Khan hiếm hàng, giá hoa tăng vọt
Cách 8/3 chừng 5 ngày, hoa hồng Đà Lạt đã tăng giá lên hơn 3 lần và có dấu hiệu khan hiếm, cháy hàng. Năm nay được coi là năm hoa hồng Đà Lạt tăng kỉ lục và hết hàng sớm nhất. Lý do được đưa ra là do thời tiết Đà Lạt năm nay có sự chuyển biến, dẫn đến sản lượng hoa hồng kém đi.
Tuy nhiên, nếu không có yếu tố thời tiết, thì dịp lễ, 8/3 năm nào hoa hồng và các loại hoa khác cũng tăng cao đột biến. Có năm giá tăng gấp 4, 5 lần. Hoa hồng là loại hoa phổ biến nhất dành tặng phụ nữ nên khan hiếm và tăng giá cao. Cạnh đó, các loại hoa thường dùng để tặng khác như lan, ly, hướng dương, cẩm chướng… cũng tăng gấp đôi, ba lần.
Những năm gần đây, thị trường có sự xuất hiện của các loại hoa ngoại được ưa chuộng như tulip, mẫu đơn, hoa hồng các nước… Với vẻ ngoài đẹp, lạ mắt, tươi lâu…, các loại hoa ngoại nhập được những người có thu nhập khá lựa chọn để tạo sự đặc biệt và giá của các loại hoa này cũng đắt gấp đôi, ba lần các loại hoa trong nước. Nghĩa là có thể tốn vài triệu đồng để chi cho việc tặng hoa ngày Quốc tế Phụ nữ là chuyện không lạ.
Hai năm nay, thị trường xuất hiện một loại “hoa” đặc sắc khác, đó là “hoa” mà không phải từ hoa. Các loại trái cây yêu thích được trang trí với hình dạng như bó hoa để tặng. Đó có thể là dâu ngoại, cherry, hoặc không phải trái cây như các loại kẹo nhập, chocolate. Trào lưu này đang được rất nhiều người trẻ thích thú, ủng hộ.
Lý do là những “bó hoa” nói trên vừa có hình dạng xinh xắn gần như hoa thật, lại có thể sử dụng một cách thực tế, tức ăn được và rất ngon. Tất nhiên, giá của những “bó hoa” như thế đắt hơn nhiều so với hoa thật. Một bó hoa dâu tây, cherry có giá tầm 2 - 3 triệu đồng, chocolate từ 1-2 triệu đồng tùy kích cỡ, chất lượng và cách trang trí.
Cần điều chỉnh thói quen tiêu dùng
Không chỉ 8/3, giá hoa cũng “tăng nhiệt” vào các đợt Tết nguyên đán và các ngày lễ khác như 14/2, 20/10, 20/11… Nói là tăng giá cao, khan hiếm là thế, nhưng mức giá này cũng chỉ trụ được tầm 2-3 ngày. Đến nửa sau của ngày lễ, hoa chỉ còn nửa giá và đến cuối ngày thì được bán đầy lề đường với mức giá… rẻ như cho. Tuy đã giảm giá mạnh, nhưng những ngày sau đó, lượng hoa tồn đọng, phải vứt bỏ không ít.
Nguyễn Thị Thảo Ni, sinh viên năm 3 Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, Ni có kinh nghiệm bán hoa lễ từ 2 năm nay. Trước lễ tầm 7 ngày là phải cọc giữ giá hoa, sau 3 ngày bắt đầu lấy hoa về bán dần trên trục đường quận 3 với giá gấp 2-3 ngày thường tùy loại hoa.
Đến cuối ngày lễ, hoa được bán với giá 1/2, 1/3 giá ngày thường. “Hầu như năm nào tụi em cũng bị dư hoa dù đã giảm giá đáng kể, nhưng khó mà không dư vì không thể dự phòng được sức mua. Hết ngày lễ đành đem bỏ vì hoa không bảo quản được.
Các shop hoa may ra còn để thêm được vài ngày”, Thảo Ni chia sẻ. Nhưng thực tế, tình hình tại các cửa hàng hoa cũng không khá hơn là bao nhiêu, vì tuy có thể bảo quản thêm được vài ngày, nhưng nhu cầu giảm nên cũng chẳng tiêu thụ thêm được mấy.
Có thể thấy, nhiều năm nay, tâm lý bán hoa ngày lễ, Tết của thị trường trong nước đi theo một “công thức”: tăng giá đột biến từ 7-10 ngày trước lễ, tăng giá mạnh vào 3-5 ngày trước lễ, giảm giá đáng kể, bán giá rẻ bèo vào ngày lễ và… đổ bỏ sau lễ. Đó thực ra là một nghịch lý.
Một ví dụ, Hoa yêu thương - chuỗi cửa hàng hoa nổi tiếng ở TP HCM đã áp dụng chính sách bình ổn giá, quyết tâm không tăng giá vào mùa lễ, Tết. Kết quả là không cần nâng lên rồi hạ xuống theo thời điểm, hoa vẫn bán hết veo, thậm chí không đủ cung cấp cho người dân, tránh được tình trạng giá “cắt cổ” trước lễ, rẻ bèo trong lễ và đổ bỏ sau đó, lại vừa gìn giữ được uy tín đối với khách hàng.
Từ thị trường hoa ngày lễ, có thể thấy được tâm lý buôn bán có phần “ăn xổi” đã góp phần tạo nên một thói quen tiêu dùng chưa văn minh. Muốn thay đổi được nghịch lý của thị trường hoa, có lẽ mỗi người kinh doanh cần có chiến lược, chính sách bán hàng hợp lý, có tâm, có cái nhìn xa hơn…