Nghiên cứu xây dựng một đạo luật về công tác xã hội

(PLVN) - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”.
Các đồng chủ trì Hội thảo.
Các đồng chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Du, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) Bùi Ngọc Quý đồng chủ trì Hội thảo.

Còn khoảng trống pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, công tác xã hội (CTXH) là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”…

CTXH trong lĩnh vực tư pháp là một phần của CTXH, góp phần đa dạng hóa các lĩnh vực trợ giúp xã hội, nâng tính chuyên nghiệp của nghề CTXH và đề cao sự tôn trọng của xã hội đối với nghề CTXH, nhất là CTXH trong lĩnh vực Tư pháp.

Xét về bản chất, CTXH trong lĩnh vực Tư pháp là những hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người trong quá trình chấp hành hình phạt và đã chấp hành xong hình phạt; người cần cấp dưỡng trong các vụ việc ly hôn; người đòi trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn trong các vụ việc về lao động, việc làm… có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế (người cao tuổi, người khuyết tật, người dưới 18 tuổi, người có HIV, người không nơi nương tựa…) được sớm tiếp cận với hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch, bình đẳng, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... đã từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật về CTXH. Nhiều bộ luật, luật chuyên ngành đã được ban hành; nhiều Nghị định, Thông tư và nhiều chương trình, đề án liên quan đến CTXH… đã tạo thành chỉnh thể, hệ thống hành lang pháp lý về CTXH.

Tuy nhiên, theo ông Trần Doãn Tiến, pháp luật quy định về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp còn khoảng trống, rải rác, đan xen, thiếu đồng bộ và bất cập trong quá trình triển khai. Có thể kể đến, trong lĩnh vực Tư pháp hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp, cụ thể về nghề CTXH hay người làm CTXH. Dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp hiện nay chưa thực sự chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng là người bị hại, nạn nhân của các vụ vi phạm pháp luật, vụ án như nạn nhân bị mua bán người, nạn nhân bị xâm hại tình dục…, đặc biệt nạn nhân là người dưới 18 tuổi…

Đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật CTXH

Vì vậy, tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ, phân tích khái quát cơ sở lý luận và chính trị - pháp lý, làm rõ nội hàm về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; đánh giá thực trạng CTXH trong lĩnh vực Tư pháp thời gian qua; chia sẻ thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra hiện nay về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp. Đồng thời, đề xuất giải pháp, kiến nghị, cơ chế hoàn thiện chính sách pháp luật CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; các giải pháp truyền thông phổ biến, tuyên truyền pháp luật; nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong lĩnh vực này…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Để đưa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào trong đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các đối tượng.

Bộ Tư pháp, TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an tập trung nghiên cứu, làm rõ về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ trong từng ngành đối với vấn đề này. Đồng thời, cần tập trung vào đào tạo, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm CTXH; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, vừa làm vừa tổng kết vừa rút kinh nghiệm. Các trường đại học tăng cường dạy những bộ môn về CTXH… Cùng với đó, tập trung kiến nghị, đề xuất các giải pháp thông minh trong triển khai truyền thông; tăng cường truyền thông nhận thức xã hội CTXH trong lĩnh vực Tư pháp…

TS Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, về luật pháp, chính sách, với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội thì đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về CTXH (Luật Công tác xã hội), trong đó có các quy định về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Lê Thị Vân Anh đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về CTXH.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Lê Thị Vân Anh đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về CTXH.

Đạo luật này có thể tập trung vào một số vấn đề như các dịch vụ CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của nhân viên CTXH trong việc cung cấp các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp; cơ chế tuyển dụng người làm CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; yêu cầu năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ làm CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; quy trình, trình tự triển khai mô hình dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong quá trình can thiệp, hỗ trợ đối tượng là người vi phạm pháp luật, người là nạn nhân, nhân chứng như mô hình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; dịch vụ hỗ trợ, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng dành cho người vi phạm pháp luật….

PGS.TS Nguyễn An Lịch, Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam nêu quan điểm, hoàn thiện chính sách, pháp luật CTXH trong lĩnh vực Tư pháp cần quan tâm mô hình văn hóa Việt Nam, lưu ý các văn bản pháp luật đã ban hành có liên quan đến CTXH. Theo ông, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo việc xây dựng các bộ luật tại Việt Nam, hệ thống luật về CTXH tại Việt Nam cần khẩn trương được phê duyệt và công bố trong nước cũng như quốc tế, đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đến từ UNICEF Việt Nam, bà Lê Hồng Loan khuyến nghị, cần chính thức công nhận vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống Tư pháp, có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên CTXH trong các Luật như Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… và xây dựng hướng dẫn chi tiết về vai trò của nhân viên CTXH trong lĩnh vực Tư pháp. Đồng thời, nghiên cứu tính khả thi về mô hình cơ cấu và tổ chức cho nhân viên CTXH trong hệ thống Tư pháp và chỉ định một bộ/cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhân viên CTXH trong hệ thống Tư pháp. Thí điểm mô hình nhân viên CTXH trong lĩnh vực Tư pháp cho người chưa thành niên ở một số địa phương.

Đọc thêm