Tại buổi nghiệm thu, ThS Cao Xuân Phong – Trưởng ban nghiên cứu Pháp luật Quốc tế (Viện Khoa học Pháp lý) đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Theo đó, Nhóm tác giả chỉ rõ Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 qua quá trình triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nhất định, đặc biệt là nguyên tắc một quốc tịch theo hướng “mềm dẻo” đã tạo sự linh hoạt cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề quốc tịch Việt Nam, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của của công dân Việt Nam trong lĩnh vực quốc tịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại một số bất cập trong việc triển khai thực hiện, làm phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn ảnh hưởng tới không chỉ quyền và lợi ích của công dân mà trong chừng mực nhất định còn ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Nhà nước, tới chính sách đối ngoại và tới hình ảnh của quốc gia Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng và thực thi pháp luật về quốc tịch là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước ta hiện nay.
Được biết, Đề tài tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật về quốc tịch tại 13 quốc gia, bao gồm: Aixlen, Ba Lan, Campuchia, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Lào, Nga, Nhật Bản, Pháp, Séc và Trung Quốc. Đề tài tập trung vào nguyên tắc các quốc tịch, từ đó đề xuất, khuyến nghị các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết hệ quả vấn đề đa quốc tịch ở Việt Nam hiện nay đồng thời gợi ý các chính sách pháp luật quốc tịch nhằm hoàn thiện pháp luật về quốc tịch ở Việt Nam (khi nào có quốc tịch, nhập quốc tịch, mất quốc tịch, xử lý xung đột quốc tịch…)
|
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên Hội đồng cũng chỉ ra một số điểm cần bổ sung và chỉnh sửa như: các khái niệm, thuật ngữ cần sử dụng một cách thống nhất, nhất quán hơn; làm sâu sắc thêm các nội dung của Đề tài; đi sâu vào phân tích tại sao các quốc gia đã nêu trên lại có sự khác biệt về nguyên tắc các quốc tịch; đề nghị làm rõ hơn các yếu tố “bên ngoài” ảnh hưởng đến chính sách quốc tịch của Việt Nam như thế; cần mạnh dạn nêu ra nhiều kiến nghị hơn nữa; bổ sung giải pháp giải quyết tình trạng không quốc tịch…
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất những ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự cố gắng, nghiêm túc của Nhóm nghiên cứu, Đề tài đã đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Nhận định đây là một đề tài khó, đặc biệt là trong việc nghiên cứu pháp luật nước ngoài, Thứ trưởng yêu cầu Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để bổ sung hoàn thiện các nội dung của Đề tài để có thể triển khai áp dụng trong thực tiễn; rà soát lại các vấn đề về kỹ thuật để ý tứ, câu chữ thống nhất, liền mạch hơn; xem xét kỹ lại các vấn đề được nêu trong Đề tài để phù hợp với bối cảnh chính trị và các bối cảnh khác ở Việt Nam. Đồng thời đề nghị Nhóm nghiên cứu tập trung hơn nữa vào nội dung triển khai các quy định pháp luật về quốc tịch trên thực tế; đi sâu vào vấn đề nhập quốc tịch, đặc biệt là ở thực tiễn.