Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản uy tín

(PLVN) -Đây là một trong những nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được giao tại dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản. Dự thảo Chỉ thị cũng quy định cụ thể trách nhiệm của một số Bộ có liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu giá tài sản và hiện đang được đưa ra lấy ý kiến.

Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, nhất là sau khi thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được nhiều kết quả: hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; nhiều cuộc đấu giá tài sản được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đấu giá tài sản còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập như: việc định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát; việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên; chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế; hiện tượng “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”...

Để tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đồng thời, để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, bên cạnh quy định các nhiệm vụ chung đối với các bộ, ngành, địa phương, dự thảo Chỉ thị đã quy định cụ thể trách nhiệm của một số Bộ có liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu giá tài sản.

Cụ thể, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá công khai, minh bạch, khách quan, nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; phân định rõ thẩm quyền, chức năng của từng cơ quan quản lý nhà nước trong từng khâu của quá trình tổ chức đấu giá tài sản.

Tiếp tục triển khai Luật Đấu giá tài sản đảm bảo việc thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề đối với đội ngũ đấu giá viên; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản uy tín. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong thời kỳ cách mạng 4.0, dự thảo Chỉ thị giao Bộ Tư pháp vận hành và sử dụng ổn định Trang thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản tạo cơ sở thống nhất cho việc đăng thông tin đấu giá tài sản trên phạm vi cả nước; nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ trực tuyến trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đối với Bộ Tài chính, Dự thảo Chỉ thị giao chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về việc định giá, xác định giá khởi điểm đối với tài sản đấu giá là tài sản công, đảm bảo giá khởi điểm tài sản đấu giá sát với giá thị trường; tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật, quy trình, quy chuẩn tổ chức định giá của các tổ chức thẩm định giá; việc xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá là tài sản công gắn liền với quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền.

Bộ Công an tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý hình sự, thực hiện các biện pháp trấn áp tội phạm đối với các vụ việc, cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng hoạt động đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo, quán triệt các cơ quan công an địa phương có biện pháp hỗ trợ việc bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc đấu giá, nhất là những cuộc đấu giá tài sản công có giá trị lớn.

Còn đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Dự thảo Chỉ thị giao tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ đấu giá viên; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản của tỉnh…  

Đọc thêm