cây ngô và cải thiện đời sống bằng cây thông. Khi triển khai dự án xây dựng bản tái định cư Song Phe, cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với bộ đội Đoàn KT-QP 338 tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước, ý nghĩa của việc xây dựng xóm với quốc phòng - an ninh, được bà con đồng tình ủng hộ.
Hiện nay 13 hộ dân đã nhận nhà, nhận đất và củng cố công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, tiến hành trồng cây ăn quả xung quanh nhà. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất, xã đã đề nghị huyện xây dựng đề án khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp, phấn đấu trong thời gian sớm nhất mỗi hộ sẽ có 3 đến 5 sào ruộng để trồng trọt, ổn định cuộc sống.
Y, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn KTQP 338 khám sức khỏe cho đồng bào vùng biên |
Trung tá Lê Chí Cường - Đội trưởng Đội sản xuất số 5, Nông Lâm trường 461 - cho biết: Cùng với tổ chức các đợt công tác “3 cùng”, hướng dẫn bà con chăn nuôi gia súc, trồng các loại cây ăn quả như mận, táo, cam, chanh… thực hiện chỉ đạo của Quân khu và của Đoàn KT-QP 338, đội sản xuất đã trực tiếp xây dựng ô mẫu, tổ chức nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn, gà ngay tại xóm Song Phe để bà con học tập, làm theo. Đơn vị đã thành lập 3 tổ công tác với 15 người gồm tổ vận động, tổ xây dựng và tổ làm vườn để giúp đỡ bà con.
Từ chỗ còn băn khoăn, lo lắng, khi tận mắt thấy bộ đội làm, một số hộ gia đình đã mạnh dạn sản xuất để cải thiện thu nhập. Tiêu biểu như vợ chồng anh Vương Văn Chuyền, chị Hoàng Thị Côn khi ra xóm mới đến nay đã có đàn lợn 10 con, đàn dê 40 con sắp sửa xuất chuồng. Thăm cơ ngơi gia đình anh Chuyền, chị Côn mới thấm thía lời anh Cường, đó là muốn vận động bà con sinh sống ổn định lâu dài, phải làm cho bà con tin vào hiệu quả kinh tế và tương lai của xóm mới.
Trao đổi với Đại tá Đoàn Duy Thanh - Trưởng phòng Kinh tế Quân khu - chúng tôi được biết: Xây dựng bản Song Phe là quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Khu KT-QP trên địa bàn chiến lược biên giới. Để giúp đỡ nhân dân xóm Song Phe ổn định cuộc sống trước mắt và phát triển kinh tế lâu dài,
Quân khu hỗ trợ gạo 10kg/tháng cho mỗi khẩu trong 2 năm (2016-2018), đồng thời chỉ đạo Đoàn KT-QP 338 tiếp tục tuyên truyền vận động, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho từng hộ dân”.
Rong ruổi trên khắp đỉnh đồi, ngọn núi giữa vùng biên cương, được tận hưởng cuộc sống yên bình của bà con các dân tộc vùng biên chúng tôi càng thấu hiểu nghĩa tình của những người lính Đoàn KT-QP 338.
Chia tay bà con dân bản Song Phe cùng những người lính nơi đây khi mặt trời đang khuất dần sau những rặng núi xa, chúng tôi mang theo hình ảnh nghĩa tình quân dân nơi biên cương Đông Bắc Tổ quốc mà lòng cảm phục. Sự gắn bó, sát cánh cùng với đồng bào nơi biên cương sẽ là cơ sở để Song Phe sẽ chuyển mình vươn lên, trở thành “tiền đồn” lòng dân nơi biên cương Tổ quốc...