Nghịch lý vào lớp 10 ở Hà Nội: Đỗ trường chuyên nhưng... trượt trường công

(PLO) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Có một nghịch lý là rất nhiều thí sinh đã đỗ THPT chuyên của các trường chuyên ĐH Quốc gia nhưng lại không thể  đủ điểm để vào trường công tốp đầu. 
Ảnh minh họa từ internet.

Kẻ khóc, người cười

Đúng như dự đoán, năm nay số thí sinh điểm cao không nhiều nên điểm chuẩn vào 110 trường công lập không chuyên của Hà Nội đều giảm. Đơn cử, những trường luôn dẫn đầu về mức điểm chuẩn THPT công lập không chuyên trên toàn thành phố như Trường THPT Chu Văn An năm học 2017- 2018 điểm chuẩn là 55,5 điểm thì năm nay chỉ còn 51,5 điểm, giảm tới 4 điểm, đây cũng là trường giảm điểm chuẩn nhiều nhất. Trường THPT Thăng Long năm trước 52,5 điểm thì năm nay chỉ còn 49,5 điểm, giảm 3 điểm; Trường THPT Kim Liên năm trước 53 điểm, năm nay là 50,5 điểm; Trường THPT Việt Đức từ 52 điểm của năm trước, năm nay giảm còn 49 điểm, THPT Yên Hòa từ 52,5 năm trước, năm nay giảm còn 50 điểm… 

Sở dĩ năm nay điểm thấp bởi điểm chấm thi môn Văn khiến nhiều học sinh giỏi Văn sốc. Một phụ huynh có con học Trường Trưng Vương cho biết, điểm Văn ở lớp con luôn ở tốp đầu lớp, điểm trung bình suốt 4 năm THCS luôn xấp xỉ 9,0. Khi hoàn thành bài thi con tự tin sẽ được 8,5 điểm Văn, 6,5 điểm môn Toán. Thế nhưng, kết quả thi con chỉ được 6,5 điểm Văn (!).

Một phụ huynh khác có con học sau khi thi xong tự chấm Văn theo đúng đáp án được 6,5 điểm; Toán được 8,5 điểm thì kết quả con được đúng như vậy và thừa điểm vào trường công tốp đầu. Tuy nhiên, con trai chị học rất sợ môn Văn và chỉ luôn học thuộc chuẩn dập khuôn theo từng ý bài văn. Một số thầy cô THCS nhiều năm tham gia chấm thi vào lớp 10 cho biết, thi vào lớp 10, các con cần học thuộc cho đầy đủ ý, bởi điểm chấm thi “cứng nhắc” theo ba rem điểm, chấm thi không khác với chấm Toán… Do đó, dễ hiểu vì sao các con là thí sinh học sinh giỏi Văn nếu viết quá… “phiêu” chưa chắc đã điểm cao…

Thế nên, năm nay có một nghịch lý, rất nhiều thí sinh đã đỗ THPT chuyên của các trường chuyên ĐHQG nhưng điểm vào trường công lại chỉ ở mức 45, 46, không thể  đủ điểm để vào trường công tốp đầu. Chị Nguyễn Phương cho biết, thật may con trai chị đã đỗ chuyên Anh của ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG), chứ  với điểm thi THPT không chuyên thấp, con chỉ còn nước học dân lập có điểm đầu vào vừa phải, hoặc chỉ xét tuyển. Thậm chí, trước đó, nhiều phụ huynh quá lo lắng đã nộp tiền đặt cọc vào các trường dân lập tốp đầu. Và sau khi biết điểm chuẩn hạ so với năm trước, họ phải chấp nhận mất một khoản vài triệu cho việc “xí chỗ” đó. 

Có thể nói, sau khi có điểm chuẩn, là rất nhiều tiếc nuối bởi sức ép “năm dê vàng”. Ngược lại với những thí sinh điểm thấp là những em bởi quá lo lắng, không tự tin đăng kí NV1 vào các trường tốp đầu, nên nhiều em 52, 54 điểm đã không vào được những ngôi trường các em mơ ước, thậm chí thấp hơn nhiều so với lực học.

Chẳng hạn có em thích vào Nguyễn Gia Thiều, nhưng mẹ lại đăng kí NV1 vào THPT Phúc Lợi trong khi em đó đạt 54 điểm. Và năm nay điểm chuẩn THPT Nguyễn Gia Thiều là 49,5; còn THPT Phúc Lợi chỉ 44,5 điểm. Một em khác thích vào THPT Phan Đình Phùng nhưng phụ huynh nhất định đăng kí vào Phạm Hồng Thái. Kết quả, em đạt 52 điểm, trong khi điểm chuẩn Phạm Hồng Thái là 48, Phan Đình Phùng 50,5…

Và đổ xô vào trường dân lập, bán công tốp đầu

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường THPT công lập nhận hồ sơ trúng tuyển từ ngày 1 – 3/7; nếu trường tuyển còn thiếu so với chỉ tiêu sẽ nhận tiếp vào ngày 5 – 6/7. Tuy nhiên, với trường công lập tự chủ tài chính duy nhất ở Hà Nội như THPT Phan Huy Chú, ngay khi có điểm chuẩn là 48 điểm (trong khi chỉ có 315 chỉ tiêu) thì trong đêm 29/6, phụ huynh đã đến xếp hàng nộp hồ sơ. Đại diện nhà trường cho biết, khi nhận đủ chỉ tiêu, trường sẽ dừng tiếp nhận hồ sơ… 

Năm nay, Hà  Nội với 94.499 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập, nhưng chỉ tiêu chỉ có 63.050. Như vậy, gần 32.000 em sẽ không có cơ hội vào cơ sở giáo dục công lập. Các em sẽ sang học tại trường tư thục có học phí đắt đỏ, hoặc vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. Đó cũng là xu hướng chung của hàng vạn học sinh khác trên cả nước, nếu không trúng tuyển vào lớp 10 trường công lập năm nay cũng sẽ phải đi theo những hướng này.

Thực tế những năm qua trong khi hệ thống trường phổ thông công lập quá tải thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại gặp khó khăn trong việc thu hút học sinh. Nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý hướng con em nhất định chỉ có đại học là con đường duy nhất. Rào cản này khiến cho việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS gặp khó khăn.

Trong khi sức học của nhiều thí sinh khá hạn chế. Hà Nội và nhiều địa phương khác đều có những trường nghề uy tín, vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh. Nhiều trường còn đảm bảo việc làm cho các em, hoặc học sinh có thể học lên cao đẳng, đại học. Còn với hệ thống các trường dân lập, nhiều phụ huynh e ngại vì học phí cao, trong khi không phải trường nào cũng có chất lượng tốt. Thế nên, cá biệt, có những phụ huynh không tiếc sức, khi con trượt trường công tỉnh này, sẽ đưa con qua tỉnh khác thi, là những tỉnh miền núi đầu vào thấp, để sau này chuyển về… 

Phụ huynh cần lưu ý đặc biệt về thời hạn nộp hồ sơ nhập học vào các trường THPT

Để không lỡ mất cơ hội, thí sinh và phụ huynh cần lưu ý đặc biệt về thời hạn nộp hồ sơ nhập học vào các trường THPT đã đăng ký nguyện vọng nếu trúng tuyển.

Ngày 28/6, Hà Nội chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường chuyên. Hiện nay, toàn thành phố có 4 trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên, gồm: chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây. Dù đề thi năm nay được đánh giá là khó hơn năm ngoái, nhưng điểm chuẩn vào các trường chuyên danh tiếng này không hề “hạ nhiệt”. Thậm chí, nhiều lớp còn có điểm chuẩn tăng đột biến. Năm 2017, chuyên Pháp của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có điểm chuẩn là 26,75 điểm thì năm nay tăng đột biến lên 34,9 (tăng 8,15 điểm). Vì vậy, ngay sau khi biết điểm chuẩn, nếu con em mình trúng tuyển, cha mẹ cần gấp rút hoàn thiện hồ sơ để nhập học, vì nếu nộp hồ sơ nhập học muộn thì con em mình sẽ lỡ mất cơ hội.

Đối với các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An và trường THPT Sơn Tây, học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT từ ngày 29/6/2018 đến ngày 1/7/2018. Sau ngày 1/7/2018, những trường tuyển còn thiếu so với chỉ tiêu giao, được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 3/7/2018 đến ngày 4/7/2018.

Đối với trường THPT công lập không chuyên, học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT từ ngày 1/7/2018 đến ngày 3/7/2018. Sau ngày 3/7/2018, những trường tuyển còn thiếu so với chỉ tiêu giao, được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 5/7/2018 đến ngày 6/7/2018.

Với tuyển sinh vào lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level) tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT từ ngày 29/6/2018 đến ngày 1/7/2018.

Như vậy, phụ huynh sẽ chỉ có 3 ngày sau thời gian công bố điểm chuẩn để hoàn thiện hồ sơ nhập học và nộp tại trường mà con trúng tuyển. Sau 3 ngày theo quy định, nếu thí sinh nào không nộp hồ sơ xác nhận nhập học sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển để nhường cơ hội cho người khác. 

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong trường hợp hạ điểm chuẩn, các trường THPT phải niêm yết công khai số lượng học sinh đã tuyển, số còn thiếu so với chỉ tiêu, điểm chuẩn mới (đã được Sở GD-ĐT phê duyệt) và thời hạn nhận hồ sơ. Học sinh đủ điểm chuẩn, đủ điều kiện tuyển sinh phải nộp đầy đủ hồ sơ nhập học tại trường, nếu quá thời gian quy định, học sinh sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.

Đọc thêm